Giới trẻ thích thú ngắm 'Day for Night'

Hậu Covid-19, trong khi nhiều triển lãm vẫn khó “kéo” người đến xem, thì “Day for Night” lại thu hút khán giả trẻ tuổi.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Lợi.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Lợi.

“Day for Night” là tên triển lãm chung của ba họa sĩ: Nguyễn Đức Lợi, Dương Thuỵ và Nguyễn Văn Tiến diễn ra tại Alpha Art station (TPHCM).

Triển lãm hướng đến cái đẹp tư tưởng, của trí tưởng tượng bay bổng, lòng nhân ái và các giá trị nhân văn chân thực.

Nghệ thuật phơi bày

“Day for Night” diễn ra dưới sự tiến cử họa sĩ và lựa chọn tác phẩm bởi nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng. Mặc dù đến đầu tháng 7 mới kết thúc triển lãm, nhưng công chúng trẻ tuổi đã bị thu hút bởi những bức tranh phơi trần bản ngã và sự thật cuộc sống nơi tâm hồn mỗi người, với tất cả ẩn ức và mâu thuẫn ngổn ngang.

Trong khi nhiều triển lãm mỹ thuật hướng đến cái đẹp nhẹ nhàng, thơ mộng với những bức tranh tượng trưng lãng mạn hay trừu tượng mơ màng. Và thậm chí là nghiêng về chủ nghĩa hình thức, thì các bức tranh trong “Day for Night” đều có sắc thái trữ tình thế sự hay siêu hình.

“Tất cả họa sĩ, đều trực diện với sự thật cuộc sống trong xã hội và trong lòng mình. Và thể hiện nó bằng ngôn ngữ ẩn dụ hay biểu hiện một cách gai góc, thậm chí bạo liệt. Họ không ngại đối diện với cái xấu, cái phi lý, cái bi đát, cái ác”, nhà phê bình Nguyên Hưng chia sẻ.

Tuy nhiên, cách tiếp cận đó không phải để hạ thấp con người, hạ thấp nghệ thuật và thể hiện cái nhìn tiêu cực với xã hội như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi vì, chỉ khi trung thực đối diện với sự thật, với con người - trong tất cả sự trói buộc của thân xác và thân phận, chúng ta mới có thể nuôi dưỡng được tình cảm nhân đạo đích thực.

Lý tưởng chung của “Day for Night” là hướng đến cái đẹp của tư tưởng, của trí tưởng tượng bay bổng, của lòng nhân ái và các giá trị nhân văn chân thực. Thông qua những bức tranh, chính người xem tự thôi thúc khám phá tâm hồn mình.

Tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật phơi bày bản ngã, người thưởng lãm không đơn giản chỉ để tăng tiến tri thức, làm phong phú đời sống tinh thần. Quan trọng nhất là hướng tới điều thiện “phục sinh nhân tính”, tạo khả năng hòa nhập vào thế giới đương đại.

á

Khán giả xem triển lãm “Day for Night”.

Sáng tạo từ những áp lực

“Đến với “Day for Night” chủ yếu là những người trẻ, là học sinh – sinh viên. Họ không bị mắc kẹt trong định kiến mỹ thuật. Điều thú vị nhất, là hầu như công chúng trẻ đều có cảm nhận đúng với cái tên của triển lãm. Bởi vậy, tôi cho rằng người trẻ hiện nay rất có chiều sâu cảm thụ nghệ thuật” – Nhà phê bình Nguyên Hưng.

Theo nhà phê bình Nguyên Hưng, cả ba họa sĩ được mời góp tranh trong triển lãm đều là những người làm việc lặng lẽ. Họ đồng ý bày tranh cùng nhau, chủ yếu như một cái cớ để gặp gỡ bạn bè và công chúng yêu nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Đức Lợi sinh năm 1981, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2007. Anh đã có nhiều triển lãm chung và riêng ở trong và ngoài nước. Ngay từ đầu, anh được xem là họa sĩ thuộc khuynh hướng Tượng trưng và Biểu hiện.

Năm 2013, triển lãm “Ám ảnh từ cuộc sống” của Nguyễn Đức Lợi gợi cho người xem nhiều suy ngẫm về các vấn đề cá nhân hay xã hội xảy ra thường nhật. Họa sĩ chia sẻ những nhu cầu xuất phát từ chính bản thân, từ người thân trong gia đình, hay từ xã hội tạo nên áp lực, mà với anh là một nỗi ám ảnh.

Những nhu cầu như con cần sữa, cần học hành, vợ cần đi chợ, cha mẹ cần thuốc, và ngay bản thân họa sĩ cũng cần sống để được sáng tạo… là những “câu lệnh” đáng sợ với người nghệ sĩ. Trong khi họ muốn tự do để sáng tạo, thì lại bị chính những điều đơn giản mà vô cảm đó ràng buộc.

Nhưng khi đối diện với áp lực ấy, họa sĩ đã có được những suy ngẫm, cảm xúc. Phát hiện những góc nhìn siêu thực về sự việc, trời đất và vạn vật. Anh thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình bằng những đường nét và màu sắc trên tranh.

Họa sĩ Dương Thuỵ sinh năm 1977, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM. Anh có sức làm việc và sáng tạo sung mãn, riêng trong hơn một năm dịch Covid-19, anh vẽ hơn 500 tác phẩm và tất cả đã được trưng bày ở Alpha art station cách đây 4 tháng.

Tranh Dương Thuỵ tồn tại hai góc độ tương phản nhau rõ nét, có lúc trong trẻo, tươi sáng và lại có khi âm u, tĩnh mịch. Đó có lẽ là hơi thở cuộc sống anh đã hấp thụ trong những năm gần đây. Anh đã gắn cuộc sống đời thường vào cơn ảo mộng, khiến tranh tràn ngập những hình người quỷ dị, còn màu sắc lại vặn xoắn trong cảnh trí.

Để giải mã Dương Thụy không phải là điều đơn giản. Tác phẩm của anh níu người xem qua từng bậc thang, ngóc ngách để chiêm nghiệm lại những điều họa sĩ từng trải, là cơn mê hay là sự thật đều do công chúng tự quyết.

Trong triển lãm này, Dương Thuỵ giới thiệu các tác phẩm được sáng tác trong thời gian gần đây. Phong cách nghệ thuật của anh có biên độ giao động rộng và có sự đan xen giữa các khuynh hướng Tượng trưng, Biểu hiện và cả Siêu thực…

Họa sĩ Nguyễn Văn Tiến ngay từ khi ra trường năm 1997 đã cùng với Trần Anh Quân tạo nên sự kiện nghệ thuật chấn động ở Văn Miếu. Trong cuộc trình diễn đó, Tiến quỳ rạp bên những cụ rùa đội bia đá, cung kính giơ một tấm biển cao quá đầu, ghi lời đề nghị đừng sờ vào rùa.

“Việc sĩ tử sờ đầu rùa đã trở thành nạn. Họ xô nhau đến sờ đầu rùa vào trước mỗi kỳ thi. Trên thân rùa, đầu rùa, bia đá đã có nhiều vết bóng mòn vẹt”, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nhớ lại. Nghệ danh “Tiến Văn Miếu” ra đời từ đó, và anh được xem là một trong những người tiên phong của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Nguyễn Văn Tiến là một họa sĩ lặng lẽ. Lâu lâu hoặc vài năm anh mới xuất hiện một lần, nhưng lần xuất hiện nào cũng trở thành sự kiện nghệ thuật trực diện với các vấn đề thế sự, buộc người xem phải suy nghĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ