Nữ giáo viên "biến" phế liệu thành đồ dùng học tập
Cô Mai chia sẻ, mong muốn học sinh hứng thú hơn với môn Vật lý và khơi nguồn sáng tạo trong các em chính là động lực cho những tìm tòi, chế tác đồ dùng học tập của cô. Vì vậy, sau mỗi bài học hoặc mỗi chương cô Mai đều cho học sinh tự chế tạo các sản phẩm ứng dụng dựa trên lý thuyết đã học.
Dưới sự hướng dẫn của cô, nhiều sản phẩm đặc sắc của học sinh như: kính tiềm vọng, ròng rọc vận chuyển nước từ tầng 2 lên tầng 3 của trường; nhạc cụ cùng các buổi biểu diễn âm nhạc; sản phẩm trong dự án tác dụng của dòng điện... đã được hoàn thiện.
Theo cô Mai, sản phẩm kính tiềm vọng được các em chế tạo sau phần Quang học. Với kính tiềm vọng, học sinh có thể dùng để quan sát mục tiêu trên cao từ một vị trí thấp hơn như: từ lớp học quan sát lên nhà cao tầng. Nguyên liệu sử dụng rất đơn giản là bìa các-tông, hộp rượu, ống nhựa cứng, 2 miếng gương nhỏ, súng bắn keo. Tổng chi phí chỉ rơi vào khoảng 30.000 - 40.000 đồng.
Hay với dự án Vật lý âm nhạc sau chương Âm học, học sinh đã chế tạo ra các loại nhạc cụ chỉ từ những nguyên liệu đã qua sử dụng như: bìa các-tông, chai lọ, ống nhôm... Điều đặc biệt ở dự án này là các em không chỉ chế tạo ra một nhạc cụ mà cả nhóm còn phải sử dụng nhạc cụ đã chế tạo để chơi một bản nhạc hoặc một đoạn nhạc nào đó.
“Cái khó ló cái khôn”, cô Mai khuyến khích học sinh tự tìm nguyên vật liệu sẵn có trong gia đình, thậm chí là đồ phế liệu.
“Tiêu chí chi phí thấp nhất nhưng vẫn phải đảm bảo tính ứng dụng trong những sáng chế luôn được cô Mai đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tất cả thứ gọi là phế liệu như: chai lọ, bìa các tông, cốc, giấy, gỗ... đều có thể trở thành nguyên liệu. Sản phẩm tốn nhất hết không quá 100.000 đồng. Như thế các con không chỉ có cơ hội sáng tạo mà qua đó còn dạy học sinh biết tiết kiệm, bảo vệ môi trường”, cô Mai chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Mai chụp ảnh với các học sinh của trường. |
Bản thân cô cũng tự tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo và cải tiến nhiều bộ đồ dùng dạy học nhằm tăng hứng thú cho học sinh như: hệ thống phối hợp các máy cơ đơn giản, bộ thí nghiệm nghiên cứu Lực điện từ, bộ thí nghiệm chưng cất nước... Đặc biệt ở chỗ, nguyên liệu cho các sản phẩm này cũng là "vốn tự có" như: mắc áo, gỗ thừa, chai lọ, ống nhôm, bếp ga mini...
Hệ thống phối hợp các máy cơ đơn giản khi dạy chủ đề Máy cơ đơn giản ban đầu rất thô sơ. Nguyên liệu chế tạo từ mắc áo; lõi băng dính và gỗ thừa. Sau đó, cô Mai đã nghiên cứu, gia công và cải tiến trở thành bộ thí nghiệm bền đẹp để khai thác vào dạy học.
Nữ giáo viên chia sẻ, khi tiến hành đưa vào dạy học, cô không lắp sẵn thành một hệ thống máy hoàn chỉnh mà tách rời ra từng chi tiết và yêu cầu các nhóm tự lắp thành máy cơ đơn giản. Tiếp đó, từng nhóm tập hợp lại với nhau thành một hệ thống kết hợp giữa máy cơ mặt phẳng nghiêng và đòn bẩy để tạo ra lực. Từ mô hình đơn giản này, học sinh sẽ áp dụng thực tế và nhận biết được các máy móc không bao giờ vận hành đơn lẻ.
Với bộ dụng cụ chưng cất nước, nguyên liệu đơn giản chỉ là ống nhôm cùng một số chi tiết nhỏ mua từ hàng phế liệu, bếp ga mini mua trong siêu thị với giá 40.000 đồng nhưng đã giúp học sinh làm thí nghiệm và hiểu nguyên lý của việc chưng cất nước như thế nào. Từ đó, học sinh sẽ liên hệ thực tế để biết khi nước bị ô nhiễm, nước bị ngập mặn thì phải làm gì để tạo ra nước ngọt.
Hay với Bộ lực điện từ, cô Mai chia sẻ, bộ dụng cụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ giúp học sinh hình dung sự thay đổi của lực từ khi đường sức và dòng điện vuông góc nên cô đã nghiên cứu và cải tiến bộ dụng cụ này.
Nguyên liệu vẫn là tận dụng tối đa các đồ có sẵn trong phòng thí nghiệm của nhà trường, nam châm xin của các thầy tại trường Đại học Sư Phạm và bộ giá đỡ nhờ hàng mộc gia công giúp. Bộ dụng cụ mới do cô Mai cải tiến có khả năng thay đổi được phương của đường sức. Do đó, học sinh sẽ dễ dàng hình dung sự thay đổi của lực từ giảm dần từ khi đường sức và dòng điện vuông góc cho tới khi song song.
“Tôi cảm thấy cô trò như gần gũi nhau hơn, vui hơn bởi các con đã có ý thức quan sát và nảy ra ý tưởng sáng tạo mọi lúc, mọi nơi và từ những nguyên liệu sẵn có trong gia đình. Nhiều khi đang ở nhà học sinh gọi điện cho cô chỉ để thông báo, nhà con có cánh quạt hỏng không dùng tới, mai con mang cho cô nhé. Niềm vui của người làm nghề giáo nhiều khi đơn giản lắm”, cô Mai vui vẻ kể lại.
Người giữ lửa đam mê, truyền cảm hứng
Tâm đắc với các phương pháp dạy học theo trạm, phương pháp đóng vai và phương pháp dạy học theo dự án nhưng cô Mai gặp khó khăn khi áp dụng.
Theo nữ giáo viên, phương pháp học tập theo trạm gây ra nhiều khó khăn, từ cách đánh giá cho tới trợ giúp học sinh. Nếu xây dựng không khéo thì không khác gì học nhóm, các em đơn thuần chỉ học hết ở nhóm này lại học sang nhóm khác.
“Đôi khi vô tư trao đi để nhận lại những giá trị tinh thần còn quý giá hơn cả vật chất”, cô Mai nói. |
Sau thời gian tự nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau, phương pháp học tập theo trạm đã được cô Mai hoàn thiện và áp dụng vào trong các tiết học Vật lý. Phương pháp học tập theo trạm được xây dựng trên cơ sở các nội dung độc lập. Học sinh nghiên cứu lần lượt các trạm theo kế hoạch đã đề ra. Giáo viên sẽ xây dựng một hệ thống phiếu trợ giúp theo mức độ từ dễ đến khó để học sinh có thể sử dụng nếu gặp khó khăn. Các con sẽ tự cân nhắc việc sử dụng mức độ trợ giúp và cô sẽ là người đánh giá cuối cùng sau khi tất cả các trạm hoàn thành.
Phương pháp dạy học theo dự án hay phương pháp đóng vai cũng được cô Mai tích cực hoàn thiện và áp dụng xen kẽ, linh hoạt tùy độ phù hợp với bài học. Tạo ra sân chơi cho học sinh thông qua các hoạt động chế tạo, khám phá, cô Mai đã đưa những giờ học Vật lý tưởng chừng phức tạp trở nên hấp dẫn, lý thú đối với học sinh.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, cô Mai cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ dự án và đồ dùng học tập tự chế cho chương trình Vật lý lớp 6, 7 đã hoàn thiện. Vì vậy, cô sẽ cố gắng có dự án và bộ đồ dụng cụ học tập tự chế trọn vẹn cho chương trình Vật lý lớp 8 để tạo đam mê, hứng thú học tập cho học sinh.
“Các con có đam mê là quý rồi nhưng làm thế nào để tạo cảm hứng, truyền cảm hứng và giữ lửa đam mê, hứng thú thường trực để các con biết đặt mục tiêu, cố gắng phấn đấu là cả vấn đề. Đó là việc mà giáo viên chúng tôi cần làm”, cô Mai cho biết.
Đam mê, nhiệt huyết, cái tâm với nghề đã cho cô Mai động lực để phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường đi tìm cái mới, mang lại những gì tốt đẹp nhất cho học trò của mình. Sự nỗ lực miệt mài ấy của cô giáo đã được ghi nhận tại Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.
Cô Nguyễn Thị Mai trình bày các sáng kiến tại Hội đồng xét giải |
Với phần trình bày và câu trả lời ấn tượng, cô Mai nhận được sự đánh giá cao từ Hội đồng chuyên môn. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Đào tạo Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn, thành viên Hội đồng giải thưởng, nhận định: “Các sáng kiến tự chế đồ dùng học tập của thầy cô giáo như cô Mai rất đáng quý. Cách làm này giúp kích thích sự tò mò, sáng tạo, khơi dậy tiềm năng của học sinh mọi lúc, mọi nơi. Là đơn vị tài trợ và đồng tổ chức giải thưởng này, Họcmai.vn vui mừng với những sáng tạo độc đáo của các giáo viên”.
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng dành lời tâm đắc đối với các sản phẩm của cô Mai khi khẳng định “chắc chắn cho điểm tuyệt đối với những sáng tạo đầy tâm huyết này”.
Được hỏi về quan điểm sống cũng như động lực sáng tạo của bản thân, cô Mai nói: “Kinh nghiệm để sáng tạo thì tôi không có. Với tôi, sáng tạo xuất hiện từ thực tế giảng dạy, từ nhu cầu mong muốn học sinh được tiếp thu kiến thức dễ dàng nhất. Khó khăn, trăn trở vì mưu sinh, cơm áo gạo tiền ai cũng có nhưng thiết nghĩ, đôi khi vô tư trao đi để nhận lại những giá trị tinh thần còn quý giá hơn cả vật chất”.