Gieo chữ ở Sì Lở Lầu

GD&TĐ - Sì Lở Lầu theo tiếng dân tộc Dao là 12 tầng dốc. Đây là xã biên giới xa trung tâm nhất của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Để đến đây, không ít lần “xe máy cưỡi người”. Song ở đó luôn có những giáo viên vẫn “vượt nắng, thắng mưa” đem chữ đến cho các em nhỏ…

Những hy sinh thầm lặng của lớp lớp giáo viên đã góp phần “ươm mầm” cho tương lai Sì Lở Lầu “thêm xanh”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Những hy sinh thầm lặng của lớp lớp giáo viên đã góp phần “ươm mầm” cho tương lai Sì Lở Lầu “thêm xanh”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chuyện “xe máy cưỡi người” như cơm bữa

Những ngày đầu năm học 2020 - 2021, trên mạng xã hội chia sẻ nhiều hình ảnh cảm động về thầy cô giáo phải khiêng xe qua những tảng đá lớn như chiếc giường. Hay hình ảnh khiêng xe qua những con suối chảy xiết…

Những bức hình này đã lay động người xem. Chứng kiến những hình ảnh đó, không ít người cảm thấy thót tim. Đó chính là câu chuyện bằng hình ảnh của những giáo viên vùng cao ở xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Sì Lở Lầu theo tiếng của dân tộc Dao nghĩa là mười hai tầng dốc. Chỉ tên gọi đó thôi để thể hiện biết bao sự khắc nghiệt, khó khăn của mảnh đất này. Ở Sì Lở Lầu chỉ có 2 mùa riêng biệt, đó là mùa mưa và mùa khô. Thời điểm đầu mỗi năm học, khi địa bàn vùng thấp đang là giai đoạn cuối hè, thì Sì Lở Lầu đã sắp sang đông.

Hàng năm, khi những cơn mưa cuối cùng của mùa hạ rơi xuống, thầy trò các trường ở Sì Lở Lầu bước vào năm học mới. Đó cũng là thời điểm khó khăn nhất với thầy trò nơi đây.

Còn nhớ sau hôm khai giảng vài ngày, trong một lần ra trung tâm huyện công tác, thầy giáo Phạm Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở (THCS) Sì Lở Lầu cùng một số thầy cô khác đã phải khiêng xe khi trở lại trường vì đường bị sạt lở lớn.

Hàng trăm khối đá đổ xuống gây tắc cục bộ. Viên nhỏ thì cũng bằng cái bàn uống nước, to như chiếc giường, thậm chí hơn. Cũng bởi buộc phải vào trường sớm nên thầy cô không có cách nào khác, đành phải thuê dân bản khiêng xe qua để đi tiếp.

“Buổi sáng sớm hoặc chiều tối, nghĩa là lúc vắng người thì giá thuê cao hơn, tầm 90 - 100 nghìn/1 chiếc xe máy. Ngoài thời gian trên thì giá có thể là 30 - 60 nghìn đồng/1 chiếc. Đấy là còn may mắn có người để thuê. Những lúc mưa lớn, đường không thể đi được thì… bỏ xe lại, “cuốc bộ” tiếp thì là bình thường!” - thầy Phạm Xuân Trường chia sẻ.

Cầm cự được khoảng 3 năm thì anh ấy mất!

Cung đường chính ra trung tâm huyện, thuộc diện đẹp nhất mà giáo viên ở xã Sì Lở Lầu thường đi qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cung đường chính ra trung tâm huyện, thuộc diện đẹp nhất mà giáo viên ở xã Sì Lở Lầu thường đi qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi hỏi đến các trường hợp giáo viên rủi ro trong lúc di chuyển đến trường, thầy Trường chia sẻ: “Trong một lần đi ra huyện lĩnh lương cho giáo viên, anh Đỗ Văn Hoàn, kế toán trường tôi không may bị ngã xe. Hồi đó là đợt trước khi về Tết năm 2015. Anh ấy bị chấn thương sọ não. Vợ anh ấy công tác ở trường mầm non trong này. Hai con thì đã tốt nghiệp nhưng chưa xin được việc làm.

Bố như vậy nên ba mẹ con cố gắng vay mượn, đưa chồng đi chạy chữa khắp các bệnh viện ở Hà Nội. Thế nhưng do chấn thương quá nặng, anh ấy đã bị bại liệt, nằm một chỗ. Cầm cự được khoảng 3 năm thì anh ấy mất”, thầy Trường nhớ lại.

“Đấy là trường hợp duy nhất. Còn những vụ ngã xe, hư hỏng phương tiện, người bị trầy xước… với giáo viên vùng cao chúng tôi thì như cơm bữa. Con đường từ trung tâm huyện về trung tâm xã dài 86km thì như vậy. Nếu còn nói về đường liên xã, liên bản mà giáo viên của chúng tôi vẫn phải đi thì… không biết thế nào mà kể”, thầy Trường kể thêm.

7 năm chỉ 14 lần gặp vợ con

Trường THCS Sì Lở Lầu có 21 cán bộ, giáo viên. Có lẽ vợ chồng thầy Khuất Duy Phát là người may mắn hơn cả. Hai người họ đều công tác cùng trường nên hàng ngày có điều kiện chăm sóc lẫn nhau và cùng dạy dỗ con cái.

Ngoài ra có 3 giáo viên ở THCS Sì Lở Lầu có vợ hoặc chồng công tác ở các xã bên cạnh. Còn lại hầu hết giáo viên đều có chồng, có vợ sống và làm việc hoặc trong huyện, trong tỉnh hoặc tỉnh khác. Nói là cùng huyện, chứ thực ra nếu có muốn về nhà thì số lần về nhà trong một năm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường hợp của thầy Hà Thanh Bình là một điển hình. 7 năm nay, thầy Bình chỉ có hơn chục lần gặp mặt vợ, con.

“Chúng em xa nhau từ năm 2013, khi đó cháu lớn nhà em được 4 tuổi thì vợ em xin chuyển về Lào Cai. Trước vợ em công tác ở trường mầm non của xã Vàng Ma Chải (cách Sì Lở Lầu gần 20km). Tuy nhiên, do điều kiện gia đình nên cũng buộc phải xin về Lào Cai để lúc ốm đau, trái nắng trở trời có ông bà ngoại hỗ trợ”, thầy Hà Thanh Bình kể.

Có lẽ người mẹ nào dứt ruột sinh con ra như cô giáo Vũ Thị Mai (vợ thầy Hà Thanh Bình) cũng đều thấy quặn lòng mỗi khi con gọi mẹ bằng “cô”. Song, vào hoàn cảnh như vậy, cô Mai cũng chỉ biết ngậm ngùi rơi lệ vì cô không thể trách con được.

Năm 2011, con trai đầu của vợ chồng thầy Bình - cô Mai là Hà Việt Hưng mới tròn 2 tuổi thì vợ chồng ngậm ngùi gửi con về quê chồng ở Nam Định nhờ ông bà nội nuôi dưỡng và giáo dục.

Xa mặt, cách lòng, mỗi lần Tết hoặc hè về quê thăm con, thấy con hai vợ chồng chỉ muốn lao đến ôm chầm lấy thế nhưng bé Hưng lại né tránh như người dưng. Hưng gọi cô Mai là cô chứ không gọi mẹ.

Năm 2015, vợ chồng thầy Bình sinh thêm cháu thứ hai là Hà Trọng Dương. Từ đó, cô Mai và 2 con tập trung sinh sống ở quê ngoại Lào Cai để hàng ngày được ông bà ngoại đùm bọc.

Cũng như những giáo viên khác, thầy Bình mặc định mỗi năm trở về thăm vợ con 2 lần, đó là dịp nghỉ Tết Nguyên đán và dịp nghỉ hè. Thời gian còn lại có muốn nghỉ để về vào dịp cuối tuần cũng chẳng được vì chỉ di chuyển đã mất đứt 2 ngày đẫy.

“Xã chúng em thì không có ô tô vào đến tận nơi. Thế nên nếu muốn về quê thì giáo viên phải đi xe máy ra trung tâm thành phố rồi bắt xe khách đi về. Nhiều lúc muốn về cũng chẳng được.

Bởi mỗi khi mưa xuống, đường sạt sụt, ách tắc, có khi nằm lại giữa rừng. Vì thế giáo viên ở đây quanh năm bám bản, bám trường. Có về thì phải đợi đợt nghỉ dài”, thầy Bình chia sẻ.

Nghe tên Sì Lở Lầu với 12 con dốc đã thấy xa xôi và gian nan. Nơi đó, không có chỗ cho những người yêu nghề, yêu trẻ nửa vời…

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.