Khám mắt cho trẻ ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: T.Nguyên
Ai cũng từng bị tic mắt
Mỗi đợt làm việc với màn hình máy tính, điện thoại liên tục, chị Hoài Anh (30 tuổi, ở Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) đều có cảm giác mắt mỏi nhừ, lờ đờ. Gần đây, phần dưới mi trái của chị còn bị chứng giật liên tục, khiến chị nhiều khi phải nheo mắt lại, thậm chí nhắm mắt một lúc mới tìm được cảm giác mắt đỡ căng, thoải mái.
“Giật mí mắt thành quen, có hôm tôi còn cảm giác mắt ướt nhưng tôi nhờ người ngoài nhìn xem có “bất thường” không thì không ai phát hiện ra. Có hôm mỏi mắt quá, tôi chủ động nheo mắt để mắt đỡ căng. Cứ đợt nào căng thẳng là tôi lại bị giật mí mắt như vậy”, chị Hoài Anh nói.
Cách đây không lâu, trên trang cá nhân của tài khoản Y.P (ở Rạch Giá, Kiên Giang) chia sẻ sự việc cậu con trai 4 tuổi mắc phải hội chứng tic tạm thời, nghi do sử dụng điện thoại quá nhiều khiến các phụ huynh hoang mang, lo lắng. Chị Y.P cho biết, con chị rất hiếu động và nghịch ngợm.
Lúc trước, cứ mỗi lần bé nghịch, chị không giữ nổi, nên thường cho con xem phim hoạt hình trên điện thoại và chơi game. Bé chơi từ lúc 2 tuổi đến bây giờ. Gần đây, bé có những biểu hiện bất thường như nháy mắt liên tục, nhíu mũi thường xuyên, cơ mặt giật mỗi khi xem tivi hoặc điện thoại.
Lúc đầu chị Y.P cứ nghĩ con đùa dai nên la mắng, thậm chí đánh con vì sợ con thành thói quen xấu khó bỏ. Nhưng càng la mắng thì những biểu hiện đó của bé càng tồi tệ hơn. Lo lắng cho sức khỏe của con, chị đưa bé đi đến khám ở Chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM). Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận bé bị rối loạn tic tạm thời do thường xuyên bị căng thẳng từ việc xem điện thoại, tivi quá nhiều.
Theo BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương), nháy mắt (tic mắt) là những co thắt, có khi là những chuyển động tương đối nhẹ nhàng, không cố ý (vô thức) của mi trên hoặc mi dưới. Nó có thể xảy đến bất thình lình, kéo dài vài phút, hàng giờ có khi hàng ngày hoặc lâu hơn.
“Trong cơn nháy mắt, bệnh nhân có thể tự cảm thấy, còn người khác thì nhìn thấy mi mắt bạn bị giật, nhưng đa phần nó không đủ mạnh để người ngoài nhìn thấy khi họ nhìn đối diện vào mặt bạn”, BS Hoàng Cương nói.
Còn theo BS Nguyễn Quang Vinh (Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1), tic là một hội chứng rối loạn về thần kinh, chủ yếu xuất hiện ở phần cơ như cơ mặt, cơ thân, cơ phát âm. Do tic thường xuất hiện ở cơ mặt, đặc biệt là cơ quan mắt nên khi mắc hội chứng, mắt trẻ sẽ có biểu hiện nháy liên tục. Việc nháy mắt không làm giảm thị lực nhưng làm cơ bị mỏi và ảnh hưởng đến tầm nhìn.
“Ai trong đời cũng đã từng bị tic mắt, cũng trải nghiệm nó phiền toái như thế nào”, BS Hoàng Cương chia sẻ và cho biết, bản thân ông khi học, đọc căng thẳng cũng đã từng bị tíc mắt.
Làm gì để khắc phục?
Các bác sĩ cho biết, co giật mí mắt xảy ra không thể đoán trước, thường xảy ra ở mí trên. Trong dân gian, khi giật mí mắt nhiều người vẫn cho là “điềm lành/điềm gở”. Những biểu hiện này lặp lại trong vài ngày. Sau đó, có thể không gặp bất kỳ sự co giật nào khác trong nhiều tuần, thậm chí hàng tháng.
Theo BS Hoàng Cương, hầu hết tic mắt không gây hại gì và không gây ảnh hưởng đến thị lực. Tuy nhiên, nếu nó xuất phát từ bệnh lý thần kinh gây co cơ vòng mi như bệnh co rút mi, hay co cơ nửa mặt thì phức tạp hơn nhiều.
Khi đó các cơ mắt co mạnh hơn, kéo dài hơn gây cản trở việc nhìn. Các cơ khác ở vùng mặt cũng bị ảnh hưởng tương tự. Trong trường hợp hiếm, co thắt mí mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của rối loạn vận động kinh niên, đặc biệt nếu kèm theo co giật ở mặt hoặc các cử động không kiểm soát được.
Co giật mí mắt thường xảy ra không vì bất kỳ nguyên nhân nào cụ thể. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, tình trạng co giật có thể trở nên tồi tệ hơn do: Kích ứng mắt, mệt mỏi, thiếu ngủ, tác dụng phụ của thuốc, stress, sử dụng rượu, thuốc lá, hoặc caffeine.
Bạn cần đi khám bác sĩ nếu bị co giật mí mắt kéo dài cùng với bất kỳ triệu chứng nào sau đây: Mắt đỏ, sưng, hoặc có sự xuất hiện bất thường; mí mắt trên sụp xuống hay đóng hoàn toàn mỗi khi co giật; sự co giật bắt đầu ảnh hưởng đến các phần khác trên khuôn mặt.
BS Hoàng Cương nói: “Tôi giải quyết tình trạng tic mắt của mình bằng chườm nóng, massage và bấm huyệt, nhỏ nước mắt nhân tạo và nghỉ ngơi. Thực tế là các bệnh nhân của tôi nhiều người cũng thoát tic mắt bằng giải pháp tương tự”.
Tuy nhiên, đáng buồn là có những trường hợp không đơn giản như thế. Nếu tính trên quần thể thì tic mắt thường nhẹ nhàng, thoáng qua, không gây phiền toái gì lắm. Nhưng khi nó kéo dài bất thường, xuất hiện mau dần thì chúng ta cần những giải pháp tổng thể hoặc đi khám chuyên khoa Mắt, thần kinh, có khi là cả hai.
Lời khuyên của bác sĩ
- Xem lại vấn đề ngủ: Tic mắt thường xảy ra khi chúng ta quá mệt mỏi. Hãy ngủ một giấc thật đẫy và lấy lại sức lực.
- Tránh xa khỏi stress: Chịu áp lực của stress sẽ gây ra tic mắt. Nếu bạn loại bỏ được các nguyên nhân gây stress, giảm được stress, chúng ta có thể thoát khỏi tic mắt.
- Rời bỏ cà phê: Được coi là một chất kích thích, cà phê có thể gây ra co quắp mi. Hạn chế cà phê, thay bằng chè hay soda có thể làm giảm được nháy mắt.
- Làm ẩm mắt: Trong một vào trường hợp, mắt bị kích thích hay khô mắt sẽ dẫn tới tic mắt. Hãy đến gặp bác sĩ mắt và nói ra những phiền toái của bạn: Bạn bị nháy mắt, cảm giác có sạn trong mắt, những bất thường khác…