(GD&TĐ) - Vào những ngày này, ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng và cả trường phổ thông đều diễn ra những hoạt động khá phong phú, hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên. Các từ tuổi trẻ, sức trẻ lại được bàn định nhiều, mà đối tượng đặt vấn đề nhiều về giới trẻ phần đông lại là tầng lớp đã đi qua một thời tuổi trẻ, với những ý kiến khác nhau.
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”, ngay từ những năm tháng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, trong thư Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc” nhân dịp Tết sắp đến, Bác Hồ đã viết như vậy. Không ai có thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của thế hệ trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng trong sự nghiệp bảo vệ, dựng xây đất nước hơn nửa thế kỷ qua. Hàng ngàn sinh viên ra trận, hàng vạn sinh viên say mê học tập, sáng tạo, nghiên cứu để vươn tới đỉnh cao của khoa học, công nghệ, văn học- nghệ thuật, thể dục thể thao... trong những giai đoạn khó khăn ở các thời kỳ của đất nước. Nhiều SV tốt nghiệp ra trường sẵn sàng tình nguyện đến những vùng sâu, vùng xa, miền biên cương, hải đảo...
Tuy nhiên, có không ít ý kiến thể hiện sự nghi hoặc, băn khoăn về lối sống, năng lực ứng xử, phẩm chất văn hóa của giới trẻ hôm nay. Các cụm từ như lý tưởng sống, mục đích sống dường như đã dần mờ nhạt theo năm tháng, và nói đúng hơn, theo dòng chảy của nền kinh tế thị trường. Từng có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu SV, HS các trường, tôi thấy họ khá nhạy bén với cái mới, với CNTT, có kiến thức chuyên ngành sâu rộng. Nhưng không riêng tôi mà khá nhiều người, kể cả các bậc phụ huynh của họ cảm thấy có một sự hụt hẫng nào đó, giống như là nỗi buồn tiếc nuối về một sự mất mát nào đó.
Giới trẻ ngày nay năng động, tự tin song còn thiếu những kỹ năng mềm. |
Có một lần, tôi nói với các SV của mình rằng: thế hệ của các em thật may mắn. Các em được học tập trong một môi trường đủ đầy điều kiện, khác xa với thế hệ cha anh ngày trước. Một SV giỏi của lớp khi ấy đã không hề ngần ngại bộc lộ quan điểm của mình: “Nhưng chúng em có cái thiệt thòi là luôn phải sống trong hoài nghi. Từ hồi học phổ thông đến khi lên đại học, các thầy cô giáo thường hay nói rằng, xã hội của chúng ta là xã hội tốt đẹp, ưu việt; như thế chứng tỏ thế hệ trước chỉ duy nhất sống bằng niềm tin vào những điều tốt đẹp, còn chúng em không phân định được thật, giả, xấu tốt trong xã.
Tôi thật sự bất ngờ bởi những lý lẽ trên đây của em SV. Các em thiếu tự tin vào xã hội nhưng lại khá tự tin vào những lý lẽ của em. Không chỉ một lần, rất nhiều lần tôi chứng kiến thái độ tự tin về năng lực cá nhân của giới trẻ. Nếu như trước kia, mỗi lời nói của người thầy đều có tác động rất lớn đối với tư tưởng, tình cảm của HS trên lớp, thì ngay nay, khoảng cách giữa GV và HS lại khá xa, thiếu hẳn thứ keo gắn bó bền chặt tới hàng chục năm sau như lớp chúng tôi ngày trước. Phải chăng lối sống thực dụng đã chi phối mọi suy nghĩ, hành động của giới trẻ?. SV quay lưng với khoa học xã hội nhân văn để theo đuổi một ngành kiếm được nhiều tiền. Hiện tượng ham hưởng thụ trước mắt, không cần biết tới ngày mai; vô cảm trước mọi vui, buồn của đồng loại; thích phô trương sự hào nhoáng bên ngoài, thiếu trách nhiệm trước đấng sinh thành đang trở nên khá phổ biến trong giới trẻ.
Một người thân của tôi thuộc hàng “vị thế” trong xã hội khi tâm sự về những đứa con của mình đã thốt lên rằng: “May mắn là chúng đã ra ở riêng, chứ không có lúc mình cũng phải phát điên lên vì lối sống của tụi nó…”.
Đã tới lúc chúng ta phải nghiêm túc, công bằng trong nhìn nhận, đánh giá giới trẻ hôm nay. Trên phương diện nào họ được coi là có những đóng góp hữu ích cho xã hội và còn những mặt nào họ phải được hỗ trợ, dìu dắt một cách tích cực để không làm tổn hại tới nếp sống văn hóa truyền thống từ hàng ngàn năm của cộng đồng. Liệu có thể coi giới trẻ là đại diện cho tinh hoa của người Việt hay không? Xin được mượn những nghĩ suy của cố nhạc sỹ Dương Thụ để bạn đọc có câu trả lời: “Người Việt Nam tinh hoa trước tiên phải là một người nặng nợ với nơi mình sinh ra, yêu tiếng mẹ đẻ và nền văn hóa dân tộc rồi mới nói đến trình độ học thức, sự chuyên sâu và một năng lực thẩm mỹ cao dựa trên nền tảng văn hóa cơ bản vững vàng, dầy dặn. Người tinh hoa phải có khả năng tỏa sáng và lôi cuốn người khác trong những công việc mang lại lợi ích cho nhân dân và Tổ quốc mình. Tinh hoa không chỉ là giá trị trên phương diện nhận thức mà còn là giá trị trên phương diện hành động.”
Hồng Thúy