Giáo viên miền núi mơ về nơi… an cư

GD&TĐ - Giáo viên tại ngôi trường ở Hà Tĩnh mong ngóng có một nơi “an cư” để yên tâm dạy học...

Gia đình thầy giáo Nguyễn Song Toàn chen nhau trong căn phòng 18m2.
Gia đình thầy giáo Nguyễn Song Toàn chen nhau trong căn phòng 18m2.

Khi học sinh háo hức trong những lớp học kiên cố, thơm mùi sơn mới thì cán bộ, giáo viên công tác tại Trường THCS Kỳ Thượng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn mong ngóng có một nơi “an cư” để yên tâm dạy học.

5 người trong căn phòng 18m2

Trường THCS Kỳ Thượng có nhiều thầy, cô giáo bền bỉ gắn bó với nghề, cho dù điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Chỗ ăn, nghỉ tạm bợ, đặc biệt là thiếu nhà ở công vụ.

Chật chội và ẩm thấp, mùa mưa thấm dột, mùa Hè như phòng “xông hơi” là thực trạng chung của các dãy nhà nội trú của trường. Có tận mắt chứng kiến cuộc sống hằng ngày cũng như sinh hoạt của các thầy cô mới thấu sự vất vả của những người “gieo hạt” tại miền sơn cước.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), thầy Nguyễn Song Toàn (giáo viên dạy Mỹ thuật) có 17 năm công tác tại Trường THCS Kỳ Thượng. Căn phòng chưa đầy 18m2 là tổ ấm 5 thành viên trong gia đình. Đây cũng là gia đình có số lượng thành viên đông nhất khu nội trú.

“Phòng nhỏ nên gia đình tôi gặp bất tiện đủ đường, từ chỗ ăn, ngủ nghỉ đến cả học tập của con cái. Buổi tối, cả gia đình phải nằm quay ngang, chân thừa chân thiếu mới đủ. Giờ con lớn nên chiếc giường cũng không chứa nổi 5 người. Chồng tôi phải trải chiếu nằm dưới đất, nhưng phòng ẩm nên người luôn nhức mỏi. Trong khi đó, muốn kê thêm giường lại không đủ diện tích”, chị Nguyễn Thị Thảo – vợ thầy Toàn chia sẻ.

Tuy thế, vợ chồng thầy Toàn vẫn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khi được ở dãy nội trú xây dựng kiên cố, phòng trang bị thêm khu công trình vệ sinh và nhà bếp. Phần lớn các phòng nội trú tại đây đều phải dùng chung nhà vệ sinh hoặc của trường cách đó khoảng 200m.

Mỗi mùa mưa, các giáo viên phải tìm xô chậu để hứng nước.

Mỗi mùa mưa, các giáo viên phải tìm xô chậu để hứng nước.

Theo chia sẻ của các thầy, cô, người có thâm niên bám trụ lâu nhất tại trường là 21 năm. Do mỗi người đến từ huyện khác nhau, đi lại xa xôi nên họ phải ở nội trú tại trường để tiện cho việc dạy học. Mỗi phòng thường có 2 - 4 người. Mọi việc ăn ở, nấu ăn, sinh hoạt đều gói gọn trong căn phòng.

Cô Lê Thị Thanh Hiền (SN 1996, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là giáo viên trẻ tuổi nhất khu nội trú. Vừa ra trường, cô được phân công về dạy học tại đây. 4 năm nay, chồng đi làm ăn xa, cô Hiền phải đưa cậu con trai 3 tuổi lên ở khu nội trú để thuận tiện việc chăm con và dạy học.

Phòng của 2 mẹ con nằm ở dãy nhà được xây dựng từ năm 1997. Mỗi mùa mưa, cô phải tận dụng xô chậu đặt quanh nhà hứng nước. Chỗ nấu ăn cũng phải di chuyển vì mưa tạt xối xả qua những vết nứt lớn trên tường.

“Phòng không có nhà vệ sinh nên 2 mẹ con phải đi nhờ phòng khác. Đêm hôm, tôi không dám gọi mà lọ mọ soi đèn pin lên phòng vệ sinh của trường. Trời nắng không sao nhưng những hôm mưa gió vừa sợ, vừa ướt”, cô Hiền thở dài.

Phía cuối dãy nội trú là căn phòng của 2 bố con thầy Đặng Minh - Phó Hiệu trưởng nhà trường. Đây cũng là căn phòng nhỏ nhất của khu nội trú. Căn phòng không có nhà bếp cũng như nhà vệ sinh. Mỗi lần tắm giặt, 2 bố con lại sử dụng vòi nước bên ngoài, còn sang mùa mưa phải dùng nhờ nhà vệ sinh của trường học.

Căn phòng không có đồ đạc gì đáng giá ngoài một chiếc giường, tủ lạnh, chiếc bàn nhỏ. Dãy nhà được xây dựng hơn 20 năm nay với bốn bức tường bong tróc từng mảng lớn, sàn nhà lỗ chỗ, mái ngói xập xệ, các cửa sổ đều bị rơi vỡ kính.

Một dãy nhà nội trú tại Trường THCS Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Một dãy nhà nội trú tại Trường THCS Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Nỗi niềm người ở lại

Trường THCS Kỳ Thượng hiện có 3 dãy nhà công vụ cho giáo viên. Trong đó, 2 dãy nhà được xây dựng năm 1997 đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường nhà bị nứt, sàn bị sụt lún, mái cong vênh và thấm dột. Năm 2019, nhà trường đã tu sửa được 1 dãy nhà để giáo viên ở tạm, dãy nhà còn lại đành bỏ không vì thiếu ngân sách lại không an toàn. Dãy nhà thứ 3 được đầu tư xây dựng kiên cố năm 2011, quá chật hẹp, không đảm bảo nơi ở cho gia đình giáo viên.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Thượng - cho biết, các dãy nhà đang xuống cấp từng ngày, nhất là nhà công vụ được xây dựng hơn 20 năm. Những khi mưa to, gió lớn, giáo viên đều phải sơ tán đến các phòng kiên cố hoặc lên lớp học trong trường để ở, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và công tác.

“Phần lớn nhà giáo công tác tại trường đều ở xa. Ngoài ra, hằng năm nhà trường đều có giáo viên đến biệt phái. Vì vậy, việc ổn định chỗ ở giúp giáo viên yên tâm công tác rất cần thiết. Nhất là đội ngũ giáo viên nữ, sau 6 tháng nghỉ đưa con nhỏ đi cùng và phải nhờ bà nội hoặc bà ngoại lên chăm con. Trong khi diện tích nhà ở quá nhỏ và thiếu thốn”, thầy Khánh bày tỏ.

Trường THCS Kỳ Thượng hiện có 27 cán bộ, giáo viên, trong đó 14 giáo viên ngoài huyện (nhà ở Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ; TP Vinh - Nghệ An). Số giáo viên còn lại, dù có hộ khẩu ở huyện Kỳ Anh nhưng vì nhà xa buộc phải ở nhà công vụ. Năm học 2023 - 2024, nhà trường dự kiến có 19 giáo viên phải ở lại nhà công vụ cùng với 5 trẻ em cũng theo bố mẹ lên đây sinh sống.

“Những khó khăn trong sinh hoạt, ăn ở của cán bộ giáo viên mặc dù được nhà trường cố gắng khắc phục nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp nên kết quả không như mong muốn. Nhà trường cũng nhiều lần kiến nghị nhưng nhiều năm qua nhà công vụ vẫn là niềm mong ngóng của cán bộ, giáo viên”, thầy Khánh trăn trở.

Không riêng Trường THCS Kỳ Thượng mà các trường học tại địa bàn xã Kỳ Tây, Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) cũng gặp khó khăn về nhà công vụ cho giáo viên. Theo ông Nguyễn Anh Hoan – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh, hiện trạng chung của các nhà công vụ đều được xây dựng từ rất lâu và xuống cấp, chật chội, nhiều phòng không an toàn để ở. Thời gian qua, ngành Giáo dục đã phối hợp với UBND huyện kết nối một số doanh nghiệp, đơn vị tài trợ với số tiền hơn 10 tỷ đồng xây dựng nhà công vụ. Đây cũng là một tín hiệu vui trước thềm năm học mới cho giáo viên vùng khó.

“Dù khó khăn, gian khổ nhưng thầy cô nơi đây vẫn nỗ lực từng ngày. Lòng yêu nghề là động lực giúp giáo viên tạm quên đi những vất vả… Địa phương còn khó khăn về kinh tế nên không đủ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường.

Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp xin nguồn ngân sách xây dựng nhà công vụ để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Tuy nhiên, nhiều năm qua, đề xuất của địa phương và nhà trường chưa được đáp ứng”, ông Vũ Trung Tiến, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Kỳ Thượng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.