Giáo viên vùng lũ gác việc nhà, lo việc trường

GD&TĐ - Nhà ở là đống đổ nát, song các thầy, cô giáo ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vẫn tạm gác lại phía sau.

Xúc bùn, vệ sinh khuôn viên trường học. Ảnh: NTCC
Xúc bùn, vệ sinh khuôn viên trường học. Ảnh: NTCC

Họ ở lại trường nhiều ngày qua để khắc phục hậu quả thiên tai, những mong học trò của mình được đón năm học mới trong ngôi trường sạch, đẹp, an toàn!

Ký ức kinh hoàng

Còn nhớ, năm 2017, trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng xảy ra tại huyện Mù Cang Chải để lại cảnh hoang tàn, bộn bề và đau thương. Đến nay đã tròn 6 năm, người dân địa phương và thầy, cô giáo ở đây vẫn chưa kịp nguôi ngoai thì năm nay, họ lại đón nhận thêm trận lũ kinh hoàng chẳng kém.

Mưa to kéo dài, đêm ngày 5 và rạng sáng 6/8, huyện Mù Cang Chải lại xảy ra sạt lở, lũ quét tại khu vực các xã: Lao Chải, Khao Mang và Hồ Bốn. 17 ngôi nhà của giáo viên bị ảnh hưởng nặng nề (5 nhà bị đổ sập hoàn toàn); nhiều công trình, trường học bị thiệt hại...

“Tôi bàng hoàng vì sự việc xảy ra quá đột ngột. Lúc đó chỉ biết lo lắng cho các thầy cô, cơ sở vật chất của nhà trường bởi năm học đến gần”, thầy Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hồ Bốn giãi bày.

Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hồ Bốn bị thiệt hại nặng nề nhất. Tại đây, bùn nước tràn xuống các khối phòng học, nhà hành chính quản trị, phòng thiết bị, thư viện, khu nhà ở bán trú cho học sinh với độ cao khoảng 1m.

Cổng trường, nhà thư viện, nhà kho cũng bị đổ sập. Phòng Tin học với 25 bộ máy tính bên trong hư hỏng do bùn đất tràn vào. Khoảng 5 tấn xi măng và nhiều sắt thép đã tập kết phục vụ cho việc tu sửa bị lũ cuốn trôi.

Sau lũ, Ban giám hiệu và mấy chục giáo viên đều ăn, ở tại đơn vị để lo dọn dẹp đất đá. “Thầy cô ngày đêm lau trường, dọn lớp. Tất cả đều đoàn kết, động viên nhau cố gắng”, thầy Trường kể.

Còn tại Trường PTDTBT Tiểu học Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, sạt lở phần đất ta luy ở cổng trường và đổ tường rào dài hơn 20m, chiều rộng khoảng 3m, chiều cao 7m. Phía trước nhà ăn của học sinh bị sạt lở đất với chiều dài hơn 25m, rộng chừng 3m, cao 15m; phía sau nhà ăn sạt lở đất taluy khoảng hơn 20m3, làm hỏng bức tường vách nhà ăn, hỏng 50 bộ bàn ghế ăn học sinh...

Giáo viên dọn vệ sinh sau lũ. Ảnh: NTCC

Giáo viên dọn vệ sinh sau lũ. Ảnh: NTCC

Để trò kịp đón năm học mới

Thực hiện chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải đã quyết liệt vào cuộc sớm khắc phục hậu quả thiên tai.

Từ ngày 9 - 19/8, toàn huyện đã đóng góp khoảng hơn 2.000 ngày công lao động để vệ sinh trường lớp và dọn dẹp đất đá trong khuôn viên. Trong đó, riêng cán bộ giáo viên ngành Giáo dục đã đóng góp hơn 900 ngày công để hỗ trợ các trường bị thiệt hại. Huyện Mù Cang Chải quyết tâm mỗi ngày duy trì khoảng 70 - 120 người tham gia hỗ trợ cho đến khi đảm bảo cơ sở vật chất đón năm học mới.

“Chúng tôi huy động giáo viên từ những trường không chịu ảnh hưởng do thiên tai sang hỗ trợ trường gặp nạn. Mọi người đều sẵn sàng giúp đồng nghiệp mình với tinh thần đoàn kết cao nhất. Ngoài ngày công, chúng tôi kêu gọi, ủng hộ được hơn 128 triệu đồng hỗ trợ nhà trường và giáo viên bị thiệt hại. Ngoài ra, cũng kêu gọi hỗ trợ về vật chất quy ra tiền là trên 26 triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải nói.

Trong điều kiện suốt nhiều ngày dài không điện, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại... phải “ăn nhờ, ở đậu” khắp nơi, song các giáo viên ở đây vẫn đoàn kết một lòng để tu sửa trường lớp. Nhiều người chấp nhận bỏ lại ngôi nhà của mình là đống đổ nát, lên trường để lo việc chung. Có thể kể đến các thầy: Trần Quốc Ân - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hồ Bốn; Giàng A Chinh, Sùng A Cha...

Thầy Giàng A Che là 1 trong 4 giáo viên ở Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hồ Bốn bị mất nhà. Dù vậy, những ngày này, thầy Che luôn có mặt tại trường để cùng đồng nghiệp lo khắc phục hậu quả thiên tai.

“Vợ con và gia đình hiểu, chia sẻ nên hằng ngày tôi vẫn lên trường để cùng thầy cô lao động. Những lúc rảnh thì tranh thủ về lo việc nhà. Tôi cũng chuẩn bị dựng lại nhà mới, nói chung sẽ mất nhiều thời gian nên trước mắt đi ở nhờ. Năm học mới cũng đến rồi, chúng tôi phải sớm đảm bảo điều kiện để đón học sinh”, thầy Giàng A Che tâm sự.

Đến ngày 19/8, công tác khắc phục hậu quả do thiên tai tại các đơn vị trên địa bàn huyện Mù Cang Chải cơ bản đảm bảo. Phòng học, nhà ăn, phòng ở bán trú, sân trường… được dọn dẹp. Nhà thầu bắt đầu thi công làm mới phòng ở bán trú, tu sửa, cải tạo cơ sở vật chất để kịp cho công tác đón học sinh tựu trường và khai giảng năm học mới. Phòng GD&ĐT huyện cũng huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành tiếp tục hỗ trợ các đơn vị trường để khắc phục sạt lở.

“Rất thương thầy cô, đặc biệt là những giáo viên bị mất nhà, tài sản. Trường có 4 thầy cô bị mất nhà, 6 người còn lại thì lũ tràn vào cuốn trôi tài sản, gây hư hỏng nhà ở. Dù vậy, các thầy cô vẫn gác lại việc riêng, lên trường lo việc chung trước. Tất cả đều đoàn kết với quyết tâm phải có cơ sở vật chất tốt nhất để trò kịp vào năm học mới”, thầy Trường bộc bạch.

Theo thống kê, sau lũ, toàn bộ khu vực khuôn viên nhà trường bị ngập bùn, cát với chiều cao khoảng 1m trên sân trường và khu vực xung quanh. Lũ quét làm hư hỏng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học như: Phòng học, phòng ở bán trú, phòng Tin học, bàn ghế, giường ngủ học sinh, trang thiết bị nhà bếp, hệ thống đường điện, đường nước, công trình vệ sinh và các thiết bị khác. “Tất cả thầy cô đều nhiệt tình, làm hết mình, hết sức cố gắng dọn cho xong đất đá. Doanh nghiệp địa phương cũng huy động 4 máy xúc và nhiều ô tô tải đến để hỗ trợ nhà trường dọn được chừng 6.000m3 đất đá”, thầy Nguyễn Xuân Trường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.