Giới trẻ Trung Quốc ngại kết hôn

GD&TĐ - Các dự án thí điểm nhằm thúc đẩy hôn nhân đã được công bố vào tháng 5 tại hơn 20 thành phố của Trung Quốc.

Một cặp đôi chụp ảnh cưới ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Một cặp đôi chụp ảnh cưới ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Số liệu từ nhà chức trách cho thấy, số người kết hôn ở Trung Quốc giảm từ khoảng 13,5 triệu cặp đôi năm 2013 xuống còn khoảng 6,8 triệu vào năm ngoái. Con số này giảm mạnh bất chấp chính sách khuyến khích của chính phủ và những kỳ vọng truyền thống của xã hội về hôn nhân.

Anh Yu Zhang, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm 26 tuổi (Thượng Hải), nói rằng, hôn nhân gần như đang chết dần ở Trung Quốc. Anh đã hẹn hò với bạn gái được 2 năm và họ thường nói về chuyện hôn nhân, nhưng luôn đi đến kết luận: “Nghĩ về việc kết hôn khiến chúng tôi căng thẳng hơn là hạnh phúc”.

Họ cho rằng, hôn nhân liên quan đến sự hòa hợp của gia đình 2 bên, mua nhà và bắt đầu cuộc sống gia đình. Hiện tại, 3 mục tiêu đó dường như không thực tế. Zhang giải thích: “Mẹ tôi và bố mẹ cô ấy không thích nhau, thị trường bất động sản không tốt và việc có một đứa con hiện rất tốn kém”.

Zhang và bạn gái là cặp đôi mà chính quyền địa phương và quốc gia Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục để kết hôn nhưng kết quả vẫn bỏ ngỏ.

Cô dâu Trung Quốc chuẩn bị cho đám cưới tập thể cho khoảng 50 cặp đôi mang tên Đám cưới Hoa hồng ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Cô dâu Trung Quốc chuẩn bị cho đám cưới tập thể cho khoảng 50 cặp đôi mang tên Đám cưới Hoa hồng ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Nỗ lực nâng cao tỷ lệ kết hôn

Các dự án thí điểm nhằm thúc đẩy hôn nhân đã được công bố vào tháng 5 tại hơn 20 thành phố của Trung Quốc. Mới đây, một quận ở tỉnh Chiết Giang tuyên bố sẽ bắt đầu trao thưởng bằng tiền cho các cặp vợ chồng mới cưới nếu cô dâu từ 25 tuổi trở xuống. Các quan chức cũng công khai khuyến khích người dân kết hôn và sinh con ở “đúng độ tuổi”.

Văn hóa đại chúng Trung Quốc cũng đã được huy động. Các chương trình truyền hình và phong cách thời trang gần đây đều tập trung vào tầm quan trọng của việc kết hôn.

Jessica Fu (Quảng Châu) tin rằng sự quan tâm dành cho hôn nhân có liên quan đến mục tiêu của chính phủ là thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh vào mối quan hệ vợ chồng, sự khuyến khích của chính phủ đối với kết hôn và các xu hướng văn hóa đại chúng thúc đẩy hạnh phúc hôn nhân không thuyết phục được Fu.

Cô đã chứng kiến mẹ mình và chị họ có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc với nhiều áp lực. Fu nói thêm, một ngày nào đó cô muốn có một người bạn đời có thể chia sẻ cuộc sống của mình nhưng cô không chọn kết hôn.

Một cô gái tạo dáng với những quả bóng bay trong Lễ hội Thất tịch - ngày lễ tình nhân của Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Một cô gái tạo dáng với những quả bóng bay trong Lễ hội Thất tịch - ngày lễ tình nhân của Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Nền kinh tế “độc thân”

Theo Pan Wang, giảng viên cao cấp về Nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại Đại học New South Wales của Australia, lựa chọn cá nhân đã thay đổi động lực kết hôn trong xã hội Trung Quốc.

“Cuộc sống hôn nhân chỉ là một trong nhiều lựa chọn lối sống ngày nay”, bà Pan Wang, tác giả cuốn sách “Tình yêu và hôn nhân ở Trung Quốc toàn cầu hóa” cho hay. Theo bà Wang, hiện Trung Quốc có toàn bộ “nền kinh tế dành cho người độc thân”, cung cấp mọi thứ từ mua nhà và thiết bị gia dụng đến trải nghiệm ẩm thực, từ giải trí cho người độc thân đến các gói du lịch một mình.

Trước đây ở Trung Quốc, việc chọn sống độc thân không thực sự là lựa chọn đối với một số người. Tuy nhiên, hiện, xã hội Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng, một thế hệ phụ nữ mới lớn lên quyết tâm sử dụng trình độ học vấn để gia nhập nền kinh tế và cạnh tranh để giành các cơ hội và nguồn lực. Phụ nữ Trung Quốc đã tạo ra những không gian mới cho mình trong xã hội và đạt được mức độ an toàn tài chính mà hầu hết phụ nữ ở thế hệ trước chỉ có thể đạt được thông qua hôn nhân.

Bà Mu Zheng, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng, hôn nhân từng là trung tâm của cuộc sống nhưng giờ đây, nó không còn cần thiết nữa. Bên cạnh đó, dù cả nam và nữ phải làm việc chăm chỉ bên ngoài gia đình nhưng về nhà, vai trò giới vẫn tồn tại. Điều đó có nghĩa là phụ nữ được kỳ vọng là những người mẹ, người vợ tốt trong khi nam giới được coi là trụ cột gia đình.

Theo bà Zheng, những kỳ vọng trên và vai trò giới tính có thể khiến một số phụ nữ và nam giới hiện nay ngần ngại kết hôn.

Một cô gái trẻ ngồi cạnh bạn trai trong Lễ hội Thất tịch. Ảnh: Mark Ralston/AFP

Một cô gái trẻ ngồi cạnh bạn trai trong Lễ hội Thất tịch. Ảnh: Mark Ralston/AFP

Không chọn kết hôn

Cô Yuan Xu (Thâm Quyến) cho rằng, kỳ vọng của xã hội Trung Quốc đối với giới trẻ là không thực tế. Cô gái 25 tuổi này mất việc tại một công ty công nghệ Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 và hiện phải làm nhiều giờ với mức lương thấp hơn với công việc quản lý tài khoản mạng xã hội của một chuỗi nhà hàng địa phương.

Theo số liệu của chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6, khiến chính quyền ngừng công bố dữ liệu về người thất nghiệp.

Người tham gia một sự kiện mai mối ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Eugene Hoshiko/AP

Người tham gia một sự kiện mai mối ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Eugene Hoshiko/AP

“Khi nghe gia đình và chính quyền nói nên lưu ý kết hôn đúng tuổi để trở thành vợ hiền, dâu thảo, tôi rất căng thẳng”, Yuan Xu nói và cho biết, “Tôi không thể làm tất cả”. Xu tin rằng áp lực xã hội cộng với những kỳ vọng truyền thống không chỉ khiến giới trẻ Trung Quốc rời bỏ hôn nhân, mà còn có nguy cơ khiến hôn nhân trở nên rối loạn.

Mặt tối của hôn nhân đã lộ rõ ở Trung Quốc, nổi bật là một loạt vụ bạo lực gia đình tàn bạo. Bên cạnh đó, tỷ lệ ly hôn cũng tăng lên trong thập kỷ qua, bất chấp chính quyền Trung Quốc có xu hướng từ chối nhiều đơn xin ly hôn mà họ nhận được. Với hy vọng ngăn chặn các cuộc ly hôn bốc đồng, năm 2021 chính phủ đưa ra thời hạn 30 ngày “hạ nhiệt” bắt buộc đối với các cặp vợ chồng muốn ly hôn.

Tuy nhiên, Yuan Xu cho rằng, đây cũng là lý do khiến giới trẻ chọn không kết hôn.

Theo Al Jazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.