Vào thời điểm đó, hai cực của Trái Đất sẽ trở thành những nơi đông dân cư nhất.
Theo bài báo đăng vào ngày 6/8 trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, tình trạng này được gọi là "Hothouse Earth", khi đó nhiệt độ toàn cầu sẽ nóng hơn 4-5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và mực nước biển dâng cao hơn 10-60 m so với hiện nay.
Trong đó, các nhà khoa học đã lập luận rằng khi Trái Đất đạt ngưỡng nhiệt giới hạn, một chuỗi sự kiện thời tiết cực đoan sẽ xảy ra và đẩy Trái Đất vào trạng thái nhà kính. Mặc dù không xác định được chính xác ngưỡng cực hạn là gì nhưng họ cho rằng ngưỡng thay đổi sẽ đến khi nhiệt độ trung bình Trái Đất cao hơn 2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Mức 2 độ C đóng một vai trò lớn trong Thỏa thuận Paris, mốc thỏa thuận năm 2016 có chữ ký của 179 quốc gia nhằm chống lại biến đổi khí hậu bằng cách giảm lượng khí thải. Theo đó, các nước đã đồng ý để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng lên quá 2 độ C (lý tưởng là dưới 1,5 độ C) so với khi chưa công nghiệp hoá.
Johan Rockström, giáo sư về hệ thống nước và bền vững toàn cầu tại Đại học Stockholm ở Thụy Điển cho biết: "Bài báo này đưa ra quan điểm khoa học rất mạnh mẽ... rằng chúng ta tuyệt đối không được để Trái Đất nóng lên thêm 2 độ C".
Thay đổi "nhịp điệu" của Trái Đất
Trong hàng triệu năm qua, Trái Đất luôn trải qua các kỷ băng hà với chu kỳ 100.000 năm một lần. Kỷ băng hà cuối cùng cách đây khoảng 12.000 năm trước và hiện hành tinh của chúng ta đang trong giai đoạn gọi là thế Holocen (Thế Toàn Tân). Trong chu kỳ này, Trái Đất có nhiều hệ thống tự nhiên để làm mát và duy trì mức nhiệt.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng do tác động to lớn của con người đối với khí hậu và môi trường, giai đoạn này phải là thế Anthropocen (Thế Nhân Sinh) mới đúng. Nếu lượng khí thải cacbon không suy giảm, Trái Đất sẽ rời xa thời kỳ băng hà và chuyển sang giai đoạn "Hothouse Earth".
Ngày nay, con người thải ra 40 tỷ tấn cacbon dioxit (CO2) mỗi năm từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch, khoảng một nửa lượng khí thải này được hấp thụ và được lưu giữ bởi các đại dương, cây cối và đất đai. Tuy nhiên, con người đang đi quá xa bằng việc cắt giảm quá nhiều cây, đất đai, lấy quá nhiều nước ngọt và thải quá nhiều khí CO2 vào khí quyển.
Các nhà khoa học lo sợ rằng nếu chúng ta đạt đến ngưỡng nhiệt độ nhất định, một số quy trình tự nhiên sẽ đảo ngược và hành tinh "sẽ tự đốt nóng". Điều đó có nghĩa là rừng, đất đai và nước sẽ giải phóng lượng khí cacbon mà chúng đang lưu trữ.
Rockström nói: "Mọi thứ đang tiến triển quá nhanh theo một hướng sai lầm, như bạn có thể tưởng tượng, hành tinh này sẽ trở thành một nguồn phát thải khí nhà kính".
Nhiều điểm bùng phát
Rockström và nhóm của ông kết luận rằng các yếu tố tự nhiên thường tác động lẫn nhau. Giống như hiệu ứng domino, khi một yếu tố thay đổi sẽ kéo theo nhiều hệ quả khác.
Thiên nhiên có cơ chế phản hồi, chẳng hạn như rừng nhiệt đới tự tạo ra độ ẩm và mưa để giữ cho hệ sinh thái ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, nếu rừng nhiệt đới hứng chịu sự nóng lên và nạn phá rừng ngày càng tăng, cơ chế đó sẽ dần trở nên suy yếu.
"Khi Trái Đất vượt qua điểm hạn, cơ chế phản hồi sẽ thay đổi hướng", Rockstrom nói. Khi đó, rừng nhiệt đới từ một "máy tạo ẩm" sẽ trở thành "máy tự sấy". Cuối cùng, nó biến thành xavan và giải phóng cacbon.
Điều này có thể trở thành một phần của chuỗi ảnh hưởng đến các quá trình khác trên thế giới, chẳng hạn như lưu thông đại dương và các sự kiện El Niño. Điểm bùng phát khác bao gồm tan băng vĩnh cửu, mất biển băng Bắc/Nam Cực và rạn san hô.
Lời kêu cứu toàn cầu
Mục tiêu lớn đầu tiên là cần phải dừng hoàn toàn việc thải cacbon vào năm 2050. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Để tránh xa những điểm bùng phát này, toàn bộ thế giới cần phải bắt tay thực hiện một dự án lớn chưa từng có.
Đó có thể là một thách thức vì các nước trên thế giới ngày càng phát triển theo chủ nghĩa dân tộc. Thay vì chú tâm vào các mục tiêu quốc gia nhỏ hẹp, thế giới nên tập trung để giảm lượng khí thải cacbon. Ví dụ, tạo ra các quỹ đầu tư hỗ trợ các quốc gia nghèo không có nhiều khả năng giảm thải cacbon giống các nước phát triển.