Giáo viên làm phim hoạt hình, sáng tạo phần mềm hỗ trợ học sinh khó hòa nhập

GD&TĐ - Trong ngày xét duyệt thứ hai giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm nay, 30 nhà giáo tiểu học đã trình bày những sáng kiến trong phương pháp truyền thụ kiến thức và ươm mầm lối sống tốt đẹp ở học sinh tiểu học, lứa tuổi bắt đầu chuyển từ tư duy trực quan sang tư duy trừu tượng.

Cô Nguyễn Thị Bích Diệp, Trường tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Cô Nguyễn Thị Bích Diệp, Trường tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Cuốn học sinh vào bài giảng với phần mềm công nghệ 

Nhàm chán với những bài giảng giấy trắng, bảng đen đơn điệu trên lớp, nhiều nhà giáo khối tiểu học đã thay đổi phương pháp giảng dạy bằng những sáng kiến công nghệ nhằm cuốn hút, hấp dẫn học sinh.

Trong đó, sáng kiến độc đáo của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa, Trường tiểu học Việt Nam – Cu Ba, quận Ba Đình nhận được sự quan tâm rất lớn từ Hội đồng xét duyệt và các đồng nghiệp. Cô Hoa đã tự tay làm những đoạn phim hoạt hình ngắn để cuốn hút học sinh vào giờ học.

Trong những đoạn phim đó, cô xây dựng 2 nhân vật hoạt hình là anh Bong Bóng và bạn Ếch Cốm như hai người bạn đồng hành cùng các học sinh khám phá các kiến thức địa lý và ngôn ngữ. Để hoàn thành những đoạn phim hoạt hình này, cô Hoa đã tự tìm tòi, học hỏi cách sử dụng các phần mềm làm phim.

Bên cạnh đó, cùng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp và học sinh, cô Hoa cũng có thêm tư liệu để thu âm, lồng tiếng cho các nhân vật hoạt hình thật sinh động. Những đoạn phim hoạt hình ngắn của cô được học sinh háo hức đón nhận và đã giúp các em nắm bắt bài học rất nhanh và ghi nhớ rất lâu.

Tại sự kiện, hội đồng cũng ghi nhận tâm huyết của cô Nguyễn Thị Bích Diệp, Trường tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai, trong giáo dục trẻ em khó hòa nhập. Cô Diệp đã lựa chọn một con đường chông gai hơn nhiều đồng nghiệp khác, đó là chăm sóc, dạy dỗ trẻ em tự kỷ, trẻ mắc chứng tăng động, giảm tập trung.

Cô Diệp tự nghiên cứu và tạo ra phần mềm hỗ trợ cho trẻ khó hòa nhập. Đồng thời cô hướng dẫn cho học sinh bình thường sử dụng phần mềm này và nhờ các em hướng dẫn lại cho các bạn tự kỷ và các bạn tăng động trong lớp.

Sự tận tâm của cô đã đạt được những thành quả đáng mừng khi các em hào hứng chia sẻ giúp đỡ nhau, tạo nên những lớp học hạnh phúc, không còn khoảng cách giữa học sinh đặc biệt và học sinh bình thường.

“Phải có sự nỗ lực và tâm huyết thực sự với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là công việc giảng dạy cho trẻ em khó hòa nhập mới có thể nghiên cứu và tạo nên một phần mềm độc đáo và nhân văn như vậy" - Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Công đoàn giáo dục Việt Nam, thành viên Hội đồng xét duyệt, đã bày tỏ cảm xúc đặc biệt đối với sáng tạo của cô Diệp.

Hội đồng xét duyệt khối Tiểu học.

Hội đồng xét duyệt khối Tiểu học.

Chú trọng phát triển kỹ năng và ươm mầm tình cảm tốt đẹp cho học sinh

Bên cạnh việc chú trọng truyền thụ kiến thức, các nhà giáo khối Tiểu học còn hướng đến phát triển cho học sinh các kỹ năng sống, văn hóa đọc và ý thức trách nhiệm với môi trường thiên nhiên và mọi người xung quanh.

Mong muốn phát triển văn hóa đọc cho học sinh, cô Nguyễn Thị Bình Minh, Trường tiểu học Thăng Long, Hoàn Kiếm đã tổ chức ngày hội “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”.

Cô còn hiến kế và giúp đỡ cho nhiều trường trong thành phố và các trường vùng cao xây dựng, trang trí thư viện thân thiện và đáng yêu cho học sinh, để các em luôn được đọc sách mọi lúc, mọi nơi.

Trong khi đó, cô Nguyễn Phương Hoa, Trường tiểu học Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng lại có những sáng kiến giúp học sinh có ý thức bảo vệ môi trường một cách thiết thực nhất như tổ chức lễ phát động “Học sinh Thủ đô chung tay bảo vệ tê giác” hay tạo ra Góc tái chế trưng bày những sản phẩm các học sinh làm ra.

Cũng mong muốn gieo mầm tình yêu thiên nhiên cho học sinh, cô Nguyễn Thị Trà My, trường Tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, đã xây dựng phong trào “Giỏ hoa em chăm, trường em thêm đẹp”.

Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” do Sở GD&ĐT cùng Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp với Hệ thống Giáo dục Hocmai tổ chức, nhằm động viên, khuyến khích và tôn vinh những nhà giáo Hà Nội tận tâm với nghề dạy học, mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy.

Đặc biệt giải thưởng năm nay hướng tới kỷ niệm 65 năm ngành GDĐT Hà Nội. Các ngày xét duyệt khối THCS và khối THPT sẽ tiếp tục diễn ra từ 19/9 - 23/9.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.