Sự biến đổi khí hậu là nguyên nhân của các vụ cháy rừng hay thời tiết khắc nghiệt. Khi nhiệt độ tăng lên, các đợt nắng nóng gay gắt và thường xuyên hơn sẽ ảnh hưởng đến người cao tuổi và những người mắc các bệnh mãn tính tiềm ẩn như hen suyễn, khiến nguy cơ tử vong của những người này cao hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change đã sử dụng dữ liệu từ 732 địa điểm ở 43 quốc gia để tính toán số người chết do mức nhiệt cao hơn nhiệt độ lý tưởng cho sức khỏe con người theo từng địa điểm.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các điều kiện thời tiết trong quá khứ được mô phỏng theo các kịch bản theo xu hướng tự nhiên và không có khí thải do hoạt động của con người gây ra.
Các nhà nghiên cứu phát hiện 37% tổng số ca tử vong liên quan đến nắng nóng là do hoạt động của con người. Trong đó, những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh hơn của biến đổi khí hậu gây ra (trên 50%) là Tây Nam Á (Iran và Kuwait), Đông Nam Á (Philippines và Thái Lan), Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Theo giáo sư Antonio Gasparrini thuộc Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London - một tác giả của nghiên cứu, dữ liệu này cho thấy tác động sức khỏe của sự nóng lên toàn cầu ngay cả ở những giai đoạn tương đối sớm của những thay đổi tiềm ẩn trong khí hậu.
“Đây là một lời kêu gọi hành động để ngăn chặn hoặc cố gắng làm giảm bớt các tác động tiềm ẩn sẽ cao hơn nhiều trong tương lai. Chúng ta không cần phải đợi đến năm 2050 để chứng kiến sự gia tăng các trường hợp tử vong do nắng nóng.”
Ngoài tử vong, nhiệt độ cao còn gây ra các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch hoặc hô hấp. Những vấn đề này thường xuyên xảy ra sẽ làm gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Tử vong chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Tiến sĩ Clare Goodess - một thành viên nghiên cứu cấp cao từ trường khoa học môi trường tại Đại học East Anglia cho biết các kết luận của nghiên cứu vừa có tính khoa học vừa đáng báo động.
“Nghiên cứu này nhấn mạnh sự cấp thiết đối với hành động toàn cầu nhằm cắt giảm lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính. Điều quan trọng hơn bao giờ hết là các thỏa thuận có ý nghĩa từ Công ước Khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu Cop26 vào tháng 11.”
Vào năm 2020, mặc dù nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy giảm 7% do các hạn chế COVID-19, nhiệt độ toàn cầu vẫn cao hơn 1,2 độ C so với mức trước công nghiệp. Con số này gần với mục tiêu 1,5 độ C mà các quốc gia trên thế giới đặt ra. Chỉ cần vượt quá mức này thậm chí là chỉ nửa độ có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ hạn hán, lũ lụt, nắng nóng khắc nghiệt và đói nghèo cho hàng trăm triệu người.