Đặc biệt là đối với những ca khúc truyền thống, nếu không tìm được cách làm mới phù hợp sẽ tạo nên những thảm họa không đáng có.
Thử nghiệm theo phong cách mới
Không phải khán thính giả trẻ nào cũng thích tiếp cận với ca khúc nguyên mẫu cũ xưa khi mà âm nhạc thời nay đã có những biến đổi rất lớn. Gần đây một trong những chương trình có thể coi là đi tiên phong trong việc làm mới các ca khúc cách mạng là “Giai điệu tự hào” đã khá thành công trong việc thể hiện những ca khúc cách mạng theo cách phối khí mới mẻ, phù hợp với cảm thức của đông đảo giới trẻ hiện nay.
Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước vừa qua, nhiều ca sĩ trẻ đã cho ra mắt các CD, album nhạc cách mạng mang những màu sắc trẻ trung, tươi mới. Album gồm 15 ca khúc cách mạng của ca sĩ Đức Tuấn, được ra đời với những bài hát trải dài theo chiều dọc của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cho đến khi đất nước thống nhất như “Lời người ra đi”, “Bà mẹ Gio Linh”, “Tình ca”, “Lá đỏ”… đã được khán giả yêu mến đón nhận. Album nhạc đã mang đến làn gió mới với phong cách thể hiện của những người trẻ đó là sự hiện đại cùng tinh thần cách mạng nhiệt thành.
Cùng với đó, bộ CD của nữ ca sĩ Trần Hồng Nhung vừa ra mắt với tên gọi “Công – Nông – Binh” cũng là một thể nghiệm mới trong việc bày tỏ tình yêu đất nước bằng âm nhạc trong những cảm xúc mới.
Thảm họa khi sáng tạo quá đà
Remix (làm mới) một tiết mục trình diễn âm nhạc đang là xu thế của thị trường âm nhạc thế giới, trong đó có Việt Nam. Làm mới một ca khúc là phương thức hữu hiệu giải quyết 2 vấn đề cốt lõi của âm nhạc hiện nay đó là cập nhật xu hướng thời đại và cứu vãn tình huống khan hiếm bài hát ăn khách. Tuy nhiên, việc làm mới âm nhạc đang bị lạm dụng thái quá đến mức loại gì cũng bị đem ra remix, khiến nhiều ca khúc thay vì được làm mới trở thành thảm họa âm nhạc.
Ca khúc “Chị tôi” (sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến) do Á quân Soobin Hoàng Sơn trong đêm liveshow 4, chương trình “Hòa âm ánh sáng” 2016 đã khiến nhiều khán giả phản ứng. Bản phối mới được cho là quá lạ tai và khác biệt so với phiên bản gốc. Sự thay đổi về hòa âm, cách hát, tiết tấu... khiến bản phối không còn giữ được “tinh thần” của “Chị tôi” với câu chuyện man mác buồn ở một làng quê Bắc Bộ nào đó.
Hay tương tự bản remix ca khúc “Dạ cổ hoài lang” (sáng tác: Nhạc sĩ Cao Văn Lầu) của đội ca sĩ Tóc Tiên trong đêm liveshow 5 chương trình “The Remix” cũng bị đánh giá là không thành công trong việc làm mới ca khúc cũ. Với sự hỗ trợ của diễn viên Thành Lộc, bản phối mới của “Dạ cổ hoài lang” được đánh giá là “làm trẻ hóa” ca khúc cũ, đưa tác phẩm đến gần hơn với khán giả trẻ nhưng cách hòa trộn âm thanh, không gian âm nhạc, cách hát ngắt nhịp đã khiến ca khúc trở nên rời rạc, thiếu cảm xúc. Có khán giả thẳng thắn nhận định rằng: Tóc Tiên vô tình phá nát bài vọng cổ kinh điển.
Dù nhạc remix là nhu cầu của xã hội, nhưng giới chuyên môn đang lo ngại vì có rất ít bản remix hiện nay đủ tinh tế để chinh phục khán thính giả yêu nhạc.
Bởi lẽ, khi một ca khúc ra đời ăn khách, nó đã được tính toán kỹ để chọn hòa âm nào cho phù hợp nhằm làm tăng lên giá trị nghệ thuật. Xưa nay, việc làm mới những tác phẩm cũ luôn là sáng tạo đáng được trân trọng của nghệ sĩ, dù đó là phối lại một bản nhạc đã quen hay dựng lại một tác phẩm sân khấu đã không còn lạ lẫm...
Đây là cách vừa làm tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm cũ, vừa thể hiện tài năng, sự cống hiến nghệ thuật của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, dù biến tấu thế nào cũng phải bảo đảm mẫu số chung là để tác phẩm trở nên mới hơn, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại mà vẫn giữ được tư tưởng chủ đề, hồn vía và tinh thần tác phẩm.