Duy trì sĩ số lớp học khi xã lên nông thôn mới: Thầy cô lặn lội đi tìm trò

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022, một số xã trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đạt chuẩn nông thôn mới.

Bữa cơm của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học thị trấn Măng Đen.
Bữa cơm của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học thị trấn Măng Đen.

Điều này vô tình khiến hàng trăm học sinh bị cắt chế độ, đối diện nguy cơ thất học do hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Mất chế độ, học sinh “ngại” đến lớp

Những năm qua, Nghị định 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn đã góp phần duy trì sĩ số học sinh đến lớp và giúp vơi bớt gánh nặng cho gia đình, nhà trường ở những khu vực vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, bước vào năm học 2021 - 2022, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), một số xã đạt chuẩn nông thôn mới nên nhiều học sinh không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ.

Thầy Trần Thanh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) cho biết: Trường có 136 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Theo đó, mỗi em được khoảng 596.000 đồng/tháng và 15kg gạo. Tuy nhiên, bước vào năm học 2021 - 2022 xã đạt chuẩn nông thôn mới nên tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu. Do đó, trong 255 học sinh toàn trường chỉ còn 11 em thuộc diện được hỗ trợ.

Theo thầy Thanh, học sinh của trường đa phần nhà xa, cách trường hơn 10km. Do đó, khi phụ huynh hay tin con em mình không còn được hưởng chế độ bán trú thì “ngại” cho ra lớp. Để đảm bảo công tác dạy và học, trước mắt nhà trường bố trí giáo viên di chuyển đến các điểm trường thôn để thuận tiện việc đi lại của học sinh; đồng thời duy trì tỉ lệ chuyên cần của lớp.

Học sinh bán trú của Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành.
Học sinh bán trú của Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành. 

Cũng theo thầy Thanh, việc giáo viên di chuyển đến từng điểm thôn khá khó khăn do đường sá xa xôi. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất cũng chưa đảm bảo. Có trường hợp giáo viên thể dục phải dạy tại mấy thôn nên khá vất vả. Riêng 27 học sinh ở xa, cách trường hơn 20km, nhà trường vẫn tổ chức bán trú cho các em.

Tương tự, ngay từ đầu năm, giáo viên Trường PTDTBT THCS Măng Cành đến từng thôn, làng để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho các em ra lớp học.

Theo thầy Hồ Quang Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2021 - 2022 toàn trường có 131 học sinh. Các em nơi đây đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số nên điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Những năm học trước khi xã còn là vùng khó khăn, nhiều em được hưởng chế độ bán trú, hỗ trợ SGK, học phí… Tuy nhiên, từ đầu năm nay, khi xã lên nông thôn mới, chế độ của học sinh không còn. Do đó, một số gia đình không muốn cho con em đến lớp.

Theo thầy Bình, học sinh của trường sinh sống rải rác ở các thôn, làng, nơi xa nhất cách trường hơn 20km. Do đó, nhà trường cũng tuyên truyền, kêu gọi sự chung tay của phụ huynh hỗ trợ gạo, rau củ để các em có thể ở lại bán trú. Tuy nhiên, năm học này chỉ có 70 em ở lại bán trú còn 33 em nhà xa vẫn đi về trong ngày. Ngoài ra, có khoảng 12 em thường xuyên vắng học, một phần do hoàn cảnh quá khó khăn.

“Trung tâm Tình nguyện Quốc gia - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí cho học sinh ở lại bán trú trong năm học 2021 - 2022. Do đó, nhà trường cũng bớt lo lắng phần nào. Tuy nhiên, để đảm bảo việc dạy học cho những năm tiếp theo, nhà trường tiếp tục kêu gọi nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ để học sinh vững bước đến trường”, thầy Bình nói.

Phụ huynh Trường PTDTBT Tiểu học thị trấn Măng Đen hỗ trợ rau, củ để thầy cô lo bữa ăn bán trú cho học sinh.
Phụ huynh Trường PTDTBT Tiểu học thị trấn Măng Đen hỗ trợ rau, củ để thầy cô lo bữa ăn bán trú cho học sinh.

Tiếp bước cho học trò đến trường

Từ đầu năm 2021 khi xã đạt nông thôn mới, gia đình anh A Nghị (thôn Đăk Ne, xã Măng Cành) vô cùng lo lắng về những khoản chi phí cho việc học của con.

Anh A Nghị có con đang học lớp 3. Những năm trước, gia đình anh không tốn tiền học phí, bảo hiểm và ăn ở bán trú cho con. Tuy nhiên, từ năm học này gia đình phải chủ động đóng góp nhiều khoản và mua SGK, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế cho con nên khá tốn kém.

“Mỗi tháng, gia đình đóng khoảng 200.000 đồng và 15kg gạo để thầy cô lo cho con ở lại bán trú. Đều đặn mỗi tuần cứ chiều thứ 6 mình ra trường đón con về nhà, sáng thứ 2 lại đưa con lên. Hoàn cảnh gia đình cũng không khá giả nên khi phải đóng nhiều khoản chi phí học hành cho con, mình cũng khá lo lắng”, anh A Nghị nói.

Thầy Đặng Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học thị trấn Măng Đen cho biết: Trước đây trường thuộc xã Đăk Long (xã vùng 3 đặc biệt khó khăn). Tuy nhiên, sau khi địa phương sáp nhập vào thị trấn Măng Đen thì lên đô thị loại 5. Theo đó, nhiều học sinh không còn được nhận chế độ bán trú.

Theo thầy Sơn, trường cách trung tâm thị trấn khoảng 10km. Bên cạnh đó, học sinh của trường sinh sống ở 5 thôn trên địa bàn thị trấn. Các thôn, làng nằm cách trường khoảng 10km, có nơi xa trường hơn 25km. Không những vậy, trường có tất cả 226 học sinh, nhưng có đến 225 em là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm học này toàn trường có 86 em ở lại bán trú nhưng chỉ có 21 em có chế độ. Do đó, ngay từ đầu năm nhiều phụ huynh không muốn cho con em mình đến lớp. Lo ngại các em bỏ học giữa chừng, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động phụ huynh đóng góp gạo, tiền, tùy theo điều kiện có của mỗi gia đình để tiếp bước các em đến trường. Ngoài ra, nhà trường cũng vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn hỗ trợ học sinh khó khăn.

“Để duy trì tỉ lệ chuyên cần, giáo viên trong trường thường xuyên vào tận nhà tuyên truyền, vận động. Trong những lần vận động, có những phụ huynh tâm sự rằng: “Muốn cho con đi học để biết con chữ lắm nhưng gia đình không có tiền giờ biết phải làm sao”. Nghe phụ huynh tâm sự ai nấy đều thấy thương vô cùng”, thầy Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học thị trấn Măng Đen tâm sự.

Theo Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông, năm học 2021 - 2022, địa phương có 920 học sinh của 9 trường tại 3 xã, gồm: Xã Măng Cành, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen bị cắt chế độ hỗ trợ bán trú.
Để đảm bảo công tác dạy học, địa phương đã kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ. Trung tâm Tình nguyện Quốc gia - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã đồng ý hỗ trợ kinh phí cho học sinh thuộc diện bán trú trên địa bàn huyện đến hết năm học 2021 - 2022. Theo đó, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ khoảng 17.000 đồng/ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.