Cam kết “bao” đầu ra

GD&TĐ - Mới đây, tại cuộc họp báo về hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Từ năm 2018, trên cả nước đã có gần 20 trường dạy nghề ký cam kết với học viên ra trường sau 1 tháng không có việc làm sẽ hoàn trả học phí đào tạo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây nhất, mùa tuyển sinh 2019, Trường ĐH Đồng Tháp dự kiến áp dụng chính sách cam kết hoàn trả lại học phí đối với một số ngành đào tạo của trường, nếu sinh viên tốt nghiệp các ngành này không tìm được việc làm. Theo lãnh đạo nhà trường, đây là một giải pháp để tạo động lực, tự tạo áp lực để người dạy và người học phải cùng nhau nỗ lực thay đổi và sáng tạo, khẳng định chất lượng đào tạo, bên cạnh hệ thống các giải pháp đổi mới quản trị nhà trường và hướng về người học. Trường cũng có nhiều biện pháp để tạo hơn 2.000 cơ hội việc làm cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và vừa tốt nghiệp hàng năm.

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng cam kết 100% việc làm ở 19 ngành đào tạo CĐ. Nhiều doanh nghiệp, công ty ký hợp tác với trường là đơn vị tin cậy cho sinh viên làm việc. Sinh viên có trách nhiệm tuân thủ các điều kiện, hoàn tất chương trình theo chuẩn đầu ra, tham gia đầy đủ các chương trình kỹ năng và tham gia tốt học kỳ doanh nghiệp do trường tổ chức. Trong trường hợp sinh viên thực hiện đúng cam kết nhưng ra trường không hỗ trợ việc làm sẽ hoàn trả học phí cả khóa học.

Để thực hiện cam kết này, trường đã mời lãnh đạo các doanh nghiệp làm cố vấn, cùng xây dựng giáo trình đào tạo, kết hợp đào tạo để sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp. Danh sách các trường ĐH, CĐ nghề có “bao” đầu ra hiện đang càng ngày càng dài thêm, với những cái tên mới như ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Phú Xuân; Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi; Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì… gia tăng thêm niềm tin của người học và xã hội về xu hướng đào tạo thực học, thực nghiệp.

Thực trạng sinh viên sau tốt nghiệp không tìm được việc làm hiện khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó vẫn chủ yếu do đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Để có được ứng viên làm việc đúng yêu cầu, doanh nghiệp buộc phải tổ chức đào tạo bổ sung. Tuy nhiên, công việc này không phải đơn vị nào cũng mặn mà, vì mất thời gian và chi phí. Về phía các trường, tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp có tác động rất lớn đến uy tín, thương hiệu cũng như khả năng thu hút người học.

Con số sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp là công khai, càng thấp thì… càng giảm sức hút đầu vào, giảm nguồn thu. Trong bối cảnh tự chủ tài chính, không có người học đồng nghĩa với “phá sản”. Vì thế, song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, việc kết nối với doanh nghiệp để tạo môi trường thực tập, kiến tập, học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên, tiến tới “bao” việc làm sau tốt nghiệp đã và đang được các trường tích cực triển khai.

Đảm bảo 100% việc làm sau tốt nghiệp là thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và trách nhiệm của nhà trường về chất lượng đào tạo với người học nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những trường cam kết và thực hiện có hiệu quả, đâu đó vẫn còn những nghi vấn trong cộng đồng rằng có trường quảng bá việc “bao” đầu ra chẳng qua là một thủ thuật nhằm mục đích tiếp thị, quảng cáo.

Đặc biệt, nên hiểu khái niệm việc làm sau tốt nghiệp được “bao” như thế nào, thu nhập ra sao, có phù hợp với ngành nghề đào tạo hay không, bởi thực tế cũng đã có sinh viên thà thất nghiệp một thời gian còn hơn nhận một việc được “bao” mà không phù hợp. Vì thế, song song với việc khuyến khích thêm nhiều trường nỗ lực để đạt được mục tiêu cam kết 100% có việc làm cho sinh viên, cũng cần thiết có sự kiểm tra, giám sát đối với mô hình này, tránh mô hình bị lợi dụng theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ