Giới trẻ Nhật Bản: Nghỉ hưu sớm không khó

GD&TĐ - Tuổi trẻ Nhật Bản đang theo đuổi trào lưu FIRE (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm). Bằng việc cắt giảm chi tiêu triệt để và đa dạng hóa thu nhập, họ sớm tiết kiệm đủ số tiền cần thiết.

Giới trẻ Nhật Bản bằng lòng sống tối giản nhất, nhằm tiết kiệm tối đa thu nhập.
Giới trẻ Nhật Bản bằng lòng sống tối giản nhất, nhằm tiết kiệm tối đa thu nhập.

Một số người mới chỉ tuổi 30 đã ung dung bỏ việc. FIRE xuất phát từ Mỹ, là chủ trương sống do Thế hệ Millennials (1980 – 1996) khởi xướng. Có điều, các Millennials Mỹ không mấy thành công.

Công thức 25x và 4%

Ngay khi tốt nghiệp đại học, Yuiki Hotaka (30 tuổi) xin vào công ty thuộc Tập đoàn Mitsubishi làm việc. Suốt nhiều năm, anh đầu tắt mặt tối và tiết kiệm được 70 triệu yên (tương đương 14,4 tỷ đồng). Với số tiền này, Hotaka tự tin nghỉ việc.

“Tự do quan trọng hơn tiền bạc. Tôi không muốn phải dính với văn phòng công ty cả đời”, Yuiki Hotaka chia sẻ.

FIRE phiên bản Millennials Nhật Bản bao gồm 2 điều kiện: 25x và 4%. 25x là số tiền cần tiết kiệm đủ trước khi bỏ việc, còn 4% là lãi suất mà 25x sẽ đẻ ra khi đem đi đầu tư.

Tại Nhật Bản, 4% ám chỉ các khoản đầu tư lãi suất cao an toàn, ví dụ như cổ phiếu của tập đoàn lớn mạnh. Lấy trường hợp Hotaka, nếu anh đầu tư 70 triệu yên vào 4%, mỗi năm Hotaka sẽ thu về 2,8 triệu yên/năm (khoảng 575 triệu đồng). Chia trung bình, anh có thu nhập 233 nghìn yên/tháng (khoảng 48 triệu đồng). Nó quá đủ để Hotaka chi trả sinh hoạt phí mà không lạm vào tiền gốc.

Thực ra, kể từ năm 2019, Hotaka đã đầu tư tiền tiết kiệm vào chứng khoán và thu lời khoảng 200 nghìn yên/tháng (hơn 40 triệu đồng). Hiện, 25x của anh đã lên đến 100 triệu yên (tương đương 20,5 tỷ đồng). Nhờ nó, Hotaka vô tư theo đuổi sở thích làm nông dân. Anh thuê nhà ở vùng nông thôn, làm vườn và viết blog, xuất bản sách. Hoạt động viết lách cũng giúp Hotaka kiếm thêm đồng ra đồng vào. Vì thế, 25x của anh tiếp tục tăng.

Chuẩn bị cho FIRE

Mục tiêu của giới trẻ Nhật Bản là 25x trị giá tối thiểu 15 triệu yên (khoảng 3,1 tỷ đồng).
Mục tiêu của giới trẻ Nhật Bản là 25x trị giá tối thiểu 15 triệu yên (khoảng 3,1 tỷ đồng).

Điều kiện tiên quyết của FIRE là 25x. Theo kết quả khảo sát năm 2020 của Tập đoàn Tài chính Tiêu dùng SMBC Nhật Bản, giới trẻ Nhật Bản hài lòng với mức sống 50.000 yên/tháng (tương đương 10,7 triệu đồng). Lấy con số này làm tiêu chuẩn, 1 Millennials cần 25x trị giá tối thiểu 15 triệu yên (tương đương 3,1 tỷ đồng).

Thu nhập bình quân của người Nhật năm 2020 là 4,57 triệu yên/năm (tương đương 943 triệu đồng), tức là khoảng 380 nghìn yên/tháng (tương đương 78 triệu đồng). Trừ đi 50 nghìn yên cho chi phí sinh hoạt, họ vẫn còn 330 nghìn yên (tương đương 67,8 triệu đồng). Để có 25x tối thiểu, họ cần tiết kiệm 46 tháng, tức là gần 4 năm.

Trường hợp Hotaka, anh đã tiết kiệm đến 80% thu nhập trong những năm đi làm. Hotaka lên kế hoạch và thực hiện tối giản chi tiêu tối đa. Anh tránh mua các sản phẩm từ cửa hàng tiện lợi, vì chúng đắt hơn trong siêu thị. Hotaka cũng mua bình trữ nước cá nhân để mang theo nước từ nhà, không tốn tiền mua nước đóng chai.

Giống như Hotaka, phần lớn Millennials Nhật Bản điên cuồng tiết kiệm. Họ từ chối bia rượu, thuốc lá, phá vỡ luôn “truyền thống say xỉn” của Thế hệ X (1965 – 1980). Theo báo cáo từ Bộ Y tế Phúc lợi và Lao động (Ministry of Health, Welfare and Labor) Nhật Bản, chỉ 10,9% giới trẻ hay uống rượu bia. Còn lại thẳng tay đem tiền rượu nạp vào tài khoản tiết kiệm.

Kế tiếp, Millennials Nhật Bản hạn chế chơi bời, du lịch, mua sắm… thậm chí hạ mức sống xuống 30 nghìn yên/tháng (tương đương 6,4 triệu đồng). Bất chấp môi trường làm việc ở Nhật Bản kỳ thị làm nhiều việc một lúc, họ tích cực làm thêm.

Kết quả, chỉ với công việc phụ, 1 người đã có thể kiếm từ 50 nghìn – 200 nghìn yên/tháng (tương đương 10 - 42 triệu đồng). Với nó, họ dư sức chi trả sinh hoạt phí, tiết kiệm 100% thu nhập chính.

Thực tế đáng nể

Trung bình, 1 thanh niên Nhật Bản đang có 720.000 yên (khoảng 153,4 triệu đồng) tiền tiết kiệm.
Trung bình, 1 thanh niên Nhật Bản đang có 720.000 yên (khoảng 153,4 triệu đồng) tiền tiết kiệm.

Năm 2019, Cơ quan Dịch vụ Tài chính (Financial Services Agency) Nhật Bản từng đưa ra ước đoán đáng sợ. Đó là 1 cặp vợ chồng sẽ thọ trung bình 95 tuổi, tức 30 năm sau nghỉ hưu, và cần nhiều hơn lương hưu những trên 20 triệu yên (tương đương 4,1 tỷ đồng).

“Đối với giới trẻ, đây hẳn nhiên không phải cảnh quan tương lai hứa hẹn”, Shunsuke    Yamazaki – nhà lập kế hoạch tài chính, thừa nhận. Thị trường việc làm Nhật Bản rất tàn nhẫn. Nó vừa đòi hỏi công nhân viên “làm việc đến chết”, lại không bảo đảm duy trì vị trí, thăng tiến, tăng lương.

“Công ty tôi còn áp dụng quy tắc cắt giảm lương 20% với nhân viên từ 55 tuổi trở lên”, Okeydon (47 tuổi) kể lể. So với việc nỗ lực bám trụ để có lương hưu mà vẫn không đủ “dưỡng lão”, FIRE triển vọng hơn.

“Trước đây, tôi ao ước làm việc đến già và an hưởng bằng lương hưu” - Okeydon tiếp tục - “Thực tế buộc tôi phải nhận ra, cái mình đang nuôi dưỡng chỉ là ảo tưởng. Suốt 15 năm đi làm, cái gia tăng chỉ có khối lượng công việc mà thôi”.

Sau thời kỳ “vỡ bóng bóng” ở thập niên 1990, nền kinh tế Nhật Bản phát triển ì ạch. Theo dữ liệu từ Bộ Lao động (Labor Ministry), tiền lương năm 2020 còn giảm 1,2%. Giới trẻ Nhật Bản chỉ còn cách đặt niềm tin vào FIRE.

Cũng theo báo cáo từ SMBC, họ đang có số tiền tiết kiệm trong tài khoản cao hơn bao giờ hết. Nếu năm 2019, trung bình mỗi người có khoảng 530 nghìn yên/người (tương đương 129 triệu đồng) thì năm 2020, con số này tăng lên 720 nghìn yên/người (hơn 153 triệu đồng).

Nếu xét trong độ tuổi 20, chỉ có 18,2% người Nhật không có tiền tiết kiệm. Nói cách khác, ngay cả Gen Z (1997 – 2012) cũng FIRE.

Trong số 81,8% giới trẻ thuộc độ tuổi 20 của Nhật Bản có tiền để dành, 6,6% đã tiết kiệm được từ 2 - 3 triệu yên (tương đương 246 - 639 triệu đồng). Những người đã tiết kiệm được 0,5 - 1 triệu yên (tương đương 106 - 213 triệu đồng) thì chiếm 14,1%; còn lại đang có từ 500 nghìn yên (từ 106 triệu đồng) trở xuống.

Mục tiêu trước mắt của mỗi thanh niên Nhật Bản là 25x trị giá 5 – 30 triệu yên (tương đương 1 - 64 tỷ đồng). Trước khi có đủ số tiền này, họ không màng những gì gọi là “hưởng thụ”.

Với 25x khấm khá, giới trẻ Nhật Bản có thể chia đôi, 1 nửa theo đuổi đầu tư, 1 nửa để nguyên. “Bằng cách này, ngay cả khi đầu tư thất bại và mất trắng, tôi vẫn còn khoản dự phòng, bảo đảm cuộc sống an ổn trọn đời”, Hotaka kết luận.

Theo Japantimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.