Giáo viên mầm non vùng khó: Đã yếu, còn thiếu

Giáo viên mầm non vùng khó: Đã yếu, còn thiếu

(GD&TĐ) - Câu chuyện thiếu GV nói chung và GVMN nói riêng ở các huyện miền núi vẫn được nhắc đi, nhắc lại ở các năm học nhưng để đảm bảo đủ số lượng GV theo yêu cầu thì còn là bài toán chưa tìm được lời giải.

Trình độ giáo viên và năng lực còn hạn chế

Nhìn chung đội ngũ cán bộ GVMN hiện nay có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn nhưng do đào tạo chắp vá, cộng thêm điều kiện cơ sở vật chất trường lớp nghèo nàn, thiếu tài liệu tham khảo, ít được đi tham quan, kiến tập học hỏi, trao đổi kinh nghiệm bên ngoài nhà trường, ít được bồi dưỡng chuyên môn, cập nhật kiến thức mới nên năng lực chuyên môn còn hạn chế. 

Các GVMN cho biết thường mỗi năm, trong dịp hè, GV chỉ được bồi dưỡng 1 lần về nội dung chuyên đề như an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, làm quen chữ cái, chương trình GDMN mới... Chất lượng và hiệu quả của các lớp tập huấn này chưa cao vì lớp học ngắn ngày, đông học viên, ít thời gian thực hành, kiến tập, tham quan. Bên cạnh đó các GV dạy lớp ghép chưa được tập huấn và hướng dẫn cụ thể nên việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở các lớp này GV gặp rất nhiều khó khăn. 

Năng lực của nhiều GV vẫn hạn chế và bộc lộ khá rõ ở việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở trường MN. Trong dạy học và tổ chức hoạt động cho trẻ, GV vẫn còn ôm đồm, đưa nhiều nội dung vào trong một hoạt động, chưa chú ý đến đặc điểm lứa tuổi của trẻ, đặc biệt tại các lớp có trẻ dân tộc, thời gian đầu đến lớp trẻ chưa biết tiếng Việt, nhiều GV cũng chưa biết sử dụng phương pháp giáo dục phù hợp (trực quan, sử dụng hành động nhiều chứ không phải dùng lời là chủ yếu). Một số GV là người Kinh dạy ở những lớp dân tộc thiểu số không thông thạo tiếng dân tộc như dân tộc ChơRo (Đức Tín, Đức Linh, Bình Dương), 1 lớp dân tộc Mường (Phú Cường, Hòa Bình), việc giao tiếp giữa cô và trẻ còn hạn chế, nên khi tổ chức cho trẻ hoạt động GV thường chỉ nói và làm thay cho trẻ. Hơn nữa, phần lớn GV chưa được tiếp cận với phương pháp dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ 2 đối với trẻ người dân tộc thiểu số. GV chưa được tập huấn về phương pháp dạy và học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ 2 nên điều này ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ dân tộc.

Cô và trò cùng chơi xếp hình
Cô và trò cùng chơi xếp hình

Hình thức tổ chức các hoạt động còn rập khuôn, chưa linh hoạt; GV thường thực hiện giáo dục đồng loạt, không có sự khác biệt, phân hóa đối với tất cả trẻ trong lớp ở những lớp ghép có hai, ba độ tuổi); việc tổ chức môi trường của nhóm lớp còn nghèo nàn chưa tạo hứng thú cho trẻ, môi trường nhà trẻ cũng giống môi trường trong lớp mẫu giáo... Lớp mẫu giáo 5 tuổi thiếu môi trường chữ viết và số, thiếu sách truyện, tranh ảnh. Thậm chí có trường GV chưa thể hiện đúng vai trò là người tổ chức cho trẻ hoạt động mà chỉ như “người giữ trẻ". Một số cán bộ quản lý cấp trường còn chưa tích cực, thiếu năng động, máy móc (Thông Bình, Đồng Tháp; Đức Tín, Bình Thuận). 

- Ở  Đức Tín, Bình Thuận việc huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi là việc rất khó, nguyên nhân trẻ không ra lớp (5 tuổi) không phải do điều kiện kinh tế mà do cha mẹ trẻ không muốn cho con học chung lớp với trẻ em dân tộc. Ban giám hiệu nhà  trường tham mưu và chưa có sự phối kết hợp với các tổ chức khác trong cộng đồng nhằm tìm ra nguyên nhân thực sự tìm biện pháp phù hợp để hỗ trợ các gia đình này đưa trẻ tới trường.

Trình độ đào tạo của một số cán bộ quản lí còn thấp (Hiệu trưởng Trường MN Phú Cường, Hoà Bình có trình độ trung cấp sư phạm MN, hiện đang theo học cao đẳng) nên  theo ý kiến GV “việc quản lí, chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho GV còn hạn chế” (Ý kiến GV Hoàng Hanh – Hưng Yên, Phú Cường, Hòa Bình).  Điều này dẫn đến chất lượng đội ngũ và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của trường bị hạn chế. 

Tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn phổ biến

Thực tế cho thấy, đội ngũ GV ở bậc học này còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của GDMN hiện nay. Cụ thể, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến năm học 2012-2013 cả nước hiện vẫn còn thiếu 22.811 GVMN so với nhu cầu. Câu chuyện thiếu GVMN đã trở thành vấn đến “nóng” trong những năm học này.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Bình Phước - cho biết tỉnh còn thiếu hơn 150 GVMN, chủ yếu thuộc các trường vùng sâu vùng xa, biên giới. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt GV hiện nay, trước mắt Sở và Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước sẽ vận động những sinh viên có năng khiếu, theo học các ngành Nhạc, Mỹ thuật… tình nguyện về vùng sâu, vùng xa dạy học... 

Tại huyện Sìn Hồ (Lai Châu), dù có nhiều chính sách để thu hút, tạo điều kiện tốt nhất cho các GV khi đến nhận công tác, nhưng số lượng tuyển dụng hàng năm vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Nếu như năm học 2011 – 2012, Sìn Hồ cần khoảng 150 GV thì chỉ có 30 người “chịu” đến với huyện. Năm học 2012 – 2013, nhiều GV đã chuyển vùng, chuyển ngành, cùng với đó là việc chia tách một số trường dẫn tới thiếu 157 GV. 

Lãnh đạo huyện Sìn Hồ cho biết: Nguyên nhân khó tuyển được là hầu hết GV mới ra trường đều là người ở các tỉnh miền xuôi, ngại khó ngại khổ khi đến với huyện. Cùng với đó là những năm qua các tỉnh miền xuôi thực hiện việc Phổ cập giáo dục cho trẻ MN 5 tuổi nên GV mới ra trường thường tìm cơ hội gần nhà, nơi có điều kiện kinh tế thuận lợi.

Do thu nhập của GVMN quá thấp (trung bình 2 triệu đồng/tháng), trong khi thời gian làm việc gần như cả ngày nên sinh viên sau khi tốt nghiệp ngại về vùng sâu, vùng xa dạy học. Hiện nay, ngoài những GV thuộc số ít những xã đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp, còn lại chỉ trông vào lương tháng. Để thu hút được GV về công tác lâu dài tại các trường vùng sâu vùng xa, biên giới, cần có chế độ đãi ngộ thích hợp.

Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã kịp thời hỗ trợ cho GV những khó khăn ban đầu về các huyện miền núi, vùng sâu, xa. Theo đó, mỗi GV sẽ được trợ cấp số tiền khoảng 10 triệu đồng để trang trải khó khăn ban đầu khi đến nhận công tác. Ngoài ra, với các GV về các xã vùng khó công tác sẽ được hưởng đầy đủ số tiền lương như: lương cơ bản, tiền phụ cấp vùng khó, vùng biên giới, đứng lớp… với thu nhập khởi điểm từ 5,4 – 6,4 triệu đồng/tháng cho người có bằng trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vẫn chưa thu hút được nhiều GV. 

Trước khó khăn tuyển dụng đầu vào GVMN nhiều năm qua, năm học 2011 – 2012 huyện Sìn Hồ đã đề nghị với Sở GD&ĐT Lai Châu và được sở cho tuyển 50 học sinh là con em đồng bào các dân tộc địa phương, có trình độ từ THCS trở lên được cử đi đào tạo ngắn hạn. Toàn bộ kinh phí đào tạo, nuôi ăn ở được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước do tỉnh chi trả. Sau khi số học sinh này ra trường sẽ được tạo điều kiện tốt nhất về địa phương mình giảng dạy. 

Ông Ngô Hoàng Thái – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ cho biết: Các em học sinh được cử đi học dựa trên thông tin điều tra của ngành Giáo dục huyện theo hình thức địa phương nào thiếu bao nhiều thì cử con em ở địa phương đó đi đào tạo. Đây là giải pháp khả thi để tuyển đủ GVMN nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào trên địa bàn. Hiện nay huyện đang tiếp tục đề nghị với sở, tạo điều kiện để huyẹn mở tiếp một lớp nữa khoảng 50 học sinh. Khi hai lớp GV đào tạo ngắn hạn này ra trường về huyện công tác thì cơ bản đáp ứng nhu cầu GVMN. 

Thiết nghĩ, để giải được bài toán này các Sở GD&ĐT và các cấp ban, ngành tại các địa phương cần phối kết hợp chặt chẽ để tìm ra giải pháp đồng bộ trong tuyển dụng GV bằng cách về các trường đào tạo GVMN để phối hợp tuyển dụng tại chỗ, như thế vừa đảm bảo số lượng và chất lượng.

Hiền Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.