Nam Định đẩy nhanh tiến trình 'số hóa' các trường học

GD&TĐ - Sau thành công của mô hình thí điểm, ngành Giáo dục TP Nam Định sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến trình "số hóa" tất cả các trường học trên địa bàn.

Một giờ Tin học của các em học sinh Trường Tiểu học Trần Nhân Tông - TP Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.
Một giờ Tin học của các em học sinh Trường Tiểu học Trần Nhân Tông - TP Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.

Theo ông Nguyễn Thế Lâm - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Nam Định, trong năm 2022, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông đã được Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Nam Định, UBND TP Nam Định và VNPT Nam Định chọn làm đơn vị triển khai thí điểm chuyển đổi số trường học đầu tiên của tỉnh Nam Định.

Trong khoảng 6 tháng, VNPT Nam Định đã triển khai Bộ giải pháp xây dựng mô hình “trường học thông minh” với hơn 20 nội dung công việc, từ phần cứng đến phần mềm ứng dụng vào tất cả hoạt động quản lý của nhà trường, giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.

Cô Hoàng Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (TP Nam Định). Ảnh: Đình Tuệ.

Cô Hoàng Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (TP Nam Định). Ảnh: Đình Tuệ.

Cô Hoàng Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (TP Nam Định) cho biết, cơ sở dữ liệu của trường đã được chuẩn hóa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ với cơ quan quản lý và các trường học khác cũng như triển khai các dịch vụ mới. Các hoạt động chính khóa cũng như ngoại khóa của trường được chia sẻ, tương tác, liên thông trên môi trường điện tử.

Trong đó, ứng dụng di động (App Mobi) của cha mẹ học sinh được nâng cấp và triển khai cài đặt trên thiết bị di động cho 100% phụ huynh của trường. Ứng dụng cũng tích hợp đầy đủ các tính năng giúp phụ huynh quản lý, theo dõi toàn diện tất cả hoạt động của con em mình ở trường như: Điểm danh thông minh, quản lý dinh dưỡng, học bạ điện tử, hồ sơ, lý lịch, kết quả học tập, lịch học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa…


Ông Nguyễn Thế Lâm cũng cho rằng, kết quả thí điểm mô hình chuyển đổi số tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông được hội đồng chuyên môn đánh giá đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo đột phá trong đổi mới một số hoạt động quản lý nhà trường, hoạt động dạy và học; tác động tích cực tới phương thức hoạt động, chất lượng trong giáo dục. Quá trình chuyển đổi số tại trường đã lấy người học và giáo viên làm trung tâm; đặt lợi ích của học sinh, phụ huynh, nhà giáo là thước đo đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số.

Trên cơ sở kết quả thí điểm, hội đồng chuyên môn của Phòng GD&ĐT TP Nam Định đã chọn 8 nội dung để xác định là tiêu chí tối thiểu để triển khai chuyển đổi số tại các nhà trường trên địa bàn. Trong đó triển khai phần mềm quản lý nhà trường; sổ liên lạc điện tử thông qua ứng dụng di động; điểm danh thông minh; học bạ điện tử; hồ sơ giáo dục điện tử; phần mềm quản lý giáo án điện tử; phần mềm Quản lý thư viện; phần mềm Kiểm định chất lượng giáo dục vnEdu-QoE...

“Chúng tôi đã thống nhất đề xuất với Ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh, lãnh đạo UBND thành phố triển khai chuyển đổi số toàn diện tại 100% các trường Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn ngay trong học kỳ 2 năm học 2022-2023. Trong tháng 3 tới, Phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc sẽ cùng với VNPT Nam Định triển khai các công việc cụ thể" - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Nam Định Nguyễn Thế Lâm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ