Không ngừng đổi mới, sáng tạo
Nhận thức được rằng, mỗi GV là nhân tố quyết định tạo nên chất lượng GD của nhà trường, cô Nguyễn Thị Thu Linh - Trường Mầm non B (Liên Ninh, Thanh Trì) đã mang hết tâm huyết và khả năng của mình để chăm sóc, nuôi dưỡng GD trẻ. Cô không ngừng trau dồi, học tập, bồi dưỡng kinh nghiệm trong thực tế để hoàn thiện bản thân, xây dựng hình ảnh nhà giáo mẫu mực từ đạo đức, tác phong, lối sống cho đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Năm học 2018 - 2019, cô Linh đạt giải Nhì hội thi GV dạy giỏi cấp thành phố. Cô luôn chú trọng trong đổi mới phương pháp GD và chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Đồng thời tích cực tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra những sáng kiến hay, có thể áp dụng vào thực tiễn của nhà trường.
“Tôi đã sưu tầm, làm mới nhiều đồ dùng, đồ chơi và sáng tác trò chơi mới, áp dụng vào các giờ hoạt động. Từ đó, đưa ra nhiều ý tưởng hay, sáng tạo để kích thích sự hứng thú của trẻ. Đặc biệt, sự thay đổi của các góc chơi có tích hợp phương pháp dạy học STEAM giúp trẻ được trải nghiệm với những nhiệm vụ hoàn toàn mới. trẻ linh hoạt hơn, có nhiều ý tưởng sáng tạo và đột phá, qua đó ngôn ngữ của trẻ cũng được phát triển mạnh mẽ hơn” - cô Linh chia sẻ.
Cũng là một trong những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, cô Nguyễn Thị Hoà - GV Trường Tiểu học Tân Lập (Đan Phượng) đã tổ chức tốt các hoạt động nhóm để HS thi đua trong học tập. Cô luôn tạo không khí vui tươi, thoải mái trong lớp học qua các trò chơi mang tính GD cao. Qua đó, giúp HS tự tin, chủ động tiếp nhận kiến thức mới một cách tự nhiên mà không hề gượng ép.
Đặc biệt, cô Hòa đã sáng tạo khi đánh giá, nhận xét HS hàng tuần, hàng tháng, theo kì với hình thức chiếc “ghế nóng”. Theo đó, HS sẽ ngồi trên ghế trước lớp để các bạn trong lớp nhận xét, đánh giá bằng hình thức nhận xét trực tiếp hoặc viết vào giấy những gì mình thích và không thích ở bạn. Bằng hình thức này, HS trong lớp đều thấy thoải mái khi được nhận những lời ngợi khen hoặc góp ý từ bạn bè; từ đó điều chỉnh hành vi, thái độ theo hướng tích cực.
Đa dạng các hình thức tự học
Là GV giỏi của nhà trường, cô Cấn Thị Mai Phương - GV Trường THCS Sài Sơn (Quốc Oai) tự mày mò, học hỏi cách sử dụng máy chiếu vật thể để vận dụng vào những giờ thao giảng, dạy thể nghiệm bộ môn, giúp HS trình bày sản phẩm học tập tại lớp; đồng thời phục vụ cho HS có phương tiện trực quan để đánh giá, thảo luận nhóm. Cô cũng thường xuyên thay đổi hình thức học tập truyền thống bằng những phương pháp mới mẻ và hiệu quả như: Đóng kịch, nêu tình huống, thảo luận nhóm… tạo nên không khí học tập sôi nổi.
Nhận thấy, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho HS ngày càng trở nên quan trọng; cô Phương chủ động lồng ghép những nội dung này vào một số phong trào, hoạt động của Đội. Ý tưởng “Ngày hội Vòng tay nhân ái” do cô đề xuất (Đan Phượng) được tổ chức thành công và tạo hiệu ứng tích cực trong và ngoài nhà trường. Qua đó, HS có ý thức, trách nhiệm và biết trân trọng, giữ gìn đồ dùng cá nhân. Mặt khác, giúp rèn kỹ năng khéo tay hay làm, tính tiết kiệm cho HS. Hay như hoạt động “Người trong cuộc” nhằm giúp các em xóa đi mâu thuẫn, đoàn kết, thân thiện và hạnh phúc mỗi khi đến trường.
Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đó là những gì mà cô Chu Thị Thu Hương - GV môn Hóa học, Trường THPT Tân Lập (Đan Phượng) luôn trăn trở. Theo đó, cô chủ động tìm kiếm các giải pháp, bao gồm các giải pháp về công nghệ nhằm hỗ trợ HS học tốt môn Hóa học. Cô đã sáng tạo ra hệ thống học online giúp HS tự học Hóa học.
Hệ thống bao gồm: Website Hoahocthatladongian được xây dựng dựa trên nền tảng mã nguồn mở Wordpress với sự kết hợp của dịch vụ gửi email tự động Getresponse (hiện đã chuyển sang dịch vụ Slimemail của Việt Nam). Hệ thống này có thể chăm sóc HS theo định kỳ; với Zoom rất tiện ích để thực hiện các bài giảng trực tuyến và kênh Youtube HCCTgroup là một địa chỉ lưu trữ video bài giảng rất hữu hiệu.