Giáo viên vùng cao tích cực xóa bỏ khuôn mẫu giới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cuối tháng 7 vừa qua, gần 30 giáo viên huyện Mường Khương, Lào Cai đã cùng nhau tham gia khóa tập huấn về chủ đề nhạy cảm giới trong giảng dạy trước thềm năm học mới.

Liên tục trong hai ngày, các thầy, cô được trang bị những kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, và các kỹ năng tăng cường nhạy cảm giới trong công việc giảng dạy tại trường.

Đây là một trong những nỗ lực của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và các bên liên quan trong hành trình mang mô hình “trường học hạnh phúc” tới các vùng khó khăn trên cả nước.

Giáo dục bình đẳng giới trong nhà trường giúp tạo cơ hội cho nam, nữ học sinh được hưởng một nền giáo dục có chất lượng tốt nhất cho sự phát triển các phẩm chất, năng lực cá nhân, mà không bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào.

Mặt khác, giáo dục bình đẳng giới sẽ có tác động rất lớn đến phát triển nhân cách của học sinh, hình thành các quan điểm tiến bộ về giới ngay từ lứa tuổi tiểu học, tạo nền tảng cho hành động có trách nhiệm giới khi các em trưởng thành.

Thầy Đoàn Văn Chữ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Bản Lầu.

Thầy Đoàn Văn Chữ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Bản Lầu.

Bằng các trò chơi trải nghiệm, ví dụ như “Lựa chọn đôi dép vừa vặn” và “Dòng chảy lịch sử”... các thầy, cô đã phân biệt được một số khái niệm cơ bản về giới và bình đẳng giới. Các thầy, cô cũng cùng phân tích về những hậu quả có thể xảy đến khi nhầm lẫn các khái niệm này trong cả phạm vi gia đình, nhà trường, và cộng đồng.

Thông qua phương pháp sắm vai và tranh biện, các nhóm giáo viên đã chia sẻ những quan điểm khác nhau về những câu ca dao, tục ngữ xưa như “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”... từ đó, các thầy, cô đã hiểu rõ hơn về “định kiến giới” - nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ và “khuôn mẫu giới” - kỳ vọng/mong đợi của xã hội về vai trò, vị trí, khả năng, hành vi của nam và nữ.

Các thầy, cô tham gia thảo luận.

Các thầy, cô tham gia thảo luận.

Trong ngày thứ hai, những “người lái đò” tại Mường Khương đã trực tiếp phân tích các nội dung có nhạy cảm giới (ngọc) và định kiến/khuôn mẫu giới (sạn) trong sách giáo khoa, cũng như trong hoạt động giảng dạy để cùng đưa ra những giải pháp tích cực.

“Tôi sẽ đặt ra các câu hỏi liên hệ để các em học sinh nhận ra rằng ngày nay nam và nữ đều bình đẳng trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với mong muốn và khả năng của mình”.

“Tôi sẽ bổ sung thông tin về các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, các doanh nhân thành đạt là nữ để học sinh có thêm các góc nhìn toàn diện hơn”.

“Thay vì ấn định là công việc nào dành cho học sinh nam và công việc nào dành cho học sinh nữ, tôi sẽ khuyến khích các em học sinh cùng thảo luận và lựa chọn công việc phù hợp với sở thích và khả năng của các em”.

Đây là ví dụ về ba trong số rất nhiều giải pháp mà các thầy cô đã chia sẻ.

Giáo viên tham gia kịch ứng tác.

Giáo viên tham gia kịch ứng tác.

Liên quan đến phương pháp và kỹ năng tương tác với học sinh, các giáo viên được tìm hiểu và thực hành tổ chức các trò chơi trải nghiệm và các buổi kịch ứng tác. Các hoạt động này giúp học sinh dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ những kiến thức mới và rèn luyện khả năng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Cô Nguyễn Thị Kim Tân trình bày kế hoạch của ban giám hiệu nhà trường

Cô Nguyễn Thị Kim Tân trình bày kế hoạch của ban giám hiệu nhà trường

Áp dụng những kiến thức đã học, các giáo viên trực tiếp lên kế hoạch hành động theo 3 nhóm: Ban giám hiệu, các thầy, cô chủ nhiệm và các thầy, cô bộ môn chuyên biệt. Những kế hoạch tổng thể và chi tiết về việc lồng ghép nhạy cảm giới trong giảng dạy sẽ được thực hiện sát sao với kế hoạch giảng dạy trong năm học 2022-2023.

Đây là một bước đi mới của nhà trường để góp phần vì một xã hội công bằng, bình đẳng trong tương lai.

Chị Trần Hồng Điệp – Phó Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, giảng viên khóa tập huấn

Chị Trần Hồng Điệp – Phó Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, giảng viên khóa tập huấn

Tập huấn “Nhạy cảm giới trong giảng dạy” là hoạt động thuộc sáng kiến “Phá vỡ vòng tròn định kiến” của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) - 1 trong 4 sáng kiến nhận tài trợ của Mạng lưới tập huấn viên về giới khu vực châu Á năm 2022.

Với sáng kiến này, thông qua chuỗi hoạt động tập huấn, truyền thông và cuộc thi “Nhà báo măng non”, VSF mong muốn truyền cảm hứng và hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số và các thầy cô giáo trở thành những người tiên phong xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới.

Các thầy, cô cam kết hành động vì bình đẳng giới trong nhà trường.

Các thầy, cô cam kết hành động vì bình đẳng giới trong nhà trường.

Sáng kiến được triển khai tại trường tiểu học Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai trong năm 2022. Trường Bản Lầu đang là nơi mà VSF phối hợp với MSD và các đối tác triển khai dự án "Trường học Hạnh phúc".

Theo kế hoạch, hoạt động “Trại mùa thu” dành cho 40 em học sinh dân tộc thiểu số tại trường Tiểu học xã Bản Lầu sẽ được triển khai trong tháng 9 tới. Các thầy, cô là học viên của khóa tập huấn vừa rồi sẽ trực tiếp tham gia hỗ trợ hoạt động này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.