Chưa đồng bộ giữa các địa phương
Mới đây (ngày 31/7), thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A đã đại diện hơn 2000 giáo viên các cấp tại Hà Nội gửi tâm thư đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đồng kính gửi Giám đốc các Sở (GD&ĐT, Nội vụ) về vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Theo đó, các thầy cô giáo mong muốn TP Hà Nội áp dụng xét duyệt thăng hạng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì hình thức tổ chức thi tuyển.
Thăng hạng chức danh nghề nghiệp là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của giáo viên. Nhưng việc thực hiện còn chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi đã gây ra nhiều bất công.
Thầy Nguyễn Văn Đường bày tỏ: “Tôi và các bạn cùng học một trường đại học, ra trường, mỗi bạn về một địa phương nơi mình sinh sống. Cùng một xuất phát điểm, bằng cấp như nhau, cống hiến như nhau...
Nhưng bạn tôi ở tỉnh khác được xét tuyển thăng hạng, được tăng lương, trong khi tôi ở Thủ đô phải thi và có thể trượt vì ngoại ngữ thế hệ 7x chúng tôi không thể học giỏi được và so sánh với thế hệ trẻ hơn, thì rõ ràng cuộc thi không công bằng”.
Bộ GD&ĐT quy định về vấn đề này tại thông tư 34/2021/TT-BGDĐT thuộc trách nhiệm của từng địa phương và việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp có thể được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét duyệt.
“Nhiều tỉnh thành khác như Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Bình Dương, Gia Lai… giáo viên được xét thăng hạng mà không phải qua thi tuyển. Ngay trên địa bàn Hà Nội, giáo viên ở nhiều trường, THCS từ mấy năm trước cũng đã được xét thăng hạng mà không phải thi…”, thầy giáo Nguyễn Văn Đường nói.
Còn thầy giáo Lê Đức Dương, Trường THPT Cao Bá Quát - Gia Lâm, cũng cho rằng nên bỏ thi và xét thăng hạng cho giáo viên.
“Việc phân hạng cao thấp cũng là bình thường, không thể đánh đồng tất cả, vì cũng có người giỏi, khá, trung bình... Tuy nhiên, làm thế nào thì lãnh đạo phải nghĩ, để cho giáo viên yên tâm công tác, tránh sự bất bình đẳng mà gây thêm áp lực cho thầy cô giáo.
Theo tôi, cần căn cứ vào những đóng góp của giáo viên với ngành giáo dục là tiêu chí quan trọng để xét thăng hạng. Không nên đặt nặng về bằng cấp (tất nhiên phải chuẩn với cấp học), cũng tránh được tình trạng bằng cấp làm đẹp hồ sơ nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua người giỏi thực sự. Thầy cô giáo giỏi thực sự không khó để tìm ra…”, thầy giáo Lê Đức Dương đưa ra quan điểm.
Giáo viên đề xuất gì?
Trong danh sách lên tới 2483 giáo viên và vẫn tiếp tục tăng, 100% đề xuất nguyện vọng được xét tuyển. Trong đó có giáo viên nhiều tuổi nhất sinh năm 1964 và chỉ còn 1 năm công tác.
Có 133 giáo viên không cung cấp đủ thông tin hợp lệ để xác nhận danh tính hoặc không đủ tuổi xét duyệt theo quy định. Có 2350 giáo viên đã cung cấp đủ, hợp lệ: họ tên, đơn vị công tác, ngày tháng năm sinh và số điện thoại. Lứa tuổi 7x và 8x chiếm đa số với 92,6% trên tổng số giáo viên hợp lệ, tỷ lệ tuổi 6x là 3,4% và 9x là 4%.
Giáo viên tại giờ học ngoại khóa (Ảnh minh họa). |
Hầu hết các thầy cô giáo đều nhận định: Việc tổ chức một kỳ thi cho hàng nghìn giáo viên trong thành phố tiêu tốn một nguồn kinh phí không nhỏ. Trong khi đó, công sức và thời gian giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi cũng không ít mà tính chất kì thi không thực sự công bằng, không xây dựng được giá trị cốt lõi gì đối với ngành giáo dục.
Với cùng thời gian, công sức, nguồn kinh phí ấy, nếu đầu tư cho việc trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và những dự án giáo dục khác sẽ phát huy giá trị nhiều hơn.
Cô giáo Ng. T Mai (quận Long Biên) bày tỏ, việc được Hội đồng trường xét duyệt đề cử thăng hạng là bằng chứng rõ ràng nhất đối với quá trình đóng góp của mỗi giáo viên.
“Một kỳ thi tuyển chọn lại, qua các môn Ngoại ngữ và Tin học có lẽ không phù hợp và không được công bằng giữa các nhóm tuổi giáo viên và khối trường.
Theo cá nhân tôi nghĩ, nếu Hà Nội không đủ nguồn lực để chi trả cho việc tăng lương từ việc thăng hạng giáo viên. Hà Nội có thể tính toán lại, xác định số lượng có thể đáp ứng và phân bổ theo đợt, theo năm về các trường, để hội đồng mỗi trường tự đánh giá và trao cho người xứng đáng nhất…”, nữ giáo viên bày tỏ.
Ngày 14/4, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, là một trong những văn bản tạo pháp lý để các địa phương trong cả nước tổ chức, thực hiện xét hoặc thi thăng hạng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức đang làm công tác giảng dạy ở các cấp học mầm non, phổ thông công lập. Thông tư này đã điều chỉnh những bất cập của thông tư cũ, tuy nhiên, muốn được đăng ký để xét thăng hạng II, giáo viên Tiểu học và THCS ngoài các yêu cầu khác thì cần đạt 2 điều kiện: Chức danh nghề nghiệp hạng III 9 năm và cần tốt nghiệp đại học 9 năm.
Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 quy định giáo viên THCS cần có trình độ đại học 1 năm. Trước Luật này, giáo viên cấp THCS chỉ cần trình độ cao đẳng; giáo viên cấp Tiểu học chỉ cần trình độ đào tạo Trung cấp.