Thực nghiệm sách giáo khoa (SGK) là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình biên soạn sách. Thực hiện các công văn của Sở GD&ĐT Nam Định và Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu, Trường THCS Hải Lý đã tổ chức dạy thực nghiệm và lấy ý kiến góp ý bản mẫu tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Nam Định lớp 8, tiết dạy thực nghiệm.
Về dự có ông Vũ Hồng Sơn - chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu và các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy chương trình đổi mới Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 và 7.
Thông qua dạy thực nghiệm, cán bộ quản lý, giáo viên tham gia dự giờ tiến hành thảo luận, trao đổi về sự phù hợp của nội dung, ngữ liệu, cũng như hình thức trình bày, cách tiếp cận tài liệu. Từ đó, thầy cô đề xuất hướng điều chỉnh bản thảo tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Nam Định phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn địa phương.
Cô Trần Thị Minh Trang thực nghiệm tiết dạy “Giao thông vận tải, thương mại và du lịch”. |
Tiết dạy thử nghiệm bài 3 “Giao thông vận tải, thương mại và du lịch” do cô giáo Trần Thị Minh Trang được thực hiện tại lớp 8A ở cả 2 Trường THCS Hải Lý (ngày 27/2) và THCS thị trấn Cồn (ngày 24/2). Trong quá trình dạy thử nghiệm, giáo viên được vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.
Các em học sinh ở cả 2 trường được tiếp cận với nội dung mới thực tiễn của địa phương tỉnh Nam Định nên có cơ hội được khuyến khích tích cực, chủ động sáng tạo và phát huy tiềm năng của mỗi em. Trước các vấn đề của quê hương, gần gũi với cuộc sống, các em mạnh dạn đưa ra các quan điểm và sự hiểu biết của mình.
Thông qua giảng dạy thực nghiệm tài liệu Giáo dục địa phương, nhà trường chủ động các hoạt động tích hợp, trải nghiệm, giúp cho nội dung này trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh. Sau bài học, các em có thêm những hiểu biết về vai trò của ngành Giao thông vận tải hay hoạt động trao đổi, buôn bán hàng hóa trên mảnh đất quê hương cùng những vẻ đẹp về thiên nhiên và con người tỉnh Nam Định. Từ đó, giáo dục các em truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn và niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Bên cạnh đó, Trường THCS Hải Lý cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh thăm quan trải nghiệm các khu di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương. Từ trải nghiệm, kiến thức thực tế, giáo viên lồng ghép giảng dạy vào môn học Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục địa phương... nhằm tạo hứng thú cho học sinh.
Cô Trần Thị Minh Trang cùng học sinh tìm hiểu nguyên lý của cây đèn biển hướng dẫn tàu du lịch. |
Cô Phạm Thị Hiên - Tổ phó tổ chuyên môn Khoa học xã hội Trường THCS Hải Lý cho rằng: “Theo đánh giá của giáo viên dạy thực nghiệm, việc tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào một số môn học cơ bản thuận lợi, dễ dàng và hợp lý. Việc tích hợp làm cho tiết dạy sinh động hơn, giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương. Từ đó các em dần phát triển phẩm chất và năng lực bản thân đúng định hướng mục tiêu Chương trình GDPT 2018”.
Phát huy tính chủ động của thầy và trò
Trường THCS Hải Lý là một trong những trường tại huyện Hải Hậu được lựa chọn tiến hành dạy thực nghiệm SGK lớp 8 theo Chương trình GDPT 2018. Nhà trường được tiếp nhận sách giáo khoa của học sinh bản mẫu theo nguyên bản như sách thật, mỗi học sinh tham gia tiết học thực nghiệm đó được phát một bản in. Các thầy cô dạy bài thực nghiệm sẽ được nhận bản mẫu sách giáo khoa.
Khi áp dụng phương pháp giảng dạy mới sẽ phát huy tính chủ động cho cả thầy và trò. |
Về quy trình thực hiện, sau khi được phân công của Ban giám hiệu, thầy cô sẽ tiếp cận các bản thảo mẫu đó, nghiên cứu triển khai bài học như một tiết dạy thông thường. Tức là, giáo viên hiểu thế nào về nội dung trong sách sẽ tiến hành dạy đúng như vậy để có thể đánh giá các mức độ đáp ứng, từ sự cụ thể hóa chương trình đến sự phù hợp về đổi mới phương pháp, cách tổ chức hoạt động của thầy và trò.
Cô giáo Trần Thị Minh Trang là giáo viên trực tiếp dạy bài thực nghiệm giáo dục địa phương chia sẻ: “Trong quá trình được dạy thử nghiệm trên tài liệu đã biên soạn giúp mỗi giáo viên chúng tôi có đánh giá khách quan, chính xác và được áp dụng ở nhiều đối tượng học sinh khác nhau xem nội dung tài liệu có phù hợp với các em không. Mỗi bài học được dạy thực nghiệm ít nhất 2 lần, sau lần dạy thực nghiệm thứ nhất, tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bài học trước khi tổ chức dạy thực nghiệm lần thứ hai”.
Sau khi tổ chức dạy thực nghiệm, các thầy cô giáo ở các trường THCS thị trấn Cồn, THCS Hải Xuân và THCS Hải Tân đã có những ý kiến góp ý rất hữu ích cho bản mẫu tài liệu giáo dục địa phương. Qua đó có cơ sở thực tiễn, đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học Giáo dục địa phương trong tỉnh Nam Định.