Đây là hệ quả của việc “tin vào báo cáo” của cấp dưới mà thiếu kiểm tra thực tế, suýt nữa bi kịch xảy ra.
Sau bão số 9, nhiều cư dân ven sông Trà thấy hiện tượng lạ này. Trời hôm đó không mưa, hoặc mưa rất ít nhưng nước sông cuồn cuộn đổ về từ thượng nguồn, bèo bọt sùi lên trông rất hung dữ. Thì ra là các đập thủy điện và hồ chứa trên thượng nguồn như Đăk Rin, Nước Trong “tháo nước” cấp tập vì sợ mất an toàn cho công trình của họ.
Chuyện “tháo nước” để bảo đảm sự an toàn hồ đập là việc không mới, và cũng là chuyện bình thường. Điều bất thường là ở chỗ, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp ở phía hạ du lại không được thông báo hoặc nhận thông tin quá muộn.
Bằng chứng là 38 công nhân thi công công trình đập dâng sông Trà suýt nữa thì trôi luôn ra biển vì chuyện “tháo nước hồ” ở thượng nguồn này mà họ không được thông báo. Chỉ đến khi tỉnh “lệnh” cho các hồ đập là tạm dừng xả lũ, số công nhân nói trên mới thoát hiểm trong gang tấc.
Lỗi một phần là do các ông chủ đang thi công đập dâng tham công tiếc việc, quyết để công nhân “bám” hiện trường đến cùng dù tỉnh đã buộc phải dọn dẹp xe máy, vật tư và con người trước 31/8. Nhưng lỗi lớn nhất là cơ quan quản lý đập dâng này quá tin vào nhà thầu mà không kiểm tra.
Còn các ông chủ hồ đập ở thượng nguồn thì lại tin vào sự nghiêm minh chấp hành của nhà thầu trước thông báo ngày giờ buộc phải rút quân của tỉnh. Cứ tin nhau xà quần như thế, người chịu trận cuối cùng lại là công nhân.
Xem clip của một người dân quay cảnh xe máy cố vượt cầu tràn sông Rin chỗ thị trấn Di Lăng huyện Sơn Hà hôm xảy ra lũ lớn mới đây mà kinh hãi. Thủy điện Đăk Rin xả lũ cấp tập, nước cuồn cuộn đổ về ngầu đục nhưng dân ở hai đầu cầu thì vẫn “tranh thủ” vượt qua. Chỉ cần hỏng xe giữa cầu, coi như chuyện người và xe cùng trôi sông là điều khó tránh. Người dân thì tin nước lũ tràn về từ từ chứ đâu biết thủy điện đang xả lũ!
Đoàn giám sát của tỉnh có hỏi đại diện Sở TN-MT về xả lũ và quy trình của nó thế nào thì nhận câu trả lời là Sở chỉ biết xả lũ qua báo cáo của doanh nghiệp chứ không có bất cứ sự giám sát nào cả, trong khi quy định bắt buộc là phải có camera giám sát việc xả lũ của các hồ đập. Việc “tin nhau tuyệt đối” thế này khác nào giỡn với nước lũ!
Năm nay thời tiết cực đoan là điều không ai phủ nhận. Tuy nhiên, sự cực đoan đó được con người “tiếp sức” mà việc xả lũ cấp tập của các hồ đập thủy điện ở thượng nguồn các con sông ở miền Trung là thấy rõ nhất.
Mặc dù chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nào ngoài việc 38 công nhân suýt trôi ra biển nhưng đã đến lúc các nhà quản lý ở các địa phương cũng cần nghiêm khắc trong việc giám sát tích nước và xả lũ của các hồ đập ở thượng nguồn các sông lớn trong tỉnh. Không nên chỉ tin vào các báo cáo với những “con số đẹp” của các doanh nghiệp để rồi có thể nhận lãnh những hậu quả khôn lường.