Giật mình sự thật nguồn gốc của các loại dược liệu

Có khoảng 80% - 85% số dược liệu được sử dụng hiện nay là nhập từ Trung Quốc thông qua các đường tiểu ngạch, nhập lậu, không chính thống. Nhiều loại dược liệu bị làm giả hoặc trộn hóa chất độc hại.

Giật mình sự thật nguồn gốc của các loại dược liệu

Thông thường, nghe đến các loại dược liệu, nhiều người luôn nghĩ rằng chúng lành tính vì xuất phát từ các loại cây cỏ trong tự nhiên, tuy nhiên, hiện nay, vì lợi nhuận, nhiều người đã nhập cả các loại dược liệu không rõ nguồn gốc về bào chế các bài thuốc đông y chữa bệnh cho mọi người.

Nguy hiểm hơn, một số loại dược liệu còn bị làm giả, bị trộn hóa chất độc hại gây nhiều bất lợi đối với sức khỏe người dùng.

Mới đây, đoàn kiểm tra do Sở Y tế Hải Phòng phối hợp với công an thành phố này đã phát hiện 3,5 tấn dược liệu đông y không có hóa đơn, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Số dược liệu này được để dưới nền nhà ẩm mốc. Nhiều bao có in chữ Trung Quốc bên ngoài.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại nhưng số dược liệu có nguồn gốc xuất xứ chỉ vỏn vẹn 1.400 tấn. Theo đó, có khoảng 80% - 85% số dược liệu được sử dụng hiện nay là nhập từ Trung Quốc thông qua các đường tiểu ngạch, nhập lậu, không chính thống.

 Cảnh giác với các loại dược liệu trôi nổi, dược liệu giả, trộn hóa chất. Ảnh minh họa
Cảnh giác với các loại dược liệu trôi nổi, dược liệu giả, trộn hóa chất. Ảnh minh họa.

Cùng với đó, kết quả kiểm nghiệm năm 2015 do Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) thực hiện với 227 mẫu dược liệu cho thấy, có tới 60% mẫu dược liệu không đạt chất lượng. Nhiều mẫu là dược liệu giả mạo hoặc dược liệu trộn hóa chất.

Các loại dược liệu dễ bị làm giả điển hình như: hồng hoa, hà thủ ô đỏ, kim ngân, hoài sơn... vì những loại này thuộc nhóm dược liệu quý và giá thành khá đắt đỏ. Bên cạnh đó, nhiều loại dược liệu khác dễ bị bảo quản bằng hóa chất như lưu huỳnh, chì, kẽm, thủy ngân.

Điều đáng nói, các loại dược liệu không rõ nguồn gốc này lại rất khó nhận biết được bằng mắt thường. Do đó, người dân rất khó có thể phát hiện ra đâu là dược liệu thật, đâu là dược liệu giả; dược liệu nào đã bị trộn hóa chất, thuốc bảo quản chống ẩm, chống mốc…

Theo lương y Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, thông thường các loại dược liệu sẽ có tác dụng khá chậm, nhưng nếu người sản xuất trộn thêm các chất tân dược sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng.

Do đó, nếu người bệnh mua phải các loại thuốc trộn này, khi mới uống sẽ thấy có tác dụng ngay, tức là thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm. Tuy nhiên, chính sự “kết hợp” này sẽ để lại những hệ lụy nghiêm trọng về sau, rất khó lường.

Thực tế, nhiều bệnh viện trên địa bàn cả nước đã từng tiếp nhận rất nhiều các trường hợp nhập viện cấp cứu do ngộ độc hoặc biến chứng sau khi sử dụng các loại dược liệu, thảo dược không rõ nguồn gốc của các “lang vườn”. Nhiều ca trong số đó đã tử vong.

Vì vậy, để tránh gây hại cho sức khỏe, khi bị bệnh, chúng ta nên đi khám để xác định bệnh, từ đó, có phương pháp điều trị bệnh hợp lý nhất. Nếu trị bệnh bằng các bài thuốc Đông y, người bệnh cần đến các hiệu thuốc, các cơ sở Đông y được cấp phép hoạt động để bốc thuốc.

Không nên tùy tiện dùng các loại dược liệu, nhất là những loại được bày bán ở chợ, lề đường hoặc được quảng cáo là có thể trị “bách bệnh” vì trên thực tế, không có loại thuốc nào có tác dụng “thần kỳ” có thể chữa tất cả các bệnh được.

Theo các chuyên gia, hiện nay, việc kiểm soát thị trường dược liệu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu, các ngành chức năng cần tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, các tiểu thương ở gần khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dược liệu và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đồng thời, cần tập trung phát triển các vùng sản xuất dược liệu trong nước, góp phần hạn chế các loại dược liệu không bảo đảm chất lượng nhập lậu từ nước ngoài.

Theo Giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.