Giỏi ngoại ngữ - cơ hội việc làm trong tầm tay, thu nhập cao và thăng tiến nhanh

GD&TĐ - Đa phần ứng viên giỏi ngoại ngữ thường tìm được việc làm có mức thu nhập cao hơn ứng viên không biết ngoại ngữ từ 30%-50%. Ngoài ra, so với nhóm ứng viên không biết ngoại ngữ, cơ hội phát triển nghề nghiệp, việc thăng chức, thăng cấp quản lý của ứng viên biết ngoại ngữ nhiều hơn, mất ít thời gian hơn.

Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến trao đổi với giảng viên người nước ngoài
Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến trao đổi với giảng viên người nước ngoài

Thông tin này được Th.s. Huỳnh Diệp Trâm Anh (Trường ĐH Văn Hiến) nêu ra trong tham luận tại hội thảo khoa học “Dạy-học ngoại ngữ và nhu cầu việc làm trong thời hiện đại” do Trường ĐH Văn Hiến tổ chức ngày 20/7 vừa qua.

Yếu kém về ngoại ngữ là hạn chế lớn của lao động Việt Nam

Nghiên cứu của ThS. Trâm Anh được tiến hành thông qua phỏng vấn 152 trưởng, phó phòng nhân sự hoặc chủ doanh nghiệp, trong đó tác giả phỏng vấn trực tiếp 82 đại diện doanh nghiệp và gián tiếp 70 phiếu khảo sát thông qua email.

Ở mẫu nghiên cứu này tỷ lệ chênh lệch giữa các ngành nghề không nhiều, số doanh nghiệp được phỏng vấn nhiều hơn là dịch vụ, thương mại, giáo dục… Trong đó, hầu hết các doanh nghiệp ưu tiên nhiều hơn cho trình độ lao động hệ ĐH-CĐ.

Lao động có năng lực ngoại ngữ chiếm 1/3 trong tổng số lao động, 95% doanh nghiệp đều có nhu cầu gia tăng số lượng nhân viên có khả năng ngoại ngữ.

“Khi được hỏi về sự hài lòng của doanh nghiệp đối với trình độ ngoại ngữ của nhân viên thì 12 doanh nghiệp đánh giá rất tốt (chiếm 7%); 32 doanh nghiệp đánh giá tốt (chiếm 21%); 48 doanh nghiệp đánh giá khá (chiếm 31,5%); 40 doanh nghiệp đánh giá trung bình (chiếm 26,3%), 20 doanh nghiệp đánh giá kém (chiếm 14,2%).

Kết quả khảo sát còn cho thấy do đặc thù công việc mà mức độ hiểu biết và sử dụng được ngoại ngữ có sự chênh lệch rõ ràng giữa các ngành nghề mà ứng viên làm việc.

Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến trong một buổi học về phong cách, kỹ năng giao tiếp chào hỏi
Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến trong một buổi học về phong cách, kỹ năng giao tiếp chào hỏi 

Thực tế, khảo sát tại nhiều trường ĐH-CĐ cho thấy, kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Anh vẫn là điểm yếu của số đông sinh viên Việt Nam khi tốt nghiệp. Theo theo số liệu của jobstreet.com, Việt Nam chỉ đứng hạng 4/5 về tiếng Anh so với các nước trong khu vực. Khảo sát đối với lao động mới ra trường cho thấy chỉ có 5% lao động tự tin về khả năng tiếng Anh nhưng lại có đến 27% thừa nhận khả năng ngoại ngữ của họ rất kém.

Hàng năm, lượng sinh viên ra trường chật vật tìm kiếm việc làm vì năng lực tiếng Anh không đảm bảo đang chiếm số lượng không nhỏ. Tiếng Anh kém cũng là rào cản làm cho nhân sự Việt thiếu tự tin trên tiến trình hội nhập.

Cũng theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), so với các quốc gia ASEAN, trình độ tiếng Anh của Việt Nam hiện đứng sau Singapore, Malaysia, Philippines và Brunei. Đội ngũ nhân sự đến từ các quốc gia trên sẽ chiếm ưu thế nhờ khả năng tiếng Anh tốt và phong cách làm việc quốc tế. Thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam, nếu không trang bị cho mình vốn tiếng Anh tốt, nhiều bạn trẻ có khả năng thua trên sân nhà.

PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ - Giám đốc Điều hành phụ trách đào tạo trường Đại học Văn Hiến nhận định, việc dạy và học ngoại ngữ cần mang tính đổi mới, sáng tạo, tập trung giải quyết các vấn đề nhu cầu việc làm cho sinh viên trong tương lại. Ngoài ra, sinh viên cũng cần được bồi dưỡng kỹ năng học tập, kết nối để thích nghi với môi trường trong nước và quốc tế. Tư duy phản biện của sinh viên cũng cần được mài dũa dưới sự hỗ trợ của giảng viên.

Thúc đẩy năng lực tự học để có mức đãi ngộ tương xứng

“Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi ngày trên thế giới có hàng ngàn công việc mới ra đời. Những nhà giáo giáo dục chúng tôi nhận thức cần rèn luyện kỹ năng tốt cho học sinh để các em vững tin làm chủ tạo dựng sự nghiệp. Điều quan trọng là cần thúc đẩy năng lực tự học của sinh viên, giúp các em có thể học tập suốt đời thay vì tiếp nhận kiến thức một chiều từ giáo viên”, PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ cho biết.

Do vậy, theo ông trong quá trình học tập, việc thúc đẩy năng lực tự học của sinh viên là vô cùng quan trọng. Năng lực tự học sẽ giúp người học sẽ tiến bộ nhanh hơn và học tập hiệu quả hơn nếu họ ý thức rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

Chia sẻ quan điểm với PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ, Th.s Huỳnh Diệp Trâm Anh nhìn nhận; khi xem xét kỹ quá trình làm việc và thăng tiến nghề nghiệp của ứng viên, cũng dễ nhận ra sự khác biệt về cơ hội phát triển nghề nghiệp giữa hai nhóm ứng viên biết và không biết sử dụng ngoại ngữ.

" Cùng trình độ chuyên môn, nhưng người sử dụng tốt tiếng Anh thuận lợi hơn nhiều trong việc tìm kiếm việc làm. Họ có thể lựa chọn nơi làm việc tốt hơn, phổ biến là ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thường có mức thu nhập cao hơn những người không sử dụng được ngoại ngữ"-Th.s Trâm Anh nói.

Thầy và trò Trường ĐH Văn Hiến
 Thầy và trò Trường ĐH Văn Hiến

Thực tế, qua khảo sát  của Th.s Trâm Anh cũng chỉ rõ: Những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi tuyển dụng lao động có năng lực ngoại ngữ. Cụ thể là tiếng Anh là có bằng cấp nhưng không tương xứng với khả năng thực tế, thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu kỹ năng mềm. Đặc biệt, một yếu tố mà 95% nhà tuyển dụng đều than phiền là ứng viên yêu cầu mức lương cao trong khi khả năng và kinh nghiệm lại chưa tương xứng.

" Mức lương trung bình hầu hết doanh nghiệp trả cho người lao động có năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) từ 10 triệu trở lên. 52% doanh nghiệp cho rằng nếu nhân viên được đào tạo nâng cao, lương cao thì khả năng gắn kết nhiều hơn. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tiến hành đào tạo bổ sung lao động thì thường thiếu kinh phí và khó sắp xếp được thời gian phù hợp.

Hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn hợp tác với nhà trường tuyển dụng sinh viên thực tập. Nếu sinh viên thực tập có năng lực ngoại ngữ, thái độ, chuyên môn tốt thì sẽ dễ được giữ lại làm việc và hỗ trợ 40-60% lương. Do vậy, việc biết và sử dụng được ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong giao tiếp, làm việc ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Đáng tiếc là nhiều lao động trẻ hiện nay còn thiếu và yếu ngoại ngữ, ít chịu đầu tư cho việc học, chưa xem nó là công cụ cần thiết cho phát triển nghề nghiệp”- tác giả nghiên cứu cho biết

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ