Video dài hơn 11 phút ghi lại giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 1, phía cuối lớp là một số giáo viên khác đang ngồi dự giờ. Với tiêu đề theo hướng thu hút người đọc “Nghe nổi da gà: Những tiết dự giờ diễn xuất nhất hệ mặt trời” kèm theo các bình luận cũng không kém phần phản cảm chắc hẳn sẽ làm cho người xem không khỏi xót xa.
Cần tránh những giờ học không cảm xúc
Xin được phép không nhận định về cách mà cô giáo trong video đang làm. Tuy nhiên, trong vai trò một giáo viên đang giảng dạy ở bậc tiểu học hơn 10 năm, cũng không ít lần lo lắng khi nhiều đồng nghiệp dự giờ các tiết học của mình, tôi hiểu những gì cô giáo và nhiều đồng nghiệp khác đang làm trong các giờ thao giảng. Chính cảm giác lo lắng ấy làm cho nhiều giáo viên phải “đối phó” bằng cách chuẩn bị thật kỹ từ phía bản thân người dạy lẫn người học, chỉ chờ đến giờ G là cùng nhau diễn.
Tôi tin chắc, nhiều đồng nghiệp cũng cảm thấy xấu hổ sau những giờ học không cảm xúc ấy vì đâu đó thầy cô đang dạy cho học sinh biết gian dối. Sau vài năm của những ngày mới bước chân vào nghề, tôi lại nhận ra “Tại sao giáo viên không hình thành kỹ năng cho học sinh trong từng giờ học, khơi gợi đam mê học tập cho các em trong mỗi ngày đến trường thì người thầy đâu phải khổ sở để “diễn” đến thế?”
Thực tế, khi đến với nghề giáo, mỗi chúng ta đều có lựa chọn riêng cho con đường giáo dục của mình: đó có thể là người “truyền lửa” nhưng đôi khi chỉ đóng vai trò “đổ đầy” kiến thức cho học sinh. Điều tuyệt vời của nghề dạy học chính là khơi gợi hứng thú cho người học.
Đối với nhiều người, đôi khi công việc này không dễ dàng nhưng đó cũng không hẳn là một việc quá khó khăn nếu bản thân bạn mong muốn thực hiện. Hãy luôn tin rằng khi các em được tạo động lực trong từng giờ học cũng chính là lúc bản thân người dạy được thăng hoa trong công việc của mình.
Lớp học là ngôi nhà thứ hai
Khi đến tuổi đi học, lớp học chiếm hầu hết thời gian của đứa trẻ. Hãy làm cho học sinh yêu lớp học như chính ngôi nhà của các em. Từ cửa lớp, cửa sổ, bảng trang trí,.. đều có bóng dáng sản phẩm của các em dù còn vụng về nhưng các em vẫn yêu hơn rất nhiều những tác phẩm công phu từ bàn tay của giáo viên. Hãy hình thành các giá trị sống: yêu thương, hạnh phúc, tôn trọng, trách nhiệm, đoàn kết,…thông qua các trò chơi, video ý nghĩa để các em được sống, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau như những thành viên trong gia đình.
Mỗi giờ học là một hành trình khám phá
Đừng nghĩ rằng bạn đang dạy một môn học mà là bạn đang dạy những con người, những đứa trẻ có tâm hồn, có cảm nhận. Các em sẽ dễ dàng quên đi công thức toán tính diện tích hình tròn khô khan mà bạn đang cố bắt ép chúng ghi nhớ nhưng các em sẽ ghi nhớ cách mà bạn cho các em khám phá công thức ấy qua việc thao tác trên những thỏi phô mai.
Hãy để các em có cơ hội tham gia vào bài học của bạn, chính việc xử lí thông tin sẽ giúp các em hào hứng và ghi nhớ dễ dàng hơn.
Sự công nhận kịp thời
Trong tháp nhu cầu của Maslow, nhu cầu được thể hiện bản thân là bậc cao nhất của con người và học sinh cũng không ngoại lệ. Một lần phát biểu nhưng bị giáo viên phớt lờ có thể các em vẫn sẽ cố gắng vào lần sau.
Tuy nhiên, thái độ này của giáo viên nếu được lặp đi lặp lại thì không một sự cố gắng nào có thể được duy trì. Nếu bạn nhận thấy một đứa trẻ đã làm chủ một kỹ năng cụ thể, tiến bộ hơn những lần trước hoặc xuất sắc trong một trò chơi nào đó, đừng ngần ngại hãy dành cho các em một lời khen, một hình dán hoặc một nụ cười từ bạn. Nếu bạn ghi nhận sự cố gắng của các em nhưng giữ cho riêng mình thì khó lòng có thể tạo động lực cho các em.
Hơn cả một người thầy
Câu thần chú giúp cho công tác chủ nhiệm và giảng dạy của người giáo viên thành công đó chính là “Lắng nghe, lắng nghe và… lắng nghe”.
Nhiều học sinh đã từng chia sẻ rằng: “Con thích học ở lớp này vì con được lắng nghe, ý kiến của con luôn được tôn trọng và ghi nhận.”. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì được lắng nghe chính là nhu cầu tối thiểu của một con người.
Hãy sẵn sàng dành thời gian nói chuyện với học sinh của bạn và tìm hiểu những gì các em quan tâm để bạn có thể điều chỉnh việc dạy học của mình sao cho phù hợp nhất. Tờ giấy nhỏ phát vào cuối tuần để các em chia sẻ những điều thích hoặc không thích là một ví dụ mà giáo viên có thể làm để các em cảm nhận mình được lắng nghe.
Hãy cho mình cơ hội, trách nhiệm được trở thành hơn một người thầy của các em qua những hành động nhỏ thường ngày. Hãy luôn tin tưởng ở học trò của bạn để trong mắt các em bạn còn hiện hữu như một người cha, người mẹ, người bạn lớn.