Nơi tử thần gọi tên thầy cô

GD&TĐ - Nghe tiếng ầm ầm rất lạ, đoán có lũ về, thầy cô cứ thế bỏ nhà, mò mẫm luồn rừng trong đêm tối, tìm đến những mỏm đồi cao để giữ lấy mạng.

Trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn đã tan hoang sau cơn lũ. Ảnh: NVCC
Trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn đã tan hoang sau cơn lũ. Ảnh: NVCC

Cũng chẳng thể nào nhớ được cảm xúc lúc đó như thế nào nữa! - thầy Hồng đang ở tâm lũ Mù Cang Chải nói.

Bỏ của, tìm đường sống

3 ngày đã trôi qua, song nhiều giáo viên ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vẫn chưa hết bàng hoàng. Họ muốn quên đi khoảnh khắc “tử thần gọi tên”, đó là chập tối ngày 5/8.

Trưa 8/8, thầy Giàng A Hồng – giáo viên môn Khoa học tự nhiên Trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn, xã Hồ Bốn dường như là người duy nhất ở trong vùng lũ còn liên lạc được bằng điện thoại. Các thầy cô khác thì máy hoặc hết pin, hoặc mất sóng.

Vừa tranh thủ hỗ trợ đồng nghiệp, thầy Hồng hổn hển kể: “Nhà tôi ở xa trường nên hôm đó (5/8) tôi về rồi. Thấy đồng nghiệp kể lại, lúc đó khoảng 18 giờ 30 – 19 giờ, mọi người đang ăn tối thì nghe tiếng ầm ầm từ đâu dội về. Đoán là có lũ ống sắp tràn về, các gia đình bỏ bát đũa, cứ thế dắt nhau bỏ chạy”.

“Mất điện, trời tối như mực, mọi người chỉ biết lần mò trong đêm tối, luồn rừng để tìm đến các đỉnh núi cao. Ai gần chỗ nào thì leo lên chỗ đó để mong sao thoát nạn thôi! Sáng ngày hôm sau, thấy mưa ngớt thì mọi người trở về nhà, lúc đó mọi thứ đã bị san phẳng”, thầy Hồng kể tiếp.

17 căn nhà của giáo viên ở huyện Mù Cang Chải bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: NVCC

17 căn nhà của giáo viên ở huyện Mù Cang Chải bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: NVCC

Trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn nằm ở phía taluy âm của đường Quốc lộ 32. Nên sau nhiều ngày mưa, lượng đất đá khổng lồ tích tụ đã lâu từ phía đỉnh đồi cao bên taluy dương cứ thế đổ ụp xuống, tràn qua đường rồi san phẳng tất cả.

Ngôi nhà nhỏ nằm ven Quốc lộ của vợ chồng thầy giáo Trần Quốc Ân - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn cứ thế đổ sập, bùn đất tràn qua. Nhà của các thầy Giàng A Chinh, Sùng A Cha - giáo viên ở đây cũng thế. Họ bỗng chốc trở về tay trắng chỉ qua tích tắc.

Đất đá tràn ngập sân trường.

Đất đá tràn ngập sân trường.

“Các thầy cô đang phải ở nhờ tại các hộ lân cận. Thôi thì có gì ăn đó. Mọi người san sẻ cho nhau. Lũ về, có ai mong muốn đâu. Thầy cô, đồng nghiệp lại phải cưu mang, động viên nhau qua lúc khó khăn này. Chúng tôi vẫn chưa thể kết nối được với các thầy cô trong đó. Anh Thủy – Trưởng phòng của tôi đi vào tâm lũ để nắm tình hình, giúp đỡ thầy cô từ 5 giờ sáng hôm qua, đến nay vẫn chưa có thông tin gì báo ra. Gọi điện thì không liên lạc được!”, thầy Nguyễn Văn Tuấn – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải vội vã nói.

Lớp bùn đất dồn về Trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn.

Lớp bùn đất dồn về Trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn.

Đau xót...

“Chúng tôi rất đau xót khi nghe tin đồng nghiệp, học sinh của mình gặp nạn. Các thầy cô công tác ở nơi đó vốn khó khăn, vất vả rồi nay lại gặp thiên tai như vậy, một số thầy cô còn mất cả nhà, phương tiện đi lại.... Đau xót nhất là trường hợp cháu Cứ Thị Tố Uyên vừa mới tuyển sinh vào trường mầm non, do đất đá bất ngờ đổ sập vào nhà, cháu không thoát ra được nên đã tử vong”, bà Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái nghẹn ngào.

Theo bà Hương, ngay sau khi nhận được thông tin Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải báo cáo nhanh, nắm chắc tình hình, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại địa phương tham mưu cho UBND, Ban Chỉ đạo huyện có các giải pháp tích cực đồng hành cùng ngành Giáo dục giúp đỡ các nhà trường, gia đình thầy cô giáo, học sinh khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đồng thời thành lập tổ công tác trực tiếp nắm tình hình thực tế, thăm hỏi, động viên các gia đình giáo viên, học sinh bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua.

“Học sinh của chúng tôi ở huyện vùng cao Mù Cang Chải chủ yếu là con em người Mông, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhà xa trường, phải ở bán trú tại trường. Lũ ập đến, nhà kho, nhà ở bán trú của học sinh bị ngập lụt nên cơ bản trang thiết bị phục vụ bán trú đã bị cuốn trôi, hư hỏng.

Hiện nay, chúng tôi đang vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập, trang thiết bị để chuẩn bị bước vào năm học mới. Rất mong tiếp tục nhận được nhiều sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, giúp thầy và trò các trường chịu ảnh hưởng do thiên tai sớm khắc phục hậu quả”, bà Hương nói thêm.

Trong ngày 8/8, Báo GD&TĐ liên tục liên lạc với các thầy cô trong khu vực “rốn lũ” Hồ Bốn, tuy nhiên không thể kết nối được. Theo Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải, hiện nhiều thầy cô ở một số điểm bản lẻ của 2 trường mầm non và PTDTBT tiểu học Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải vẫn đang bị cô lập, chưa thể tiếp cận được.

“Lũ làm gãy đổ cột điện, cột phát sóng. Giờ nhiều nơi mất điện, mất cả sóng điện thoại nên không thể liên lạc được. Có lẽ vài ba ngày tới, chờ ngớt mưa, thông đường thì các đơn vị mới khắc phục được. Chúng tôi cũng có các đoàn cán bộ vào nắm bắt tình hình và động viên thầy cô. Họ vào 2 hôm nay rồi, song vẫn chưa có thông tin gì báo ra ngoài”, thầy Nguyễn Văn Tuấn nói.

Theo Sở GD&ĐT Yên Bái, tính đến chiều 8/8, tại huyện Mù Cang Chải có 17 gia đình giáo viên bị thiệt hại về tài sản, công trình (5 căn nhà bị sập hoàn toàn). Trong số đó, Trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn thiệt hại nặng nề nhất. Tại đây bùn nước tràn xuống các khối phòng học, khối hành chính quản trị, phòng thiết bị, thư viện, khu nhà ở bán trú cho học sinh với độ cao khoảng 1m. Cổng trường, 1 nhà thư viện, 1 nhà kho cũng bị đổ sập. Phòng tin học với 25 bộ máy tính bên trong nguy cơ hư hỏng do bùn đất tràn vào. Khoảng 5 tấn xi măng và nhiều sắt thép đã tập kết phục vụ cho việc tu sửa đã bị lũ cuốn trôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ