Với cô giáo mầm non Nguyễn Thanh Thủy (trường mẫu giáo Măng Non, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với thâm niên hơn 20 năm trong nghề, bén duyên với công việc trông trẻ trước hết là để bản thân có một công việc ổn định, có nhiều thời gian chăm lo quán xuyến gia đình, dạy dỗ, giáo dục con cái.
Sự lựa chọn của chị không chỉ trùng với suy nghĩ đơn giản của bố mẹ chị mà còn của nhiều ông bố bà mẹ sống trong thời bao cấp trước đây: con gái chỉ cần có một công việc ổn định, sau 8 tiếng đi làm trở về chăm lo gia đình chứ không nhất thiết phải là công việc có thể kiếm được nhiều tiền.
Tự thu xếp việc học, thi cử rồi ra trường và theo nghề liên tục trong gần 20 năm, chị Thủy chưa bao giờ cảm thấy chán nản dù khó khăn nhất là áp lực với phụ huynh của trẻ lúc nào cũng thường trực.
Để vượt qua những áp lực đó, chị Thủy cho rằng cách tốt nhất là các chị phải đặt mình vào địa vị của những ông bố bà mẹ mang con đến lớp, hiểu tâm lý của họ để bình tĩnh xử lý các tình huống khi trẻ quấy khóc không chịu vào lớp hay va chạm giữa các trẻ, từ đó tạo lòng tin với các phụ huynh để họ yên tâm khi đưa con tới trường, để các trẻ có được cảm giác yêu thương như ở nhà.
Chị Thủy thường chia sẻ với các cô giáo trẻ rằng đã qua cái thời người ta gọi giáo viên mầm non là “cô nuôi dạy hổ”, những đứa trẻ các chị chăm sóc đều là những “cục vàng” của các gia đình.
Vì vậy khi phụ huynh đã tin tưởng đưa trẻ đến lớp, thì mọi việc xảy ra với trẻ ở trường dù bất cứ lý do gì đều là trách nhiệm của cô giáo, sau đó giải thích để phụ huynh hiểu và thông cảm.
Nghề giáo viên mầm non là nghề vất vả và có lẽ phù hợp với phụ nữ hơn nam giới. Chính sự khéo léo, dịu dàng, kiên nhẫn của người phụ nữ khiến họ thích hợp với công việc cần “dỗ” nhiều hơn “dạy” này.
Các em bé lần đầu tiên trong đời bước ra khỏi ngôi nhà thân quen để hòa nhập với môi trường mới rất cần sự dịu dàng, tình cảm của cô giáo giúp các trẻ vượt qua những bỡ ngỡ thậm chí sợ hãi bước đầu để khám phá, làm quen với những điều mới lạ.
Đúng như chia sẻ của cô giáo Thủy, trẻ sẽ thích đến trường khi chúng cảm nhận được sự gần gũi, bao dung, che chở từ cô giáo – những người được coi như “người mẹ thứ hai” của bé.
Không chỉ đóng vai trò “người mẹ thứ hai”, giáo viên mầm non còn phải có nghiệp vụ của một “chuyên gia tâm lý”. Chị Thủy chia sẻ: “Hiểu tâm lý của trẻ là yêu cầu rất quan trọng với giáo viên mầm non. Mỗi bé có một cá tính riêng, khi đã hiểu được cá tính của các bé, việc chăm sóc các bé sẽ dễ dàng hơn.
Có bé khi quấy khóc đòi mẹ cô chỉ cần chơi cùng và nói chuyện về các món đồ chơi là bé sẽ quên; cũng có những bé chỉ cần cô ôm vào lòng vỗ về, thủ thỉ là bé sẽ thôi không khóc đòi mẹ.
Nếu không yêu trẻ bằng tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con của mình, sẽ khó có thể làm được nghề này. Một công việc phải cần sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng, tinh tế như vậy nam giới chắc khó có thể làm tròn vai”.
Với chị Thủy, kinh nghiệm dạy dỗ trẻ không tự dưng mà có. Nếu không có được tình yêu với nghề, với trẻ, một tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, giáo viên mầm non khó có thể hết mình với công việc.
Không tiếc bỏ công để tìm hiểu, phát hiện những ưu nhược điểm của trẻ, nắm rõ tính tình của trẻ, từ miếng ăn đến giấc ngủ… những công việc đó chỉ có thể dành cho phụ nữ.
Sự chiều chuộng, nâng niu và tình yêu thương của người mẹ mới khiến những đứa trẻ gào khóc, lăn lộn trong những ngày đầu đến lớp dần được cải thiện theo thời gian.
Với những bé đặc biệt như thế, theo chị Thủy, giáo viên cần có sự quan tâm đặc biệt nhưng không để cho bé cảm thấy bé đang bị chú ý. Với những em bé này, cô giáo phải là người bạn đầu tiên, cùng chơi đồ chơi, cùng trò chuyện giúp bé cởi mở hơn.
Cô giáo mầm non cũng giống như người mẹ trong gia đình phải luôn là tấm gương cho con cái noi theo, góp phần định hướng nhân cách của trẻ.
Những lời khuyên chân thành, những giải thích kiên nhẫn hay quát mắng trước những lỗi lầm của trẻ có thể ảnh hưởng đến chúng cả cuộc đời. Chính sự nhạy cảm của người phụ nữ sẽ mách bảo các cô giáo để có những ứng xử chuẩn mực trước con trẻ.
Cô giáo Nguyễn Thanh Thủy cho rằng “giáo viên mầm non cũng như người thợ cắt tóc, cắt may quần áo, đều biết phải cắt thế nào, may thế nào nhưng để có những mái tóc đẹp, bộ quần áo vừa vặn không phải thợ nào cũng làm được.
Cũng như nghề giáo viên mầm non, đều được học các kỹ năng, nghiệp vụ trong nhà trường nhưng mỗi giáo viên sẽ có nhạy cảm riêng, cách dạy dỗ bé này không thể áp dụng cho bé khác, nhiều trường hợp không thể áp dụng những cách xử lý thông thường”.
Sự trùng vai giữa người mẹ và cô giáo có thể giải thích lý do không chỉ ngày xưa mà thế hệ nam giới ngày nay nhiều người vẫn giữ quan điểm chọn vợ làm nghề giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.
Bằng bản năng của người phụ nữ, họ biết cân bằng cuộc sống để đảm nhiệm thiên chức làm vợ, làm mẹ. Để làm gương cho con trẻ, họ phải giữ cho mình một lối sống chuẩn mực, được xã hội trân trọng.
“Công việc ở nhà trường hay gia đình cũng vậy, muốn làm tốt người phụ nữ phải có tình yêu và phải hy sinh vì nó. Để làm được điều đó không thể nói là không vất vả, vì yêu trách nhiệm với gia đình các chị lại tiếp tục vào vai trò người vợ, người mẹ trong ngôi nhà của mình. Ý thức đó chỉ có thể là bản năng của người phụ nữ” - Chị Thủy chia sẻ.
Với những người làm nghề này, không có món quà nào quý giá bằng các bé khỏe mạnh, đến trường đầy đủ, vui vẻ; khi về nhà được những người thân yêu quý, hãnh diện về mình.
Chị Thủy cảm thấy tự hào khi cô con gái cũng quyết tâm theo nghề của mẹ; còn cậu con trai lấy mẹ ra làm chuẩn để chọn vợ sau này. “Đến tuổi này, mọi suy nghĩ đều dành cho con cái, mong sao chúng được bình yên, thuận lợi trong công việc”. Tâm tư của chị Thủy cũng là tâm tư chung của rất nhiều phụ nữ khi gia đình là sự quan tâm lớn nhất.