Chính phủ buộc phải đề xuất và thực hiện nhiều chính sách khuyến khích hôn nhân. Tuy nhiên, đa phần các chính sách này đang có nguy cơ đổ bể. Bởi vì, 64,2% nữ và 72,2% nam thanh niên không chỉ độc thân, mà còn “không hứng thú hẹn hò chứ đừng nói kết hôn”.
Không cần lãng mạn
Tuổi trẻ gắn liền với sự nhiệt huyết, bao gồm cả say mê yêu đương. Riêng tại Nhật Bản, “chuyện tình cảm” lại “không quan trọng”. Theo báo cáo khảo sát từ Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Quốc gia (National Institute of Population and Social Security Research - NIPSSR), 64,2% nữ và 72,2% nam thanh niên đang trong tình trạng độc thân. Hơn 1/3 “không hứng thú với quan hệ trai gái”.
Cũng theo NIPSSR, 65,8% nam và 51,8% nữ thuộc độ tuổi 20 đang “không vợ/chồng hoặc người yêu”. Ở độ tuổi 30, tỷ lệ này thấp hơn nhưng vẫn chiếm 35,5% nam và 27% nữ. Tỷ lệ giới trẻ từng trải qua hẹn hò cũng thấp. Đối với nam giới, 39,8% tuổi 20 và 34,1% tuổi 30 chưa “mảnh tình vắt vai”. Đối với nữ giới, con số này là 25,1% ở tuổi 20 và 21,5% ở tuổi 30.
Cùng với tỷ lệ hẹn hò thấp là tỷ lệ chưa trải nghiệm tình dục cao. Ở tuổi 18 - 19, 50% nam nữ thanh niên chưa từng quan hệ tình dục. Ở độ tuổi 20 - 34, tỷ lệ này là 30% nữ và 40% nam.
Hồi tháng 6/2022, NIPSSR từng công bố số liệu khảo sát về “trải nghiệm tình dục ở giới trẻ”. Báo chí cả Nhật Bản và quốc tế bàng hoàng trước tỷ lệ 40% nam thanh niên “vẫn con gin”. “Quá nhiều nam, nữ đang trong độ tuổi thích hợp nhất để kết hôn lại xa rời các mối quan hệ lãng mạn, đặc biệt là nam giới”, Văn phòng Nội các (Cabinet Office) than thở.
Giới trẻ Nhật Bản dễ hài lòng, hạnh phúc với những gì mình có. |
“Nước giàu cũng khóc”
Tại Nhật Bản, tình yêu đôi lứa không là lí do hôn nhân. Từ lâu, phụ nữ đã luôn chọn chồng trên tiêu chí học vấn cao, thu nhập ổn định.
Theo quan sát của nhà nghiên cứu Yamada Masahiro, thực tế này nổi lên vào cuối thế kỷ XX, ngày càng mạnh mẽ trong thế kỷ XXI. Trái lại, đàn ông Nhật Bản “sẵn sàng và kiên trì yêu ngay cả khi không có tiền”.
Có điều, tình yêu hay hôn nhân cũng đều cần sự đồng thuận từ 2 phía. Khi phụ nữ từ chối yêu và lấy chồng nghèo, học vấn thấp hơn mình, đàn ông cũng hết cách. Các anh thu nhập thấp chỉ đành từ bỏ hy vọng lấy vợ, chấp nhận “lẻ bóng” suốt đời.
Thực tế, từ thập niên 1990, Nhật Bản đã “suy giảm yêu”. Tỷ lệ giới trẻ thờ ơ với hẹn hò và xây dựng gia đình tăng dần đều qua các năm. Chính phủ và xã hội Nhật Bản đổ lỗi cho kinh tế và thị trường công việc. Tuy nhiên, xét trên phương diện kinh tế, Nhật Bản là quốc gia giàu có.
Thu nhập bình quân hiện là 36.200 USD/người/năm (tương đương 860 triệu đồng), dự kiến năm 2023 sẽ tăng lên 39.100 USD (tương đương 928 triệu đồng). Xét trên phương diện công việc, ngay cả trong 3 năm đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp vẫn chỉ ở mức 2,6%. So với Trung Quốc (5,4%) hay Ấn Độ (7,6%), nó không hề nghiêm trọng.
Nửa đầu năm 2022, tỷ lệ sinh chỉ đạt 7,1/1.000, thấp hơn năm 2021 (7,2/1.000) 0,1 và thấp hơn năm 2019 (7,3/1.000). Cũng từ những năm 1990, Nhật Bản đã vất vả đối phó tình trạng tỷ lệ sinh liên tiếp giảm. Chính phủ lần lượt áp dụng nhiều biện pháp vào thực tiễn, ví dụ như hỗ trợ nuôi dạy trẻ, cải thiện môi trường làm việc cho phụ nữ, khuyến khích “đàn ông bỉm sữa”… Trước thực trạng giới trẻ ngày càng “không tha thiết với yêu đương”, các chính sách trên thành ra “không đất dụng võ”.
Năm 2021, Nhật Bản náo động vì cuộc hôn nhân của Công chúa Mako (1991) và Komuro Kei (1991). Mối quan tâm lớn nhất của công chúng đối với cặp đôi “hoàng thất – thường dân” này không phải họ có yêu nhau không, mà là “danh phận không xứng” của Kei và Mako “kiếm tiền đâu để sống”.
Biết đủ là hạnh phúc
Cặp đôi công chúa và thường dân Mako – Kei chỉ gây scandal vì chênh lệch danh phận, tài chính. |
“Giới trẻ có xu hướng tin vào tiền hơn tình”, Masahiro nhận thấy. Ngành dịch vụ sớm phát hiện trạng thái này nhất, cung cấp đa loại hình phục vụ nhu cầu “giải tỏa cô đơn”. Nó bao gồm từ người yêu cho thuê đến tiệm cà phê, quán rượu hầu gái, quản gia… Xã hội Nhật Bản không kỳ thị xu hướng yêu và tình dục khác biệt. Nam nữ độc thân thoải mái lựa chọn các dịch vụ tương ứng, không nhất thiết phải kết hôn hay có người yêu.
Cha mẹ Nhật Bản tôn trọng tự do và sở thích của con cái, không áp đặt “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng”. Giới trẻ Nhật Bản tránh được kỳ thị “ế”, chỉ cần quan tâm và lựa chọn hôn nhân với mục đích “chất lượng cuộc sống”.
Trên tất cả, giới trẻ Nhật Bản rất dễ hài lòng. Họ không khát khao những thứ lớn lao như người yêu lý tưởng, xe sang, hàng hiệu… mà hạnh phúc với những gì mình có. Niềm vui chỉ đơn giản là thắng game đang theo, tìm được quán ăn rẻ mà ngon, mua được chiếc áo hợp với sở thích. Nhật Bản lại thịnh hành “thế giới ảo”. Những năm gần đây, lượng người trẻ tuổi tìm kiếm tình yêu với đối tượng “ảo” gia tăng.
Ngoài Nhật Bản, hiện tượng “thờ ơ với yêu” cũng đang xuất hiện ở Đài Loan, Hàn Quốc và cả Trung Quốc.