Giới hạn nào cho Confession?

GD&TĐ - Confession vẫn tồn tại và vẫn có thể gây rắc rối cho sinh viên nếu họ không biết cách sử dụng...

Một trang Confession của sinh viên Đà Nẵng. Ảnh: Facebook
Một trang Confession của sinh viên Đà Nẵng. Ảnh: Facebook

Sự việc đưa tin đồn thất thiệt ở Trường Quân sự Quân khu 7 trên một Confession tạm khép lại khi người đăng tin bị xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ. Nhưng Confession vẫn tồn tại và vẫn có thể gây rắc rối cho sinh viên nếu họ không biết cách sử dụng.

Từ nói xấu đến bịa chuyện

Cuối tháng 7/2023, N.L.T.T. (19 tuổi, sinh viên tại TPHCM) bị Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính”. Trước đó, hồi đầu năm 2023, mặc dù không biết nội dung vụ việc, không tiến hành kiểm chứng, nhưng N.L.T.T. đã trực tiếp duyệt, chỉnh sửa và đăng tải bài viết do người không rõ lai lịch gửi đến. Bài viết bịa đặt về việc xảy ra vụ hiếp dâm nữ sinh viên học giáo dục quốc phòng tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7. Được đăng trên trang Facebook “UEH Confession”, bài trên lập tức thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác, gây hoang mang dư luận.

Xuất hiện ở phương Tây, trào lưu Confession du nhập vào Việt Nam và nhận được sự đón nhận đông đảo của giới trẻ, nhất là giới sinh viên. Confession có nghĩa là lời thú nhận của một ai đó về câu chuyện của mình. Thông qua Confession, người ta bày tỏ được nỗi lòng, câu chuyện khó nói của mình mà không phải lo sợ người khác biết được mình là ai.

Tại các trường cao đẳng, đại học, hầu hết các thế hệ sinh viên đều tạo ra những trang Confession riêng cho mình để trao đổi, chia sẻ với nhau về những khó khăn trong học tập. Lâu dần, một số bộ phận sinh viên biến Confession thành chỗ nói xấu, công kích cá nhân, soi mói, làm tổn thương người khác, trong đó có bạn bè và thầy cô của mình.

N.V.V., quản trị viên của một trang Confession hơn 15 nghìn thành viên, kể không ít lần nhận được các tin nhắn, bài viết của sinh viên gửi về để bày tỏ bức xúc, thậm chí nói xấu, mạt sát một người nào đó mà họ có xích mích với nhau bên ngoài. Có thể là chuyện những người bạn bị “chơi xấu” trong lớp hoặc chuyện ganh tị thành tích học tập. Cũng có lần, N.V.V. nhận được một bài dài tố cáo giảng viên nhận tiền để nâng điểm cho người học. “Trước các thông tin xấu như vậy, bộ phận quản trị trang cũng rất phân vân. Nếu không đăng thì không đáp ứng được nhu cầu được nói của sinh viên, làm mất đi ý nghĩa trang Confession. Nhưng nếu đăng thì không biết thực hư ra sao, rất tội người bị tố”, N.V.V. kể.

Tuy rất cẩn thận khi duyệt bài đăng trong nhóm Confession nhưng quản trị viên này cũng một lần bị hớ khi duyệt đăng bài sai sự thật. Người bị nói xấu trên Confession sau đã liên hệ với anh, yêu cầu nếu gỡ bài và xin lỗi sẽ bỏ qua hết mọi chuyện.

Ngưỡng an toàn khi dùng Confession ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM, cho rằng, Confession thực sự hữu ích và tích cực, nếu sinh viên dùng diễn đàn này đúng cách. Đó là kênh giao lưu, giải trí, kết nối để sinh viên hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Tuy nhiên, đã là sân chơi thì phải có quy tắc và người chơi phải tuân thủ quy tắc. Confession là diễn đàn trên mạng thì người dùng phải ứng xử đúng đắn, phù hợp với thuần phong mỹ tục và luật pháp trên cộng đồng mạng.

Do đó, theo ThS Phạm Thái Sơn, quy tắc ứng xử trên mạng nên được các trường đại học chuẩn hóa, phổ biến cho sinh viên. Tiếp đó, thầy cô, nhà trường phải là người lắng nghe để thấu hiểu sinh viên. Thay vì ngăn chặn các dòng suy nghĩ trái chiều, nhà trường nên tìm cách tạo ra sự đồng thuận từ sinh viên. “Các trường đại học cần làm tốt trong khâu giải quyết những thắc mắc của sinh viên, làm tốt khâu điểm số, công tác sinh viên… để tránh những khúc mắc, hiểu lầm”, ThS Phạm Thái Sơn nói.

TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, Confession là một xu thế tất yếu khi công nghệ, Internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Thay vì phản đối, mọi người phải hiểu và chấp nhận nó.

Mặc dù vậy, trong xã hội đang tồn tại những quan điểm sai lầm trong việc sử dụng mạng xã hội nói chung và Confession nói riêng. Đó là, nhiều người cho rằng Confession là thế giới ảo, không ai kiểm soát, không bị ràng buộc nên thỏa sức nói, bày tỏ mọi thông tin, quan điểm. Đôi khi, họ thấy những sự việc chưa tốt, mang tính cá nhân hoặc nhỏ lẻ, nhưng lại trình bày trên Confession như là hiện tượng, bản chất.

Tiếp đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Vì cho rằng đây là thế giới ảo nên nhiều người nghĩ, sẽ không bị chi phối bởi pháp luật. Nhiều sinh viên lợi dụng các diễn đàn này với mục đích xấu. “Những thứ xấu trên mạng xã hội thường được cộng hưởng, lan tỏa rất nhanh và có thể trở thành những việc vi phạm pháp luật”, TS Đinh Văn Hải nói.

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường thường mời công an phổ biến, trao đổi về Luật An ninh mạng, pháp luật về thông tin - truyền thông cho các quản trị viên Confession. Nhà trường cũng tạo ra những bộ phận “một cửa” online, xử lý nhanh các vấn đề bức xúc của sinh viên. “Khi những bức xúc của sinh viên được lắng nghe, giải đáp thỏa đáng sẽ hạn chế rất nhiều hệ quả xấu xảy ra trên mạng xã hội, Confession”, TS Đinh Văn Hải nhận định.

Ở góc độ luật pháp, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM - nhấn mạnh việc tự nhận thức, trau dồi của sinh viên khi sử dụng Confession. Theo đó, sinh viên phải ý thức rằng, ở độ tuổi của mình (từ 18 trở lên) phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi phạm tội do mình gây ra. Ngoài ra, sinh viên phải nhận thức được việc đưa thông tin sai trái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Khi tiếp nhận và chuẩn bị đăng tải bất cứ thông tin gì trên Confession, sinh viên phải kiểm chứng về độ tin cậy của thông tin. Quan trọng hơn, sinh viên phải cân nhắc đến tác hại của những thông tin mình chuẩn bị công bố, có nguy hại, tổn thương cho ai không”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói và nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên rất quan trọng. Theo đó, cần tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa, chuyên đề phổ biến kiến thức, các phiên tòa giả định… để người học nắm rõ pháp luật.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, sinh viên nên tự tìm hiểu pháp luật an ninh mạng, dân sự, hình sự… để có thể tự bảo vệ bản thân, tránh vướng vào các vấn đề hình sự. Một số nội dung luật sinh viên cần nắm gồm: Luật An ninh mạng; Bộ luật Dân sự (Điều 592 về Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm); Bộ luật Hình sự (Điều 155 quy định về tội làm nhục người khác); Luật Trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ