Đọc kỹ đề bài
Thứ nhất, đọc kỹ đề thi từ 2 - 3 lần, gạch chân từ ngữ quan trọng nêu yêu cầu của đề. Lưu ý các câu hỏi phía sau đôi khi lại là gợi mở cho câu hỏi phía trước.
Thứ hai, trả lời câu ngắn gọn, không vòng vo, gạch đầu dòng cho từng câu trả lời.
Thứ ba, nắm chắc công thức làm bài nghị luận về 1 hiện tượng đời sống hoặc tư tưởng đạo lý.
Thứ tư, khi làm câu nghị luận xã hội nên chuẩn bị một số dẫn chứng có thể sử dụng được cho nhiều vấn đề.
Ví dụ: “Ê - đi - xơn từng lặp đi lặp lại hàng vạn lần thí nghiệm đến khi thành công”. Đây có thể là dẫn chứng cho sự nghị lực, kiên trì hoặc đam mê.
Thứ năm, khi làm câu nghị luận văn học cần xác định đúng yêu cầu của đề về nội dung và hình thức. Luôn ghi nhớ có phần liên hệ bản thân để tạo nét độc đáo cho bài viết.
Những sai sót có thể bị mất điểm
Cô Phạm Thị Thu Hà - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Khi làm phần nghị luận xã hội, phải chọn dẫn chứng hợp lý, thuyết phục. Bên cạnh đó, nhiều em quên không ghi lại những ngữ liệu đề bài cho. Các em cần nhớ: Không chỉ chép lại đề mà còn phải mở rộng và nâng cao vấn đề.
Ở phần nghị luận văn học, nhiều thí sinh không chú ý về dung lượng bài viết, không gạch chân và chú thích về yêu cầu đề bài, viết lan man và không bám sát vấn đề nghị luận. Đặc biệt, lỗi thường gặp là thí sinh hay sa vào kể lại nội dung trong khi viết văn nghị luận về tác phẩm truyện.
Thí sinh cần chú ý phân bổ thời gian hợp lý theo số điểm của từng câu. Nhiều em chưa biết cách chia thời gian dẫn đến việc không kịp soát lại bài và bỏ sót ý trong bài làm.
“Trong bất kỳ cuộc thi nào, các em đều phải giữ gìn sức khỏe nhất là sức khỏe tinh thần. Phải có tinh thần thoải mái mới có thể tỉnh táo làm bài tốt. Khoảng thời gian còn lại, các em hãy rà soát lại kiến thức theo sách giáo khoa, không được học tủ, học vẹt mà cần làm chủ kiến thức”, cô Hà gửi lời động viên tới học trò.