Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV: Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội

GD&TĐ - Trước diễn biến của dịch Covid-19, học sinh phải học trực tuyến, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên thông qua môi trường mạng được ngành Giáo dục quan tâm và đẩy mạnh.

Học sinh được giáo dục đạo đức lối sống qua các bài giảng trực tuyến. Ảnh minh họa
Học sinh được giáo dục đạo đức lối sống qua các bài giảng trực tuyến. Ảnh minh họa

Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) về việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để đổi mới hình thức công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ông Bùi Văn Linh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD&ĐT)
Ông Bùi Văn Linh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD&ĐT) 

- Xin ông cho biết, những nội dung của nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2021 - 2022 là gì? So với năm học trước, nhiệm vụ trong năm nay có những thay đổi thế nào?

- Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2021 – 2022 gồm 10 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục; chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng của học sinh, sinh viên; tăng cường triển khai xây dựng văn hóa học đường, đổi mới công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; tăng cường giáo dục kỹ năng bảo đảm an toàn an ninh cho học sinh, sinh viên trên môi trường mạng...

So với năm học trước, nhiệm vụ trong năm nay bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, ngành đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục giúp học sinh, sinh viên “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.

Cụ thể, các nhà trường quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng, hướng dẫn các kỹ năng cần thiết cho học sinh, sinh viên bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài; nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ sinh kế nhằm giải quyết các vấn đề của cộng đồng sau đại dịch.

- Khi học sinh, sinh viên không thể đến trường, phải học trực tuyến và hình thức khác, các nhà trường cần làm gì để theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng của các em?

- Trong tình hình hiện nay, các nhà trường cần tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đã ban hành, mới nhất là Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 về các nhiệm vụ trọng    tâm năm học mới và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2021 - 2022.

Tại các địa phương và cơ sở giáo dục đại học đang tổ chức dạy và học trực tuyến, cần tăng cường nắm bắt, theo dõi hoạt động của học sinh, sinh viên trên môi trường mạng; quán triệt đến từng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, bên cạnh dạy chuyên môn phải đồng thời chú ý đến các   biểu hiện, ý thức, thái độ, khó khăn của các em trong quá trình tham gia học trực tuyến.

Bộ GD&ĐT cũng quan tâm phối hợp với Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, các cơ quan, đơn vị để hỗ trợ kịp thời các khó khăn về đời sống, trong học tập cho sinh viên đang thuê trọ tại thành phố để học trực tuyến, ổn định cuộc sống tốt nhất.

Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên luôn là nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường. Ảnh minh họa
Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên luôn là nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường. Ảnh minh họa

Gắn giáo dục đạo đức, lối sống với kỹ năng làm việc, khát vọng cống hiến

- Việc học trực tuyến dài ngày sẽ nảy sinh các vấn đề về tâm lý. Bộ GD&ĐT có kế hoạch thế nào để triển khai các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên phòng ngừa, ứng phó với các vấn đề này?

- Bộ GD&ĐT chỉ đạo các sở GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên, phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho học sinh, đặc biệt là các em đang ở địa phương khác do dịch bệnh Covid-19 chưa thể trở về gia đình để tham gia học tập nếu gặp các vấn đề về tâm lý.

Khuyến khích giáo viên, học sinh ghi các video clip chia sẻ kinh nghiệm hay trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong dạy và học ở điều kiện phòng chống dịch; các kỹ năng phòng chống xâm hại, bắt nạt qua mạng... Lựa chọn và đăng tải nội dung tốt lên các website, fanpage, ứng dụng trực tuyến, hệ thống tin nhắn của nhà trường để tuyên truyền và lan tỏa.

Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, kỹ năng học tập cho học sinh, sinh viên; xây dựng các video clip, infographic, bài hướng dẫn; tổ chức các buổi livestream... nhằm hỗ trợ nhà trường và học sinh, sinh viên ứng phó tốt với khủng hoảng, khó khăn tâm lý do dịch bệnh, từ đó có thể học tập, rèn luyện tốt nhất.

- Trong năm học tới và các giai đoạn tiếp theo, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên sẽ được đổi   mới theo hướng nào để đạt hiệu quả cao nhất?

- Trong Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng có đề cập đến mục tiêu “tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, ý thức công dân và khát vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên”.

Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa học đường; cung cấp, trau dồi các kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho học sinh, sinh viên.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trong Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 , Bộ GD&ĐT nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục đào tạo, chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên. - Ông Bùi Văn Linh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD&ĐT) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.