Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản gỡ khó về tăng lương cho giáo viên

GD&TĐ - Hàng trăm giáo viên Hà Nội lo mất cơ hội tăng lương, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà giáo.

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Mới đây, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội nộp đơn kiến nghị về quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến.

Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, Cục đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn các địa phương, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tốt nhất của giáo viên. Dự kiến đầu tuần tới sẽ phát hành văn bản này để các địa phương có cơ sở thực hiện và thầy, cô giáo yên tâm công tác.

TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

TS Vũ Minh Đức cho hay, theo dự thảo văn bản nói trên, những ai trước đây đã đủ tiêu chuẩn sẽ tiếp tục được giữ nguyên chuẩn. Quy trình ban hành văn bản phải trên cơ sở thống nhất ý kiến của Bộ Nội vụ quy định.

Cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành văn bản cũng bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật khác nên nhiều điều Bộ GD&ĐT mong muốn nhưng chưa thực hiện được, chẳng hạn lương, phụ cấp cho nhà giáo.

Đặc biệt, trong quá trình ban hành văn bản, có thể cơ quan quản lý không lường trước các tình huống xảy ra trong thực tiễn. Chẳng hạn, có thầy cô không được thi tuyển hoặc thi tuyển nhưng không đỗ… Khi phát hiện những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong thực tiễn, cần điều chỉnh ngay, đảm bảo phù hợp với khách quan và quyền lợi chính đáng của giáo viên.

Trước đó, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội kiến nghị quy định của Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến.

Có những giáo viên 28 năm làm nghề, chờ gần 9 năm để nhận lương bậc đại học vẫn "hụt" vì thiếu 2 tháng. Nếu chờ tiếp, có những giáo viên đến tuổi nghỉ hưu cũng không còn cơ hội tăng lương.

Trong đơn kiến nghị, các giáo viên cho biết, Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho giáo viên theo thông tư 08/2023/TT- BGDĐT và yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học từ năm 2014, đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ 30/8/2023.

Với quy định này, nhiều giáo viên đạt trên chuẩn trước khi bổ nhiệm xếp lương hạng III mới (tức có bằng đại học trước năm 2019 theo Luật Giáo dục) vẫn không đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Các giáo viên mong muốn Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, chỉ yêu cầu giáo viên có bằng đại học 1 năm tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng và có đủ 9 năm giữ hạng tương đương hạng III được nộp hồ sơ dự thăng hạng bổ sung trong đợt này.

“Với tinh thần cầu thị và mong muốn những gì tốt nhất cho giáo viên nên trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có tình huống phát sinh, chúng tôi sẽ tiếp thu và tiếp tục điều chỉnh để chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đây là việc hết sức bình thường” - TS Vũ Minh Đức bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh, việc điều chỉnh sẽ trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tối đa cho đội ngũ giáo viên nên mong giáo viên yên tâm công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.