Giáo viên hợp đồng thắc thỏm chờ tăng lương

GD&TĐ - Nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng trường học đang được chi trả bằng mức lương khởi điểm (lương cơ sở nhân với hệ số bằng cấp ban đầu).

Tăng lương cho giáo viên hợp đồng cần tiến hành sớm trên cả nước. Ảnh minh hoạ
Tăng lương cho giáo viên hợp đồng cần tiến hành sớm trên cả nước. Ảnh minh hoạ

Với thực tế trên, nếu lương cơ sở tăng, thì thu nhập của họ cũng được cải thiện.

Mức lương “sống mòn” của giáo viên, nhân viên hợp đồng

Thầy Hồ Sỹ Hiếu đã có hơn 20 năm là giáo viên hợp đồng môn Thể dục ở Trường Tiểu học Hợp Thành (Yên Thành). Tuy nhiên, cho tới nay, mức lương của thầy chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra không có các chế độ phụ cấp, thâm niên và cũng không được tăng lương. Dù vậy, những năm qua, thầy vẫn tâm huyết, gắn bó với nghề, nhiều năm liền có học sinh đoạt giải ở các Hội khỏe Phù Đổng. Để có thêm thu nhập, thầy làm thêm nông nghiệp, cùng vợ ở nhà mở gian hàng tạp hóa.

Yên Thành là một trong những huyện có nhiều giáo viên hợp đồng nhất tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, giáo viên mầm non hợp đồng theo Thông tư 09 và Nghị định 06 được hưởng lương và chế độ tương đương viên chức. Thiệt thòi nhất là đối tượng hợp đồng huyện (24 người) và nhân viên hợp đồng trường học (26 người), chủ yếu ở cấp tiểu học. Trong đó nhiều người đã hợp đồng khoảng 20 năm.

Lương cơ sở tăng sẽ góp phần tăng thu nhập cho viên chức, người lao động ngành Giáo dục.

Lương cơ sở tăng sẽ góp phần tăng thu nhập cho viên chức, người lao động ngành Giáo dục.

Theo ông Trần Xuân Tĩnh, hiện lương giáo viên, nhân viên hợp đồng huyện lấy từ nguồn chi sư nghiệp giáo dục, được tính bằng 85% của lương khởi điểm (lương cơ sở nhân với hệ số bằng cấp ban đầu). Ngoài ra, họ không được hưởng các chế độ phụ cấp khác, không tăng hệ số lương. Vì vậy, mức lương của họ chỉ có thể cải thiện sau mỗi lần tăng lương cơ sở.

Cô Hoàng Thị Hồng là nhân viên y tế Trường Tiểu học thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Sau hơn 9 năm hợp đồng, cô vẫn nhận mức lương 2,8 triệu đồng/tháng. Nói là nhân viên y tế, nhưng cô còn kiêm cả thủ quỹ, văn thư, phục vụ… để có khoản tăng thêm mỗi tháng 300 nghìn đồng.

Cô chia sẻ gắn bó với vị trí này “để có công việc, vì lương chỉ nuôi bản thân cũng chưa đủ”. Cô cũng học xong Cao đẳng Sư phạm để xin tuyển dụng vào vị trí giáo viên mầm non, công việc hiện tại không tạo động lực phấu đấu cho mình, bản thân cũng khó phát triển.

Giáo viên, nhân viên hợp đồng tại Nghệ An đang có mức thu nhập rất thấp chỉ bằng mức lương khởi điểm.

Giáo viên, nhân viên hợp đồng tại Nghệ An đang có mức thu nhập rất thấp chỉ bằng mức lương khởi điểm.

Linh hoạt để có lợi cho giáo viên hợp đồng

Trường Tiểu học Nhân Thành, huyện Yên Thành Nghệ An năm học này có 4 giáo viên hợp đồng. Trong đó có 1 giáo viên văn hóa (hưởng lương từ nguồn chi thường xuyên) và 3 giáo viên Tin học, Tiếng Anh (sử dụng nguồn thu theo thỏa thuận để chi trả lương).

Cô Trần Thị Đa - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, các giáo viên hợp đồng của trường được trả lương tính theo tiết với 45 nghìn đồng/tiết. Việc tính lương như vậy có lợi hơn cho giáo viên, vì nếu dạy từ 23 - 28 tiết/tuần, họ có thu nhập khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng. Mức lương đó mới “giữ chân” thầy cô hợp đồng trong bối cảnh thiếu giáo viên tiểu học. Nhưng đổi lại do không chi trả theo lương cơ sở nhân hệ số, nên việc tăng lương cơ sở cũng không tác động đến thu nhập của giáo viên hợp đồng trường.

Tại Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), giáo viên hợp đồng theo chỉ tiêu biên chế, hưởng lương từ ngân sách hay hợp đồng để dạy thay cho giáo viên nghỉ chế độ thai sản… đều được tính theo mức lương cơ sở nhân với hệ số. Cụ thể, với lao động tốt nghiệp đại học, sau khi đóng bảo hiểm xã hội thì mức lương nhận được hàng tháng sẽ khoảng gần 4,8 triệu đồng, tính cả 35% phụ cấp đứng lớp.

Tuy nhiên, do thiếu nguồn nên trên thực tế, nhiều trường học phải hạ tiêu chí trình độ đào tạo để hợp đồng giáo viên. Trong trường hợp nếu giáo viên có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng thì với mức lương cơ sở nhân với hệ số lương tương ứng thì tổng thu nhập chỉ ở mức 3,9 triệu đồng/tháng.

Theo kinh nghiệm của cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành, mức lương này rất khó để tìm được giáo viên hợp đồng. Vì vậy, nhà trường linh hoạt vận dụng để có thể nâng thu nhập của giáo viên hợp đồng bằng cách khoán lương. Người lao động và đại diện nhà trường sẽ thỏa thuận mức lương 5 triệu/tháng với những giáo viên hợp đồng có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.

“Trường hợp khoán lương thường chỉ áp dụng đối với hợp đồng thời vụ với thời gian ký hợp đồng 3 tháng hoặc hợp đồng để dạy thay cho giáo viên nghỉ chế độ thai sản. Với những giáo viên ký hợp đồng theo chỉ tiêu biên chế thì không thể ký hợp đồng khoán lương được” - cô Thu Nguyệt thông tin.

Bà Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết, với giáo viên hợp đồng, dù là hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng hay hợp đồng theo từng năm học thì vẫn phải tính theo mức lương cơ sở. Nếu mức lương cơ sở tăng thì giáo viên hợp đồng sẽ được tính theo lương mới.

Theo ông Mai Ngọc Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu, địa bàn có 29 nhân viên hợp đồng trường học. Trong đó có 27 nhân viên y tế và 2 nhân viên kế toán. Hầu hết số này đều ký hợp đồng từ năm 2013 trở về trước và người lâu nhất cũng đã gần 20 năm. Tương tự nhiều địa phương khác trong tỉnh, tiền lương cho nhân viên hợp đồng trường học lấy từ nguồn chi thường xuyên, được tính bằng mức lương khởi điểm. Về phía ngành, sắp tới nếu đề xuất tăng lương cơ sở được thông qua, phòng sẽ lập tờ trình gửi huyện để áp dụng điều chỉnh lương cho nhân viên hợp đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.