Tuy nhiên, ca sĩ Tân Nhân không chỉ hiện hữu như một giọng ca huyền thoại, công chúng còn nhắc đến bà với một mối tình nhiều trắc trở éo le mang đậm dấu vết cách ngăn của một giai đoạn mất mát chiến tranh!
1. Sinh ra ở làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cô bé Trương Tân Nhân từ năm 13 tuổi đã được gửi vào Huế để theo học trường nữ sinh Đồng Khánh.
Không chỉ sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ đến mức được Nam Phương hoàng hậu mời dự tiệc và ca hát, Tân Nhân còn tham gia đội phản gián, đưa tin tức và rải truyền đơn cho cách mạng.
Cơ sở bị lộ, Tân Nhân được tổ chức đưa ra Nghệ An học tiếp ở Trường trung học kháng chiến Huỳnh Thúc Kháng. 17 tuổi, Tân Nhân gia nhập Đoàn văn công Quân khu 4 do Đình Quang và Bửu Tiến phụ trách.
Không chỉ sinh hoạt chung với những nghệ sĩ Tố Lan, Duy Đàm, Tường Vy… ở đây ca sĩ Tân Nhân còn được hạnh ngộ một chàng nhạc sĩ hào hoa đồng hương Hoàng Thi Thơ.
Lớn hơn Tân Nhân 3 tuổi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ say đắm nhan sắc và giọng hát của cô ca sĩ nhỏ nhắn và hoạt bát. Thế nhưng, sự tán tỉnh và theo đuổi quyết liệt của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chưa chắc đã có kết quả, nếu như không có sự cố bất ngờ…
Năm 1951, địch mở trận càn vào chiến khu Nghệ An. Đoàn văn công Quân khu 4 bị bao vây tứ phía, mà theo hồi ức của ca sĩ Tân Nhân thì “trên trời máy bay, dưới sông ca nô, trên bộ lính bủa quanh”. Ca sĩ Tân Nhân và ba nữ đồng đội phải trốn vào rừng sâu và mất liên lạc suốt mấy ngày… Không tìm thấy ca sĩ Tân Nhân, nhiều người đồn đoán rằng cô đã hy sinh, khiến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bàng hoàng.
Bao nhiêu ngổn ngang nhớ thương và cay đắng trong tâm can Hoàng Thi Thơ trào ra thành bài hát “Xuân chết trong lòng”. Và chính nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ôm đàn hát “Xuân ơi xuân, trong tiếng đàn… Ôi chim xa cành, bướm lìa hoa, trùng phùng xa lắm…” để truy điệu ca sĩ Tân Nhân.
Sau khi thoát hiểm, ca sĩ Tân Nhân quay lại đơn vị và được bạn bè cho biết về sự xuất hiện của ca khúc “Xuân chết trong lòng tôi” đầy bi oán:
“Anh ấy như điên như dại khi hay tin chị chết, đã lang thang cầm roi quất ngang quất dọc trên các nẻo đường dọc theo bến đò Châu Phong – Bạch Ngọc mà khóc và viết lên bài ca ấy”.
Hoàn cảnh ấy, cô gái nào mà không run rẩy, không xiêu đổ. Ca sĩ Tân Nhân chấp nhận dâng hiến trái tim đôi mươi cho nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Khoảnh khắc ấy, hơn nửa thế kỷ sau được chính bà viết lại: “Với nỗi xúc động thơ trẻ chứa chan, tôi thầm nghĩ:
Biết mình chết rồi mà vẫn yêu thương nuối tiếc. Phải chăng đó là tình yêu chân thật? Xót xa thay, đó là một mối tình bất hạnh: Trong chuyến về thăm nhà vùng tạm chiếm, anh bị kẹt và từ đó chúng tôi mãi mãi cách chia”.
Nỗi bẽ bàng giữa nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân cần minh định như thế nào? Giữa năm 1952, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ghé thăm bà con đang sinh sống cố đô thì bị Pháp bắt giữ, vì ông cũng có tên trong danh sách những người chống thực dân.
Những ngày khốn khổ trong tù, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ không thể biết bên ngoài ca sĩ Tân Nhân còn cơ cực hơn khi mang thai đứa con chung của họ. Năm 1954, Pháp bại trận, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ra khỏi song sắt giam cầm thì ông không thể nào đi tìm ca sĩ Tân Nhân được nữa.
Con sông Bến Hải đã chia đôi đất nước, chia đôi duyên phận nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân. Và cái ranh giới định mệnh ấy, hơn một thập niên sau, ca sĩ Tân Nhân đã đứng ở bờ bắc bái vọng làng Mai Xá chôn nhau cắt rốn phía bờ nam để cất giọng hát “Xa khơi” với niềm xao xuyến bất tận:
“Ơi mênh mông sóng xô ru thuyền ta xa bờ/ Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ/ Thuyền ra xa khơi đưa nhịp chèo nối liền/ Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền”.
2. Sau cột mốc 1954, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân, mỗi người lại tiếp tục một cuộc đời dang dở. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vào Sài Gòn gầy dựng sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy.
Ca sĩ Tân Nhân sinh đứa con đầu lòng lấy họ mẹ để đặt tên Trương Nguyên Việt, rồi đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc Trung ương.
Tại Hà Nội, ca sĩ Tân Nhân tái ngộ người bạn học Lê Khánh Căn thuở nào cùng chung chí hướng ở cố đô. Thấu hiểu thăng trầm và đã sẵn cảm mến ca sĩ Tân Nhân, ông Lê Khánh Căn ngỏ lời cầu hôn. Ca sĩ Tân Nhân ghi trong hồi ký: “Quả thật, tôi chưa hoàn hồn sau lần qua sông đầu tiên nên tâm sự: “Em còn lo lắng nhiều bề, rất sợ những đổi thay vội vã”.
Tết đến, chúng tôi ra Bờ Hồ hái lộc, đón giao thừa. Anh rủ tôi lên chúc Tết anh Tố Hữu- vốn là người mà anh Căn làm thư ký trong những ngày kháng chiến ở Việt Bắc.
Vừa thấy chúng tôi, anh Tố Hữu vui mừng: “Tổ chức đi thôi!”. Anh Căn phân trần: “Chúng tôi còn khó khăn, sợ làm chưa tốt”. Anh Tố Hữu lại nhiệt tình: “Khỏi lo, để bọn mình giúp”. Thế là với tâm hồn nồng hậu của nhà thơ, cũng là nhà lãnh đạo, anh cho gửi giấy mời mồng bốn Tết”. Làm vợ nhà báo Lê Khánh Căn, ca sĩ Tân Nhân đổi tên con trai Trương Nguyên Việt thành Lê Khánh Hoài, và sinh thêm hai người con Lê Khánh Châu và Lê Khánh Như.
Ca sĩ Tân Nhân và con trai Trương Nguyên Việt năm 1954
Một ca sĩ nổi tiếng như Tân Nhân lấy chồng thì dĩ nhiên được thiên hạ loan truyền. Giữa năm 1956, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lặn lội về tận quê nhà Gio Linh của ca sĩ Tân Nhân để xác minh hư thực.
Biết cố nhân đã có bến đỗ bình yên, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ không rõ buồn vui, nhưng ông đã viết ca khúc “Đường xưa lối cũ” vào những run rủi ấy:
“Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng/ Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng… Khi tôi về, bồi hồi trong nắng/ Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về/ Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn/ Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng… Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi/ Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi”… Tháng 9-1957, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cưới ca sĩ Thúy Nga, và có bốn người con!
3. Mối tình nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân không chỉ lãng đãng khói sương phiêu bồng cho giai điệu bay bổng lai láng.
Đứa con chung của họ, Trương Nguyên Việt – Lê Khánh Hoài vừa như trái ngọt ái ân vừa như chứng nhân đau đớn. Năm 15 tuổi, Lê Khánh Hoài viết bài thơ bày tỏ trái ngang đời mình: “Con sinh ra là một giọt lệ đau/ Giọt lệ ấy chẳng đủ soi lòng mẹ…/ Con là vật kỷ niệm lúc chia phôi/ Mẹ muốn quên dáng người đi tội lỗi/ Con lại mang khuôn mặt người cha ấy/ Vì có con, mẹ chẳng thể quên cha…/ Đất nước chia hai, mẹ cha đôi ngả/ Con là con sông có dòng đục dòng trong/ Và mẹ ơi, con những phút yếu lòng/ Mẹ đừng hỏi nước mắt từ đâu thế/ Ngày tan nát giọt lệ đau của mẹ/ Nay chảy thành nước mắt đời con”.
Tất nhiên, Lê Khánh Hoài cất rất kỹ bài thơ, nhưng rồi ca sĩ Tân Nhân cũng đọc được. Không trách móc hay giận hờn, ca sĩ Tân Nhân viết bài thơ “Nhớ nghe con” như sự hồi đáp lặng lẽ:
“Con sinh ra là giọt lệ đau/ Giọt lệ lớn thấm vào đời mẹ…/ Dại khôn chi mới chút tuổi đầu/ Dễ mềm lòng trước những lời hoa lá…/ Bao lao lung giấu kín đáy lòng/ Phận đàn bà bến đục bến trong…”.
Lê Khánh Hoài vào bộ đội. Ngày non sông thống nhất, Lê Khánh Hoài xuôi ngược khắp Sài Gòn tìm người cha ruột, nhưng đâu ngờ ngày 30- 4-1975 thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đang lưu diễn ở Nhật Bản và đành chọn cách sang Mỹ định cư.
Năm 1987, ông đã gửi một lá thư cho đứa con trai xa cách: “Hoài, đứa con trai đầu lòng yêu quý của ba! “Chối bỏ”? Từ ngữ ấy không hề có trong từ điển của ba. Hoặc có chăng nữa, ba cũng chưa bao giờ dùng nó. Ba chưa bao giờ chối bỏ con. Suốt 35 năm trời nay, con luôn ở trong ký ức của ba, trong trái tim của ba, trong tâm hồn của ba…
Nhắc đến mối tình đầu của mẹ con mà con viết “tưởng hết sức đẹp đẽ”, ba hãnh diện xác nhận với con một lần là, cho đến bây giờ mối tình đó, đối với ba cũng như một số người đã biết mối tình đó, là mối tình đẹp nhất trần gian.
Ba không đại ngôn, không phóng đại khi ba nói như vậy. Ba và mẹ con sẽ tìm thấy dần, sẽ hiểu thấu dần. Đối với ba, suốt đời, mẹ con là tuyệt vời…”. Mãi đến năm 1994, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ về nước, hai cha con mới gặp mặt nhau, mừng mừng tủi tủi như Lê Khánh Hoài viết:
“Hơn 40 năm chờ đợi… Hơn 40 năm, đây là lần đầu tiên trong đời tôi có một người đàn ông để gục đầu vào ngực. Đây cũng là lúc không còn chiến tuyến bên này hay chiến tuyến bên kia của một thời dĩ vãng. Chỉ còn cha và con. Và đêm ấy, lần đầu tiên trong đời, hai cha con tôi được bên nhau”.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua đời ngày 23-9-2001, hưởng thọ 72 tuổi. Trong di chúc, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gọi đứa con chung với ca sĩ Tân Nhân là Hoàng Hữu Hoài. Còn ca sĩ Tân Nhân rời khỏi nhân gian vào ngày 14-2-2008, hưởng thọ 76 tuổi.
Một trong những dòng chữ cuối cùng mà ca sĩ Tân Nhân để lại trên đời, là lá thư gửi Bộ Văn hóa Thông tin để đề nghị cho phổ biến ca khúc Hoàng Thi Thơ tại Việt Nam:
“Với tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy mình có trách nhiệm với tình cảm này. Đặc biệt trên cương vị một ca sĩ, tôi luôn trân trọng những tác phẩm âm nhạc hay và đẹp, ngợi ca quê hương đất nước, trong đó có một số tác phẩm của anh… Với tôi, giờ đây đã gần đất xa trời. Còn điều gì chưa yên, thì đấy là những tác phẩm của tình yêu đầu của mình chưa được phép sử dụng rộng rãi…”.