Giáo viên miền núi an tâm đứng lớp

GD&TĐ - TP Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng nhà lưu trú cho giáo viên miền núi của xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).

Cô Như Ngọc trong một tiết dạy tại Trường Tiểu học xã Hòa Bắc.
Cô Như Ngọc trong một tiết dạy tại Trường Tiểu học xã Hòa Bắc.

Công trình giúp các thầy, cô giáo yên tâm thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình ở vùng sâu, vùng xa.

Gian nan tìm chốn “an cư”

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng và UBND huyện Hòa Vang vừa tổ chức bàn giao công trình nhà lưu trú dành cho các thầy, cô giáo đang giảng dạy tại các điểm trường thuộc xã miền núi Hòa Bắc. Theo đó, khu nhà lưu trú cho giáo viên xã Hòa Bắc được cải tạo, sửa chữa từ dãy nhà cũ của địa phương, nằm gần Trường Tiểu học xã Hòa Bắc. Công trình được thi công và hoàn thiện trong vòng 4 tháng.

Có mặt tại khu nhà lưu trú của giáo viên xã Hòa Bắc, chúng tôi thấy một dãy nhà với 4 phòng khang trang, rộng rãi. Căn nhà vững chắc như tiếp thêm một động lực giúp các thầy, cô yên tâm thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình ở nơi xa nhất của thành phố Đà Nẵng.

Dọn dẹp đồ đạc để chuyển vào sinh sống tại nhà lưu trú, cô giáo Nguyễn Thị Như Ngọc (sinh năm 1995), Trường Tiểu học xã Hòa Bắc cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở thị trấn nông trường Lệ Ninh (Quảng Bình). Sau khi tốt nghiệp, cô đã chọn “gieo chữ” tại xã miền núi Hòa Bắc. 4 năm gắn bó đã nảy mầm trong cô giáo trẻ tình yêu thương, gắn kết với học trò và đồng bào nơi đây. Cũng suốt thời gian đó, chưa bao giờ Ngọc nghĩ sẽ rời mảnh đất này để đến nơi khác dạy học. Thương trò nên phải bám bản, nhưng điều khó khăn nhất đối với cô giáo Ngọc cũng như nhiều đồng nghiệp khác công tác tại đây là nơi ăn chốn ở sau mỗi giờ dạy.

Cô Nguyễn Thị Như Ngọc soạn sửa vật dụng mới được tặng cho khu bếp được bố trí ở nhà lưu trú.

Cô Nguyễn Thị Như Ngọc soạn sửa vật dụng mới được tặng cho khu bếp được bố trí ở nhà lưu trú.

“Do điều kiện đặc thù, các giáo viên nơi khác đến đây phải đi thuê trọ. Mỗi năm, nhà trường sẽ luân chuyển giáo viên ở các điểm trường, bởi vậy, tôi lại phải tìm trọ để chuyển cho tiện đi lại. Thời gian đầu công tác, tôi ở trọ tại thôn Nam Mỹ - xã Hòa Bắc, chỗ này lúc trước chưa có nước sinh hoạt nên phải dùng nước suối, đường đi lầy lội và rất khó đi. Được một thời gian, tôi chuyển xuống thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc) để thuận tiện cho việc đi dạy hơn”, cô Ngọc cho biết.

Ở xã Hòa Bắc, điểm trường nào cũng cách khu vực trung tâm khá xa. Mùa mưa, việc đi lại rất khó khăn, vất vả, chưa kể đến việc dễ bị ngập lụt khi mùa lũ về. Vì vậy, suốt những năm qua, niềm mong mỏi của cán bộ cũng như giáo viên cắm bản có một khu nhà nội trú kiên cố để yên tâm công tác.

“Khi được thông báo sẽ hỗ trợ xây dựng nhà lưu trú cho giáo viên. Thật sự lúc đó giáo viên xa nhà như chúng tôi háo hức và vui lắm. Mọi người ai cũng đếm từng ngày công trình hoàn thiện để được vào ở. Chúng tôi rất an tâm khi có nơi ở khang trang, đầy đủ tiện nghi, vật dụng. Đây là nguồn động viên lớn cho những giáo viên vùng xa như chúng tôi tiếp tục nỗ lực, gắn bó với mảnh đất Hòa Bắc”, cô giáo Ngọc chia sẻ.

Dãy nhà lưu trú khang trang, kiên cố giúp giáo viên miền núi yên tâm công tác.

Dãy nhà lưu trú khang trang, kiên cố giúp giáo viên miền núi yên tâm công tác.

Điểm tựa vững chắc

Theo ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), do đặc thù về vị trí địa lý, xa trung tâm, đi lại khó khăn. Hầu hết giáo viên công tác tại trường không phải là người địa phương mà ở các huyện khác, nên nhu cầu ở lại nội trú rất lớn. Vì điều kiện còn khó khăn, nhà công vụ chưa được đầu tư nên giáo viên phải ở ghép trong sự thiếu thốn, ảnh hưởng rất lớn đến việc giảng dạy.

“Các giáo viên đến đây công tác đều xa nhà, phải thuê mướn phòng trọ hay ở nhà người dân để đi dạy. Trong khi, các điểm trường xa, đi lại khó khăn gây bất tiện cho giáo viên. Trước đây, khi chưa có nhà nội trú ổn định, nhiều cán bộ, giáo viên ái ngại khi được điều chuyển đến làm việc, giảng dạy tại trường. Từ thực tế đó, địa phương đã đề xuất với các cấp ngành tìm nguồn hỗ trợ xây dựng nhà lưu trú”, ông Hoàng cho hay.

Chia sẻ về quá trình xây dựng, ông Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng - cho biết, công trình ở khá xa, chi phí vận chuyển các vật liệu cũng bị đội giá hơn so với dự kiến ban đầu. Ngoài ra, thời tiết bất lợi cũng gây khó khăn cho trong quá trình thi công. Tuy nhiên, với quyết tâm tạo “điểm tựa” cho giáo viên miền núi yên tâm công tác, LĐLĐ TP đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để công trình sớm hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng.

“Đây là tình cảm, tấm lòng của người lao động trên địa bàn thành phố dành cho các giáo viên công tác tại vùng khó. Khu nhà nội trú được khánh thành với các phòng ở đầy đủ tiện nghi là món quà ý nghĩa, sự động viên rất lớn, giúp giáo viên an cư, yên tâm hoàn thành tốt sứ mệnh gieo chữ cho học sinh dân tộc thiểu số tại Đà Nẵng”, ông Minh nhấn mạnh.

Tất bật soạn sửa các vật dụng để dọn đến ở trong căn phòng mới, cô giáo Như Ngọc chia sẻ: “Mặc dù, gia đình trông ngóng tôi sẽ về gần nhà công tác nhưng bản thân tôi rất muốn ở lại với học trò miền núi Hòa Bắc. Với việc có thêm nhà lưu trú, giáo viên chúng tôi như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, càng vững tâm lý để tiếp tục gắn bó”.

Các hạng mục gồm: 4 phòng ở với hệ thống bếp, nhà vệ sinh khép kín, khu nhà để xe, tường rào, cổng ngõ, sân sinh hoạt chung... với tổng diện tích xây dựng khoảng 500m2. Tổng kinh phí để thực hiện công trình là 1,42 tỷ đồng, trong đó, LĐLĐ TP Đà Nẵng hỗ trợ 990 triệu đồng, UBND huyện Hòa Vang đối ứng 400 triệu đồng và Công đoàn ngành Giáo dục TP hỗ trợ 30 triệu đồng mua sắm vật dụng, thiết bị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ