Gian hàng “thật – giả”
Sâm Ngọc Linh được ví như quốc bảo của Việt Nam bởi giá trị dinh dưỡng và giá thành rất cao. Vì thế nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân cố tình làm giả sản phẩm sâm Ngọc Linh nhằm “trục lợi”. Với mong muốn cho người dân được tiếp cận, mua những sản phẩm sâm Ngọc Linh rõ nguồn gốc, xuất xứ, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh gắn với quảng bá tiềm năng du lịch và các sản phẩm đặc hữu của huyện từ ngày 24 - 26/4.
Để người dân dễ dàng phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả, UBND huyện Tu Mơ Rông đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum bố trí một gian hàng trưng bày sâm Ngọc Linh thật và các loại củ giống với sâm Ngọc Linh. Khách hàng trước khi lựa chọn mua sâm Ngọc Linh có thể tới gian hàng này để xem, so sánh, tìm điểm giống và khác nhau để có thể nhận biết sâm thật – giả.
Chị Nguyễn Thị Trúc Phương (trú tại thành phố Kon Tum) cho biết, từ lâu chị đã tìm hiểu và biết sâm Ngọc Linh có hàm lượng dưỡng chất và giá trị cao. Do đó, chị muốn tìm mua để gia đình sử dụng nhằm cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, vì giá thành cao nên nhiều gian thương lấy những loại củ có hình dạng giống sâm Ngọc Linh rồi bày bán nhằm trục lợi. Chính vì vậy, chị khó phân biệt khi chọn lựa mua sâm Ngọc Linh.
“Đến với phiên chợ mình được thấy và tận tay sờ vào các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Tại đây, còn có gian hàng để mọi người có thể phân biệt được sâm Ngọc Linh thật – giả. Đặc biệt, củ, lá hoặc sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh bày bán đã được sàng lọc, kiểm định rất khắt khe. Chính vì vậy, khi mua những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại đây mình rất tin tưởng”, chị Trúc Phương tâm sự.
Ngay từ sáng sớm, bà Y Bắc – Hội Phụ nữ xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) đã mang cây, củ sâm Ngọc Linh của chị em trong Hợp tác xã cộng đồng phụ nữ Đăk Viên xuống phiên chợ để trưng bày và bán cho khách hàng.
Bà Y Bắc chia sẻ, số cây và củ sâm Ngọc Linh này của bà con đã được trồng và chăm sóc kĩ lưỡng. Bên cạnh đó, mỗi cây và củ sâm đều có mã vạch và được kiểm định kĩ lưỡng.
“Nhân dịp phiên chợ, bà con dân làng có cơ hội trưng bày, giới thiệu các sản phẩm từ củ, lá và hoa sâm Ngọc Linh đến với du khách gần xa. Sâm Ngọc Linh của hợp tác xã được trồng và chăm sóc với thời gian trên 15 năm nên giá trị dinh dưỡng rất cao. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sâm Ngọc Linh phát triển nhanh hay chậm”, bà Y Bắc chia sẻ.
Theo bà Y Bắc, tùy theo nhu cầu của khách hàng mà hợp tác xã có những sản phẩm và giá bán khác nhau. Với sâm Ngọc Linh loại 1 từ 10 - 11 củ/kg có giá 240 triệu đồng/kg, loại 2 từ 20 - 22 củ/kg thì 145 triệu/kg, còn loại 3 khoảng 30 củ/kg có giá 110 triệu đồng.
Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh
Sau hơn 20 năm sưu tầm, nhân giống và phát triển, đến nay tỉnh Kon Tum đã sở hữu một vùng trồng sâm rộng lớn trên núi Ngọc Linh với diện tích hơn 1.200 ha. Số diện tích sâm này được trồng hoàn toàn dưới tán rừng tự nhiên ở núi Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông và một số ít tại huyện Đăk Glei.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho hay, để bảo đảm chất lượng, nguồn gốc sâm Ngọc Linh thì các doanh nghiệp tham gia vào phiên chợ phải có xác nhận của thôn, xã nơi trồng sâm. Bên cạnh đó, huyện thành lập tổ thẩm định sâm, gồm cán bộ, người dân trồng sâm lâu năm. Nếu nghi ngờ về sản phẩm thì địa phương sẽ gửi đi thẩm định gen và doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Ông Mạnh cho hay, thời gian tới, huyện sẽ xúc tiến cấp tem sản phẩm sâm Ngọc Linh đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để khách hàng tin tưởng sử dụng.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, rừng và sâm Ngọc Linh gắn với du lịch là lợi thế của địa phương. Trong đó, giữ rừng là điều kiện tiên quyết để phát triển các lợi thế. Bởi nếu mất rừng thì không thể phát triển sâm Ngọc Linh cũng như du lịch.
“Để phát triển sâm Ngọc Linh thông qua con đường du lịch và phát huy được chuỗi “kinh tế xanh” nhằm đưa người Xơ Đăng thoát nghèo thì cần sự hỗ trợ từ các cấp để huyện Tu Mơ Rông trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh. Qua đó, góp phần đưa Kon Tum thành trung tâm dược liệu của cả nước”, ông Mạnh chia sẻ.
Ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, cho biết, sâm Ngọc Linh có uy tín, giá trị kinh tế cao, do đó cần phải xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và công bố chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Chính vì vậy, Kon Tum cần tổ chức liên kết vùng trong việc phát triển sâm Ngọc Linh. Đồng thời tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để trở thành hàng hóa và nâng tầm thương hiệu các sản phẩm trên thị trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum cũng đưa ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ để phát triển sâm Ngọc Linh theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển dược liệu gắn với chế biến và khoa học công nghệ. Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu, sâm Ngọc Linh.
Ngoài ra, cần hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại… Đồng thời, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu sâm Ngọc Linh ra nước ngoài cho các sản phẩm xuất khẩu.