Phát lộ nhiều dấu tích tại di tích tháp đôi Liễu Cốc

GD&TĐ - Ngày 8/7, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở VH-TT thành phố Huế công bố kết quả thăm dò và khai quật di tích tháp đôi Liễu Cốc.

Di tích tháp đôi Liễu Cốc thuộc phường Kim Trà, thành phố Huế - Ảnh Sở VH-TT TP Huế.
Di tích tháp đôi Liễu Cốc thuộc phường Kim Trà, thành phố Huế - Ảnh Sở VH-TT TP Huế.

Thực hiện quyết định của Bộ VH,TT&DL, từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6/2025, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở VH-TT thành phố Huế đã triển khai giai đoạn 2 công tác thăm dò và khai quật khảo cổ tại di tích tháp đôi Liễu Cốc (phường Kim Trà, thành phố Huế).

Kết quả khai quật tiếp tục làm sáng rõ quy mô, kết cấu nền móng của hai tháp chính: tháp Bắc và tháp Nam, đồng thời xác định được phần giới hạn hệ thống tường bao phía Bắc và phía Nam khu đền tháp, cung cấp thêm nhiều cứ liệu quan trọng phục vụ nghiên cứu và bảo tồn di tích.

Các chuyên gia đã mở 2 hố khai quật và 2 hố thám sát, tập trung vào khu vực mặt phía đông của tháp Bắc và phía bắc – đông của tháp Nam. Qua đó, xác định được mặt bằng, quy mô và kết cấu của kiến trúc tháp Bắc và tháp Nam.

lieu-coc-2.jpg
Một số hiện vật được tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ mới đây tại tháp đôi Liễu Cốc.

Đặc biệt, cấu trúc kiến trúc của tháp Nam được xác định gồm 4 phần: Móng, đế, thân và mái – trong đó phần mái và phần lớn thân tháp đã bị sụp đổ. Tiền sảnh và các cửa giả ở ba phía cũng được nhận diện tương đối rõ nét, với nhiều chi tiết kiến trúc thể hiện sự tinh xảo, công phu.

Kết quả khai quật cho thấy di tích được xây dựng trên gò đất phù sa ven sông Bồ, có xử lý nền móng bằng đất sét pha cát và lớp đất laterite màu đỏ sẫm. Vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch nung có độ cứng cao.

Đoàn khai quật cũng thu được hơn 9.000 tiêu bản và mảnh hiện vật, gồm các loại gạch, ngói, vật liệu trang trí bằng đá và đất nung, bia ký có khắc chữ Phạn niên đại thế kỷ 10, đồ gốm, sành, đồ sứ Trung Quốc và các mảnh kim loại đồng.

Thông qua hai hố thám sát, các nhà khảo cổ xác định không có sự hiện diện của tháp thứ ba trong khuôn viên di tích. Qua đó khẳng định tháp đôi Liễu Cốc là tổ hợp kiến trúc đặc biệt với chỉ hai đền tháp thờ chính – một mô hình hiếm gặp trong hệ thống đền tháp Chăm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Từ kết quả này, đoàn khảo cổ kiến nghị cần tiếp tục mở rộng diện tích khai quật (hiện mới đạt 6% diện tích quy hoạch) nhằm làm rõ cấu trúc tổng thể của di tích, bao gồm tháp cổng, tường bao phía tây, tháp hỏa, nhà bia và hệ thống đường nội bộ.

Đồng thời, đề xuất nghiên cứu bảo tồn kết cấu kiến trúc, xây dựng mái che bảo vệ 2 tòa tháp chính, phục dựng cảnh quan và bảo tồn miếu Dương Phi (Bà Chúa Tháp).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ