Lên phương án dự phòng
Từ ngày 10/2, Trường ĐH Văn Lang triển khai dạy online cho SV các khóa. Theo ThS Đoàn Thị Kiều Oanh - Giảng viên Tiếng Anh (Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Văn Lang), chuẩn bị 1 buổi dạy online gần giống như những buổi học bình thường. Giáo viên phải soạn bài giảng, lên lịch các việc sẽ làm, nhưng phải nhiều hơn và luôn có phương án dự phòng cho mỗi hoạt động.
“Nếu dạy trực tiếp, trong những tình huống “cháy giáo án”, bạn có thể xoay xở nghĩ ra cách tương tác với học sinh nhưng online sẽ khá bị động, phụ thuộc nhiều vào kết nối mạng. Nếu một hoạt động diễn ra không suôn sẻ, SV thấy khó khăn để thực hiện, họ sẽ rời đi và không theo dõi lớp học nữa” - ThS Đoàn Thị Kiều Oanh chia sẻ.
Mặc dù triển khai chưa lâu, nhưng đối với ThS Kiều Oanh, việc dạy học online có một số thuận lợi. Đầu tiên là tiết kiệm thời gian di chuyển, GV có thể làm việc tại nhà, khám phá thêm nhiều công nghệ hiệu quả áp dụng vào giảng dạy. Đồng thời, bài giảng được ghi hình lại để SV vắng học có thể xem lại, vì vậy khá thuận tiện và linh hoạt giúp nâng cao khả năng tự học của SV.
Tuy nhiên, theo ThS Kiều Oanh, việc dạy online không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có đôi lúc lớp học phải ngưng lại vì chờ một số bị mất kết nối, khó biết SV có học nghiêm túc hay bật máy lên rồi ngủ. Giáo viên cũng không biết tâm trạng học trò ra sao để tiếp tục bài giảng. Tốc độ Internet mỗi nơi khác nhau nên có thể nhiều người nghe không kịp bài giảng. Khối lượng công việc của giảng viên cũng nhiều thêm như chấm bài, phản hồi bình luận, và trợ giúp về kĩ thuật cho SV...
“Dạy online thực hiện trên ứng dụng, vì vậy thường riêng tư do giảng viên tạo nhóm và chỉ những SV được thêm vào lớp mới có thể tham gia. Việc dạy học phụ thuộc khá nhiều vào đường truyền Internet, cho nên những hoạt động dự tính có thể sẽ không triển khai được đòi hỏi giảng viên chuẩn bị nhiều phương án dự trù, cần nhiều thời gian hơn” - ThS Đoàn Thị Kiều Oanh thông tin thêm.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc hạn chế SV lơ là, bỏ học online, ThS Kiều Oanh cho biết: Phải tập cho SV thói quen đúng giờ, lên lịch giờ dạy trước để nhắc nhở các em từ email. Đồng thời, lịch dạy sẽ được ghi chi tiết khung giờ kèm hoạt động, và những hoạt động đầu giờ thường là trò chơi có điểm cộng để thu hút các bạn tham gia.
ThS Kiều Oanh thông tin: “Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra tin nhắn và email SV để phản hồi, trợ giúp về mặt kĩ thuật. Bài tập cá nhân hay nhóm cũng cần được đánh giá, góp ý để các bạn có động lực làm tiếp. Trong buổi học cần làm nhiều hoạt động tương tác khác nhau, xen kẽ cách nhau khoảng 20 phút, bằng cách dùng thêm các ứng dụng online như Padlet, Nearpod, Pear Deck, Quizziz, hay của Google và Microsoft để kiểm tra việc các bạn có hiểu bài hay không, vì các ứng dụng thường trả kết quả điểm cũng như thời điểm, thời lượng làm bài, qua đó biết được mức độ tham gia của SV. Ngoài ra, có thể gọi tên SV trả lời bất ngờ hay bốc thăm ngẫu nhiên để các bạn luôn chú ý và theo dõi bài giảng”.
Phải đúng thời khóa biểu
Với TS Nguyễn Công Tráng (Giảng viên Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Tôn Đức Thắng), để chuẩn bị 1 buổi dạy online hoàn chỉnh, việc đầu tiên là gửi tài liệu tham khảo/bài giảng cho SV trên hệ thống E-learning của trường và thông báo ngày giờ học online cụ thể.
Theo TS Nguyễn Công Tráng, hầu hết môn học tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng giảng dạy online, do vậy phải theo đúng thời khóa biểu để không trùng với môn khác, SV mới có thể tham gia lớp đầy đủ được.
“Việc dạy học trực tuyến có khá nhiều thuận lợi, trước mắt là tránh tập trung trong mùa dịch. SV có thể xem lại nhiều lần nội dung giảng của GV qua video và chủ động trong việc học. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn hạn chế nhất định: Giảng viên mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị thật kỹ bài giảng; tương tác với trò thông qua mạng nên việc hướng dẫn, giải đáp cũng phần nào hạn chế. Việc tạo các hình huống kích thích sáng tạo cho các em cũng khó thực hiện hơn như trong lớp truyền thống…” - TS Nguyễn Công Tráng nhận định.
Dù tham gia giảng dạy trực tuyến nhưng TS Nguyễn Công Tráng vẫn gặp áp lực nhất định: Bài giảng được ghi lại để SV có thể xem lại nhiều lần nên giảng viên có đầu tư nhất định; Đưa ra câu hỏi kích thích sự tương tác của SV trong giờ dạy… đến việc tìm cách thu hút, ràng buộc các em thông qua việc kiểm tra, đánh giá, coi đây là điều kiện hoàn thành môn học. Đôi khi cũng có điểm danh, nhưng chủ yếu vẫn là kích thích sự tham gia tích cực của người học. Cho nên, dạy online đúng nghĩa, giảng viên vất vả hơn nhiều.
Am hiểu tin học
Trong thời gian SV tạm nghỉ học để phòng chống dịch, ThS Đặng Thi rất tích cực thực hiện bài giảng online tại Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai).
Theo ThS Đặng Thi, thực hiện một bài giảng online có nhiều điểm chung và khác biệt so với bài giảng thông thường. Cụ thể, cả hai có điểm chung là nội dung kiến thức và các yêu cầu về mục tiêu đạt được của bài giảng. “Một bài giảng online vẫn phải bảo đảm các nội dung kiến thức như bài giảng thông thường” - ThS Đặng Thi trao đổi.
Tuy nhiên, nói về sự khác biệt giữa giảng dạy online với giảng dạy thông thường, ThS Đặng Thi cho rằng: “Dạy online đòi hỏi người dạy phải tinh gọn bài giảng. Mỗi chủ đề thường được thực hiện bằng các clip ngắn từ 5 - 10 phút. Nếu dài quá, người xem dễ bị ngán và phân tán sự chú ý. Ngoài ra, đa số bài giảng online dùng video và các câu hỏi trắc nghiệm cũng như bài tập kèm theo, nên giáo viên phải quay các clip trước. LHU có sẵn trường quay hiện đại và đội ngũ cán bộ chuyên trách chuyên nghiệp, do đó, có thể nhờ bộ phận truyền thông của trường hỗ trợ, hoặc giảng viên tự thực hiện tại nhà hoặc tại phòng làm việc…”.
ThS Đặng Thi thông tin thêm: “Để có bài giảng tốt, giảng viên chịu khó đầu tư về mặt hình ảnh. Từ phong cách ăn mặc sao cho gọn gàng, sạch sẽ và phù hợp với môi trường giáo dục”.
Mặc dù toàn bộ giảng viên của trường đều được tập huấn kỹ lưỡng về các kỹ năng dạy học online nhưng theo ThS Đặng Thi vẫn có khó khăn: “Thỉnh thoảng có những vấn đề phát sinh nhưng mình không thể xử lý trực tiếp như lớp học truyền thống. Việc dạy online cũng phụ thuộc vào chất lượng Internet nên chỉ cần trục trặc về đường truyền là ảnh hưởng đến quá trình dạy và học. Do đó, GV cần am hiểu về tin học để có thể sử dụng hệ thống Moodle cũng như các phần mềm dạy học khác…”. Mặt khác, giảng viên sẽ đối diện áp lực khi kiểm tra bài và sự tham gia của SV vào các hoạt động học tập, trong khi điều này được thực hiện triệt để và đơn giản tại lớp truyền thống…
“Nhưng suy cho cùng, áp lực lớn nhất vẫn là trăn trở của giáo viên chân chính, khi họ luôn đòi hỏi bản thân lúc nào cũng phải truyền đạt thật tốt nội dung giảng dạy đến từng sinh viên” - ThS Đặng Thi bày tỏ. Có lẽ đây cũng là trăn trở chung của hầu hết giảng viên cả nước không chỉ trong mùa dịch Covid-19 mà cả hành trình dạy học xuyên suốt.
Được giao phụ trách môn Nghe tiếng Hàn 1, tôi lên kế hoạch thực hiện các bài giảng online qua các video ngắn (thời lượng khoảng 4 - 6 phút) bao gồm các nội dung đã học và một số kiến thức mới. Quá trình thực hiện các clip này thật sự không dễ như tôi từng nghĩ. Bài giảng online thời lượng ngắn nhưng nếu đủ sinh động vẫn có thể thu hút người xem. Tuy nhiên, nhược điểm của cách làm này là chất lượng âm thanh không tốt, còn lẫn tạp âm nếu dụng cụ thu âm không đủ chuẩn phòng thu. - ThS Phạm Thị Thùy Linh (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM)