Giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội: Ứa nước mắt giã từ giáo án

GD&TĐ - Dù lãnh đạo TP Hà Nội luôn khẳng định sẽ có những chính sách tuyển dụng nhân văn đối với các giáo viên hợp đồng (GVHĐ) trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, trước thềm năm học mới, hàng loạt thầy cô đã bị thanh lý hợp đồng và không còn được đứng trên bục giảng.

Cô Nguyễn Thị Hằng bị chấm dứt hợp đồng lao động từ 31/8/2019
Cô Nguyễn Thị Hằng bị chấm dứt hợp đồng lao động từ 31/8/2019

Oằn mình mưu sinh

Hơn 21 năm làm GVHĐ, cô Nguyễn Thị Hằng - GV Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội) chỉ nhận được mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Trong khi chờ quyết định cuối cùng trong công tác tuyển viên chức GD của TP Hà Nội, cô Hằng cũng như nhiều thầy cô khác đã bị cắt hợp đồng trước thềm năm học mới.

Cô Hằng tâm sự: "Khi nhận được thông báo quyết định nghỉ việc, tôi cảm thấy rất buồn. Ngôi trường và bục giảng đã gắn bó suốt 21 năm giờ như đã quá xa lạ. Với thân phận là GVHĐ, không được tăng lương hay hưởng bất kỳ phụ cấp ưu đãi gì, thế nhưng tôi vẫn là GV dạy giỏi, chiến sĩ thi đua đào tạo nhiều thế hệ HS giỏi.

Sau khi không được nhận lương, thu nhập bây giờ phụ thuộc vào đàn gà hơn 20 con được nuôi trong vườn. Khi cầm tờ quyết định có nỗi buồn khó tả, hoang mang, lo lắng không biết tương lai thế nào. Phải nói là quá hụt hẫng khi tôi đang là lao động chính trong gia đình, một mình nuôi 3 cháu, trong đó một cháu mới đỗ vào trường THPT. Bây giờ công việc của mẹ thế này thì sẽ rất khó khăn để nuôi con ăn học”.

Thầy Tăng cho biết: “Trước đây chưa có trả lương qua thẻ đến tháng nhìn đồng nghiệp nhận vài triệu đồng trong khi đó mình chỉ có hơn 1,2 triệu đồng thấy ngượng lắm. Còn bây giờ trả lương qua thẻ, mỗi tháng nhận lương tôi đều phải đợi mọi người rút xong thì mình mới vào rút vì cũng chỉ được có hơn 1,2 triệu đồng”.

Còn thầy Phùng Đức Tăng - GV Trường THCS Phú Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội) bộc bạch: “Hơn 19 năm gắn bó vì tình yêu nghề, yêu HS nhưng tôi phải làm thêm đủ thứ nghề để tăng thêm thu nhập như lắp đặt, bảo dưỡng điều hòa, sữa chữa đồ điện tử, điện lạnh và cả nghề hàn xì... Thế nhưng, ngày 15/8 vừa qua, tôi đã chính thức nhận được thông báo phải chấm dứt hợp đồng.

Đó là một kỉ niệm buồn, vì đó là ngày tựu trường đầu tiên của năm học mới, cũng là lúc nhận được giấy báo phải nghỉ việc. Có nhiều học trò không thấy thầy dạy nữa ra hỏi thăm, rồi nhắn tin hỏi thăm thầy sao con đi học mà không thấy thầy đâu, mỗi lần như thế tôi lại ứa nước mắt. Cũng vài lần đi bảo dưỡng điều hoà, thầy vào đúng nhà của HS, và những lúc đó lại thấy rất nhớ trường, nhớ lớp”.

Nỗi ám ảnh của thầy Tăng và nhiều GVHĐ khác chính là chiếc thẻ ATM và ngày nhận lương. 

Cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là khai giảng năm học mới, nhiều GVHĐ vẫn chưa có bất kỳ bảo đảm nào cho việc có được ký tiếp hợp đồng hay không? Liệu có được xét đặc cách hay thi tuyển kết hợp xét tuyển, thi tuyển có ưu tiên hay nếu đăng ký thi tuyển thì chỉ tương đương với các thí sinh tự do khác? Bởi hầu hết các quận huyện cho biết vẫn chưa nhận được chỉ đạo bằng văn bản của thành phố nên chưa thể có chính sách ưu tiên gì với GVHĐ.

Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội tại Hội nghị triển khai năm học mới 2019 - 2020 đề cập đến một số vấn đề còn khiến người dân bức xúc cần giải quyết dứt điểm, trong đó có việc việc xét tuyển GV hợp đồng nhiều năm. Qua rà soát có khoảng hơn 2.000 GV hợp đồng lâu năm cần giải quyết vào biên chế.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo sẽ xét tuyển đối với toàn bộ GV có hợp đồng lâu năm sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời Hà Nội có thể thực hiện xét tuyển theo thẩm quyền. Một số điều kiện cụ thể đi kèm bao gồm: Thứ nhất là GV có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây. Thứ hai là có kiểm tra bảo đảm sức khỏe. Thứ ba là có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là GV phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.

Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt diễn ra tại huyện Mỹ Đức: GV hợp đồng dù công tác lâu năm vẫn không hề được đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, từ hàng chục năm nay, các GV hợp đồng tại đây chỉ được ký hợp đồng thời vụ 3 tháng và không được đóng BHXH. Lãnh đạo huyện cho biết do ngân sách không đủ để đóng. Đồng thời, nếu đóng BHXH, khi GV không đỗ viên chức, thì cũng rất khó giải quyết. Vấn đề được “đẩy lại” về phía các trường! Còn người lao động, khi nghe tin GV hợp đồng có cơ hội được xét đặc cách thì không khỏi xót xa.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai năm học mới 2019 - 2020 của Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung một lần nữa đề nghị các ngành liên quan trong năm học này giải quyết dứt điểm, không để còn tình trạng GV hợp đồng lâu năm. Trong đó, sẽ xem xét bao gồm cả những trường hợp không được đóng BHXH tại huyện Mỹ Đức. Một quyết định nhân văn khiến những GV hợp đồng vốn được ví với thân phận “con nuôi” lại nhen nhóm lên hy vọng.

Ngày 15/8, tại Hội nghị tổng kết hoạt động Công đoàn năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của Công đoàn ngành GD-ĐT Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức một lần nữa khẳng định Công đoàn các nhà trường, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cùng với Liên đoàn Lao động thành phố và Công đoàn ngành GD Việt Nam, cần có tiếng nói để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhất là những GVHĐ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.