Quảng Bình: Nước lũ lên nhanh, hơn 34.000 ngôi nhà chìm ngập trong nước

GD&TĐ - Đêm qua (17/10), hàng ngàn hộ dân tại tỉnh Quảng Bình vật lộn với mưa lũ để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng do nước lũ lên nhanh…

Nước lũ đang lên tại các xã của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình
Nước lũ đang lên tại các xã của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

Sáng nay, các lực lượng chức năng dùng thuyền, ca nô và mọi phương tiện trực tiếp đến các điểm ngập nặng để ứng cứu, giúp đỡ người dân của các huyện như Quảng Ninh, Lệ Thuỷ…

Ông Hoàng Xuân Tân, Bí thư huyện uỷ huyện Quảng Ninh cho biết, mưa lũ đã làm ngập hơn 11.000 nhà dân thuộc các xã Duy Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh, An Ninh… của huyện Quảng Ninh, trong đó 100% hộ dân của xã Tân Ninh bị ngập trong nước lũ từ 1-3m.

Nhiều tuyến đường nối liên xã tại huyện Quảng Ninh đã bị ngập sâu trong nước lũ
Nhiều tuyến đường nối liên xã tại huyện Quảng Ninh đã bị ngập sâu trong nước lũ

Ngay trong đêm, các lực lượng tại chỗ đã cố gắng tiếp cận những hộ bị ngập sâu, những đối tượng là người già, trẻ em và người ốm đau để ứng cứu và di chuyển đến nơi an toàn. Trong sáng nay, được sự tăng cường của các lực lượng Công an, Quân đội… huyện Quảng Ninh đang tập trung ứng cứu người dân vùng bị ngập lụt.

Mưa lũ cũng đã làm ách tắc nhiều tuyến đường, trên QL1A cũ có những nơi bị ngập sâu nên các phương tiện không thể di chuyển. Huyện Quảng Ninh cũng đã triển khai mọi biện pháp nhằm ứng phó và cứu hộ cứu trợ bà con… - ông Tân cho biết.

Theo báo cáo của văn phòng thường trực BCH PCTT_TKCN tỉnh Quảng Bình, do mưa lớn trong hai ngày qua nên mực nước của các sông suối đang lên, nhiều vùng bị ngập sâu trong nước gây ngập lụt, nhiều tuyến đường huyết mạch đã bị ách tắc do sạt lở đất đá và nước lên cao.

Hiện tại, các hồ chứa trên địa bàn đang có nguy cơ mất an toàn như huyện Bố Trạch: hồ Khe Gạo có nguy cơ mất an toàn công trình. Các hồ tại huyện Quảng Ninh như Trởm-Hiền Ninh, Hóc Bốm-Trường Xuân bị thấm qua thân đập, nước chảy thành vòi. Hồ Dạ Lam xã Thái Thủy huyện Lệ Thuỷ có nguy cơ mất an toàn công trình, địa phương đã triển khai các phương án chỉ đạo.

Sạt lở đường tại QL12 đi qua huyện Tuyên Hoá tỉnh Quảng Bình
Sạt lở đường tại QL12 đi qua huyện Tuyên Hoá tỉnh Quảng Bình

Tính đến 7h ngày 18/10, trên QL1A bị tắc đường tại nhiều vị trí đoạn qua Km673 - Km698, đặc biệt tại Km681+400; Km 686+500 - Km686+700; Km 687+300 - Km687+500; Km691+900; Km697+200 nước ngập sâu từ 1-1,4 m. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông: Đoạn qua Troóc, Km945+600 đến Km946 ngập 0,5m (tắc đường). Đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây),  Quốc lộ 12C: Thông tuyến, tuy nhiên Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây các đoạn qua khu vực miền núi có nhiều vị trí sạt lỡ mái taluy dương, tayluy âm, nguy cơ mất ATGT, hạn chế lưu thông.

Tại QL12A đoạn từ Km66+200-Km66+300: Nước đang lên, ngập 0,3 – 0,4m (tắc đường); Đoạn từ Km104 – Km142: Đang xảy ra sụt trượt tại nhiều vị trí, đất đá tràn ra mặt đường, đã được hốt sụt thông tuyến và có biển hướng dẫn giao thông. QL12C: Sụt trượt tại taluy dương tại đoạn Km58+00, gây tắc đường, đã hướng dẫn phân luồng tại Km68.

Đáng chú ý, tại QL15 ở các vị trí Ngầm Khe Đèng tại Km465+091 nước ngập 1,0m, ngầm Khe Mưng tại 464+916 nước ngập 0,2m, nước đang lên gây tắc đường. Tại Km555+600 - Km556+200 (đoạn bắc phà Xuân Sơn) nước ngập 1m gây tắc đường. Km557+00 - Km563+00 nước ngập 0,7m, ngầm Bùng tại Km562+200: Nước lên, ngập sâu 4,5m gây tắc đường

Tại QL9B nhiều ngầm tràn, nhiều điẻm đã bị tắc đường do nước ngập, nhiều điểm sụt trượt mái ta luy dương đất, đá vùi lấp mặt đường. Riêng tại đường Nội thành TP Đồng Hới tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi nước ngập 0,5m; Đường Nguyễn Hữu Cảnh, Hữu Nghị, Nguyễn Hữu Thọ nước ngập 0,3m.

Theo thống kê sơ bộ, số nhà hiện tại bị ngập lụt: 34.175 nhà trong đó huyện Lệ Thủy có khoảng 17.600 nhà bị ngập nước ở hầu hết các xã thuộc huyện. Huyện Quảng Ninh: 10.448 nhà bị ngập tại hầu hết các các xã thuộc huyện trừ các xã Trường Sơn, Hải Ninh, Lương Ninh. Huyện Bố Trạch: Có 814 nhà bị ngập. Cụ thể: Xã Hưng Trạch 157 nhà, ngập từ 0,5-1,5m; Xã Liên Trạch 45 nhà, ngập từ 0,5-1,5m; Thị trấn Phong Nha 609 nhà, ngập từ 0,5-1,5m; Xã Phúc Trạch 3 nhà, ngập từ 0,5-1m; Chợ thị trấn Phong Nha ngập 2m; Trường Mầm non xã Liên Trạch ngập 1m; Có 4 Nhà văn hóa thôn ngập từ 0,5-1m.

Lực lượng chức năng ứng cứu trong mưa lũ
Lực lượng chức năng ứng cứu trong mưa lũ

Các huyện miền núi như Minh Hóa: 838 hộ nhà bị ngập từ 0,5 – 1,5m (xã Tân Hóa 370, xã Yên Hóa 55, Minh Hóa 2, Thượng Hóa 29, Hóa Tiến 1); Riêng nhà ông Đinh Minh Thuật Thôn Quảng Hóa, xã Hồng Hóa bị sụt 3 hố ngay trong nhà đường kính 1.5m. Huyện Tuyên Hóa: 81 nhà bị ngập; Có 3 trường ở xã Văn Hóa ngập 28 phòng dưới 1m. Trạm Y tế Văn hóa ngập dưới 1m. Hiện tại rất nhiều thôn, bản tại tỉnh Quảng Bình đang bị chia cắt bởi nước lũ và lực lượng chức năng đã di dời 359 hộ.

Tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị cứu hộ, cứu nạn, các đơn vị Quân sự, Công an duy trì 100% quân số trực tại cơ quan và sẵn sàng lực lượng cơ động phương tiện để tham gia ứng phó mưa lớn, ngập lụt trên các hướng khi có lệnh. Chuẩn bị lượng thực thực phẩm, nhiên liệu… để ứng phó và hỗ trợ nhân dân khi có tình huống. Tổ chức lực lượng chốt chặn, cảnh báo hướng dẫn người, phương tiện qua lại các đoạn đường bị ngập, nước chảy xiết.

Các địa phương đã chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”; Phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản; đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

Chủ động chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài.

Tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó và khắc phục hậu quả. Các xã, phường, thị trấn triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là qua các khu vực ngầm, tràn, đò ngang, cương quyết không cho người và phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm.

Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, hạ lưu các hồ đập; vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có yêu cầu khẩn cấp; tuyên truyền nhắc nhở, kiên quyết không để nhân dân vớt củi, bắt cá, lội qua khe, suối… khi đang có mưa lũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.