Giáo viên vùng khó sáng lên lớp, chiều đi tìm trò

GD&TĐ - Để có đủ cái ăn, cái mặc, những đứa trẻ ở vùng sâu, vùng xa huyện Kbang (Gia Lai) thường theo bố mẹ lên nương rẫy. Không muốn học trò quanh quẩn với đất, cát giáo viên thường xuyên vận động, chở các em ra lớp.

Giáo viên vào làng, lên tận nhà đầm để vận động học sinh ra lớp.
Giáo viên vào làng, lên tận nhà đầm để vận động học sinh ra lớp.

Tuy nhiên, nhiều em khi thấy thầy, cô thì bỏ chạy hoặc trèo lên ngọn cây trốn, khiến thầy cô phải tìm nhiều cách để gặp được học trò.

Học trò leo cây trốn giáo viên

Trời chiều dần tắt nắng, từng tốp giáo viên Trường Tiểu học Sơn Lang (xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai) tỏa vào các thôn làng để tìm trò, vận động các em ra lớp.

Cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Toàn trường có 19 cán bộ, giáo viên và nhân viên phụ trách 253 học sinh. Trong đó, có 133 học sinh dân tộc thiểu số Bana. Trước đây, trường có khoảng 100 học sinh ở lại bán trú. Tuy nhiên, đến năm 2020, khi xã đạt nông thôn mới, các em không còn được hưởng chế độ học sinh bán trú nữa. Do đó, các em về học tại 2 điểm trường ở làng Đăk Asên và Srắt, cách trường chính khoảng 8km. Nhưng khi về làng, học sinh thường xuyên nghỉ học và theo bố mẹ lên nương rẫy.

Giáo viên vào nhà vận động học sinh vào buổi tối, nhưng có nhiều em “ngại” đến trường.
Giáo viên vào nhà vận động học sinh vào buổi tối, nhưng có nhiều em “ngại” đến­ trường.

“Giáo viên trong trường thường xuyên lên nương rẫy, nhà đầm (chòi rẫy) để vận động và đưa các em ra lớp. Đường lên rẫy thì dốc cao, cách trường từ 5 - 15km nên chủ yếu giáo viên đi bộ để tuyên truyền vận động phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, có những lần đi vận động, học sinh thấy giáo viên thì bỏ chạy. Chính vì vậy, giáo viên phải trốn để chờ các em về nhà đầm rồi vận động, đưa học trò ra lớp”, cô Phượng tâm sự.

Từ ngày học sinh không còn chế độ hỗ trợ bán trú, công tác duy trì sĩ số của giáo viên vô cùng khó khăn. Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (giáo viên lớp 1) nói: Không bán trú tại trường nên từ sáng sớm các em đã theo bố mẹ lên nương rẫy. Có những em ở lại chòi rẫy, cách nhà gần 10km vài ngày mới về nhà. Để học sinh không bị thất học, chiều tối giáo viên lại cùng nhau vào làng hoặc lên nhà đầm để vận động, đưa các em ra lớp.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt Ánh luôn tận tình chỉ dạy học sinh.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt Ánh luôn tận tình chỉ dạy học sinh.

“Nhiều em chỉ cần nghe tiếng xe là biết giáo viên đến nên bỏ chạy hoặc trốn. Mặc cho giáo viên gọi hoặc ngồi đợi các em cũng không xuất hiện. Nhiều khi tôi và đồng nghiệp phải giả vờ đi về hoặc trốn vào bụi cây, khi học sinh thấy thầy cô khuất bóng mới về nhà. Lúc đó, mọi người quay ngược lên để trò chuyện, đưa trò ra lớp”, cô Nguyệt Ánh tâm sự.

Cũng theo cô Nguyệt Ánh, để phụ huynh đồng ý cho con em mình ra lớp, giáo viên thường xuyên mua nhu yếu phẩm vào tặng cho gia đình trong những lần vận động. “Các em đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, nhà học sinh khá xa trường nên nếu không thực hiện bán trú sẽ rất khó dạy chương trình mới vì không thể duy trì được sĩ số. Hơn nữa, việc học sinh đi lại 4 lượt/ngày cũng không bảo đảm sức khỏe để có thể tiếp thu kiến thức tốt nhất. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn giao thông, tai nạn thương tích có thể xảy ra trong quá trình các em đến trường, về nhà”, cô Nguyệt Ánh trăn trở.

Học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang còn nhiều khó khăn trên hành trình học con chữ.
Học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang còn nhiều khó khăn trên hành trình học con chữ.

Mong trò không… đứt bữa

Những ngày qua, cô Huỳnh Thị Bích Liên (giáo viên lớp 5, Trường Tiểu học Sơn Lang) luôn canh cánh nỗ lo học trò nghỉ, bỏ học vì mất chế độ bán trú.

Học sinh của cô Liên chủ yếu là người Bana. Nhiều gia đình vẫn còn đông con, có nhà lên tới 9 - 10 anh chị em. Do đó, kinh tế của người dân vô cùng khó khăn. Có những em mùa đông đến lớp với chiếc áo mỏng. Chính vì vậy, giáo viên phải chuẩn bị sẵn quần áo để phát cho học sinh. Bên cạnh đó, những ngày lạnh, giáo viên đốt thêm lửa bên ngoài lớp để sưởi ấm cho học trò.

Những căn nhà đầm (chòi rẫy) của người dân nằm chênh vênh trên các sườn đồi.
Những căn nhà đầm (chòi rẫy) của người dân nằm chênh vênh trên các sườn đồi.

Sau khi học sinh bị cắt các chế độ do xã đạt chuẩn nông thôn mới, phòng GD&ĐT đã kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ của dự án “Nuôi em” từ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Từ đó, 140 em học sinh ở làng Đăk Asên, Srắt và Hà Nừng nhận được hỗ trợ 17 nghìn đồng/em/ngày. Tuy nhiên, với khoản tiền này, nhà trường phải cân đối thức ăn và gạo để bảo đảm các em đều no bụng khi đến lớp.

“Mặc dù năm nay, nhà trường được dự án “Nuôi em” hỗ trợ, tuy nhiên, những năm học sau nếu nguồn kinh phí này không còn thì rất khó khăn trong việc duy trì sĩ số. Nhà trường đang khó khăn và thiếu nhất là gạo và chăn… cho học sinh. Do đó, chúng tôi mong muốn các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ học sinh vững bước đến trường”, cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch.

“Vào mùa đông, có những hôm thời tiết giảm xuống 8 - 9 độ C. Do đó, giáo viên thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ quần áo cho học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, những em nhà xa, gia đình không có điều kiện, giáo viên vào tận nhà chở học sinh đến trường. Có như vậy, các em mới chăm chỉ đến lớp và nâng cao được chất lượng giáo dục. Mỗi ngày đến lớp, tôi chỉ mong các em đi học đủ đầy, chất lượng giáo dục được nâng lên. Nhìn thấy học trò đủ khiến giáo viên thấy vui, hạnh phúc”, cô Huỳnh Thị Bích Liên - giáo viên lớp 5, Trường Tiểu học Sơn Lang (huyện Kbang, Gia Lai) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ