Gìn giữ làn điệu Sình ca cho thế hệ trẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những năm qua văn hóa hát Sình ca đã và đang được đồng bào dân tộc Cao Lan bảo tồn và phát huy bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đặc sắc trong hát Sình ca của đồng bào dân tộc Cao Lan.
Đặc sắc trong hát Sình ca của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Đưa hát Sình ca vào đời sống

Tại Tuyên Quang Đồng bào dân tộc Cao Lan hay còn gọi là Sán Chay chiếm 13% dân số toàn tỉnh (khoảng 55 nghìn người), tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên. Hát sình ca được xem là một loại hình văn hóa diễn xướng đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Sình ca của người Cao Lan ở Tuyên Quang được chia thành 2 nhóm theo môi trường diễn xướng: Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm. Địa điểm hát thường là một ngôi nhà nào đó trong thôn. Họ bắt đầu từ những bài hát hỏi, chào mừng lẫn nhau, khi quen hơn, họ hát đối đáp khi đã hiểu về nhau, họ mượn những bài tả cảnh để nói với nhau về tình. Những cuộc hát như vậy thường từ chiều hôm trước tới sáng hôm sau.

Sình ca được xem như linh hồn của họ, với các câu hát ngọt ngào kết hợp cùng điệu múa xúc tép, chim gâu là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian không thể thiếu trong các ngày lễ hội và cuộc sống hàng ngày của người Cao Lan. Sự khéo léo lồng ghép nghệ thuật hát then vào các hoạt động ngoại khóa không chỉ đem lại kiến thức, hiểu biết về giá trị tinh hoa của dân tộc mà còn góp phần truyền cảm hứng vào tâm hồn của đồng bào Cao Lan.

Người hát sình ca không phụ thuộc vào tuổi tác, trẻ thì thường hát giao duyên, đối đáp, còn người cao tuổi thì hát theo lời cổ. Họ hát trong lễ hội, nương rẫy, ngoài đồng ruộng hay hát trong các buổi sinh hoạt thôn xóm, đặc biệt là hát nhiều vào mùa xuân, và thời điểm bắt đầu cho năm mới, các làn điệu Sình ca sẽ được bà con thể hiện nhiều hơn.

Bà Vi Thị Ngọc (78 tuổi) xã vĩnh lợi huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang một người đã có hơn 50 năm gắn bó với làn điệu Sình ca cho biết: Để hát được giai điệu của Sình ca thì người hát phải sở hữu một chất giọng khoẻ, phải biết lấy hơi và xử lý hơi phát ra sao cho vang, cho đều.

Hát Sình ca bao giờ cũng đi kèm với những điệu múa uyển chuyển, sinh động mô phỏng lại cảnh sinh hoạt đời thường của người dân. Chính vì thế đã tạo cho người nghe, người xem một cảm giác vừa gần gũi lại phảng phất những ý nghĩa sâu lắng về tình người, tình đời, tình yêu đôi lứa…trong mỗi câu hát. Sự kết hợp nhuần nhuyễn và ăn khớp trong hát Sình ca đã hấp dẫn nhiều người xem.

Còn đối với Ông Đàm Văn Tình (70 tuổi) xã Thành Long, huyện Hàm Yên Câu lạc bộ Sình ca của ông tham gia nay đã có hơn 20 thành viên, trong thời gian tới mong rằng thế hệ trẻ sẽ tục lưu truyền và phát huy được bản sắc của dân tộc mình.

Gìn giữ phát huy truyền thống văn hóa dân tộc

Đồng bào dân tộc Cao Lan ở tỉnh Tuyên Quang đã thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ, để tuyên truyền, quảng bá “báu vật” của dân tộc.

Đồng bào dân tộc Cao Lan ở tỉnh Tuyên Quang đã thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ, để tuyên truyền, quảng bá “báu vật” của dân tộc.

Để gìn giữ làn điệu Sình ca độc đáo của dân tộc, những năm gần đây, đồng bào dân tộc Cao Lan ở tỉnh Tuyên Quang đã thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ, để tuyên truyền, quảng bá “báu vật” của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Dân ca Cao Lan là sinh hoạt văn hóa đặc sắc được các thế hệ người Cao Lan kế thừa và lưu truyền từ nhiều đời nay. Trong mỗi điệu dân ca đều thể hiện muôn mặt đời sống văn hóa, tinh thần, các phong tục tập quán của người Cao Lan.

Ông Nguyễn Văn Hòa Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tuyên Quang, cho biết: để tiếp tục phát huy và giữ gìn làn điệu Sình ca của dân tộc Cao Lan các sở ban ngành địa phương cũng đã và đang được tiến hành các biện pháp bảo tồn như sưu tầm tư liệu cổ, lưu giữ giá trị gốc và truyền dạy cho thế hệ trẻ,… để làn điệu Sình ca có thêm môi trường diễn xướng và gìn giữ cho thế hệ mai sau. Tuyên truyền động viên các nghệ nhân tiếp tục phát huy vai trò trong việc giảng dạy cho thế hệ trẻ, động viên thế hệ trẻ tiếp thu và học hỏi để lưu giữ những giá trị của đồng bào dân tộc, tổ chức giao lưu hát Sình ca giữa các địa phương với nhau. Ông Hòa nhấn mạnh

Có thể nói, câu hát, điệu múa Sình ca từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Cao Lan. Nét văn hóa đặc sắc ấy, đã và đang góp thêm một phần quan trọng vào kho tàng văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.