Giáo viên Kon Tum tự tin giảng dạy chương trình mới

GD&TĐ - Để không bỡ ngỡ khi giảng dạy chương trình mới, giáo viên ở Kon Tum chủ động nâng cao năng lực bản thân và kĩ năng sư phạm. Bên cạnh đó, linh hoạt, thay đổi để tiết học nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, chất lượng.

Cô Trần Thị Thu Hà cùng cán bộ, giáo viên của trường tham gia sinh hoạt chuyên môn.
Cô Trần Thị Thu Hà cùng cán bộ, giáo viên của trường tham gia sinh hoạt chuyên môn.

Bồi dưỡng và tự bồi dưỡng rất quan trọng

Cô Trần Thị Thu Hà, giáo viên lớp 2, Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP Kon Tum, Kon Tum) cho biết, đối với chương trình SGK lớp 2 bản thân cô đã được tập huấn, bồi dưỡng 3 mô đun. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mô đun 3 tập huấn bằng hình thức trực tuyến.

Cô Hà cho hay, hình thức bồi dưỡng trực tuyến rất phù hợp trong tình hình phòng chống dịch Covid-19 hiện nay. Qua đó, ở trường cũng như ở nhà, cán bộ và giáo viên đều có điều kiện và phương tiện kết nối để tham gia bồi dưỡng. Trong quá trình bồi dưỡng cũng có sự tương tác giữa giáo viên với ban tổ chức. Mặc dù có phần hạn chế so với trực tiếp, nhưng sau khi kết thúc thời gian bồi dưỡng, giáo viên có thể vào lại phần mềm để theo dõi và nghe lại những nội dung chưa nắm vững.

Học sinh trường Tiểu học Ngô Quyền trong một tiết học.
Học sinh trường Tiểu học Ngô Quyền trong một tiết học.

“Mặc dù bản thân tôi chưa dạy chương trình SGK lớp 1 mới. Tuy nhiên, trong năm học tôi thường xuyên dự giờ các lớp để nắm bắt, học hỏi cách tổ chức dạy học, đánh giá học sinh.

Bên cạnh đó, tìm hiểu kỹ về nội dung bộ sách Cánh Diều trong chương trình SGK lớp 2 mà nhà trường sẽ giảng dạy trong năm học tới. Qua đó, tìm hiểu về phương pháp, kỹ thuật dạy học, dạy học phân hóa và dạy học tích hợp. Ngoài ra, xem video về các tiết dạy để nắm bắt cách tổ chức hoạt động dạy học mà đồng nghiệp đã triển khai hiệu quả trong tiết dạy. Đồng thời, tìm hiểu, nghiên cứu cách đánh giá học sinh mới để không ngừng nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, chọn lựa, vận dụng vào thực hiện chương trình, SGK mới lớp 2”, cô Hà chia sẻ.

Theo cô Hà, trước khi bước vào năm học mới, việc giáo viên tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Qua đó, giáo viên có thể nắm bắt được chương trình các môn học, nghiên cứu trước SGK mới. Từ đó thiết kế bài dạy để quá trình dạy học hiệu quả.

Linh hoạt thay đổi

Cô Trần Thị Thu Hà tự tin giảng dạy chương trình mới.
Cô Trần Thị Thu Hà tự tin giảng dạy chương trình mới.

Do có nhiều năm kinh nghiệm dạy học nên khi tiếp cận chương trình mới cô Hà cũng như một số giáo viên trong trường không còn bỡ ngỡ. Bởi theo cô, nếu giáo viên nắm bắt tốt thì sẽ thực hiện tốt. Tuy nhiên, do là chương trình mới nên không được chủ quan, mà phải vừa thực hiện vừa học hỏi để đúc kết và rút kinh nghiệm.

“Tôi nghĩ rằng, hành trang cơ bản của mỗi giáo viên khi bước vào năm học mới đó là việc nắm bắt tốt chương trình, SGK mới. Bên cạnh đó là tâm thế sẵn sàng đi đôi với lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao”, cô Hà nói.

Theo cô Hà, SGK là tài liệu tham khảo đối với mỗi giáo viên. Do đó, bản thân giáo viên phải chú trọng việc chủ động, linh hoạt thay đổi nhằm phù hợp với học sinh tại địa phương. Qua đó, “biến” mỗi tiết học trở nên nhẹ nhàng, nhưng mang lại hiệu quả, chất lượng tốt nhất.

Cô Hà cũng cho hay, về cơ bản, chương trình SGK lớp 2 có nhiều đổi mới so với chương trình hiện hành. Bên cạnh tính kế thừa những cái hay của chương trình SGK cũ, chương trình SGK mới có các bộ sách khác nhau nhưng cùng hướng tới một mục tiêu. Mỗi chủ đề được phân chia thành các bài học, mỗi bài học lại có nhiều dạng câu hỏi, bài tập hoặc hoạt động sắp xếp từ dễ tới khó.

Bên cạnh đó, việc đánh giá học sinh một cách linh hoạt, dựa trên phẩm chất, năng lực người học thực chất không hề làm khó cho giáo viên mà ngược lại còn giúp GV có được sự chủ động. Việc đánh giá được cụ thể, mang tính khích lệ cao, phù hợp với trẻ Tiểu học. Tuy nhiên, để đánh giá được linh hoạt như vậy, đòi hỏi cao hơn ở người giáo viên. Đặc biệt là kĩ năng quan sát, phân tích và tổng hợp cùng với sự tinh tế và khéo léo.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng, vô tình sẽ tạo áp lực cho con em mình. Do đó, phụ huynh hãy đồng hành, phối hợp cùng giáo viên để khích lệ các em học mà vui, vui mà học.

“Để dạy chương trình mới, mỗi giáo viên chúng tôi cần chú trọng trau dồi năng lực cũng như kĩ năng sư phạm. Dù chương trình mới hay cũ thì năng lực chuyên môn và kĩ năng sư phạm đều phải luôn được bồi dưỡng và rèn luyện. Đối với chương trình mới, tôi chú ý thêm về năng lực ứng dụng CNTT, kĩ năng tổ chức các hoạt động học cho học sinh. Ngoài ra, trau dồi thêm khả năng giao tiếp, tuyên truyền, vận động, đánh giá trong giáo dục để cho các em học sinh noi theo”, cô Hà tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ