Đó là chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Trung - Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ trong buổi làm việc với Đảng ủy, cán bộ chủ chốt Sở GD&ĐT TP Cần Thơ ngày 13/9.
Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục có hiệu quả
Báo cáo tình hình triển khai giảng dạy theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - cho biết: Chủ trương của Sở là tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ hơn về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục. Phụ huynh thắc mắc thì nhà trường giải thích rõ ràng; nếu phụ huynh muốn chuyển con học chương trình Tiếng Việt theo sách giáo khoa hiện hành thì sẽ giải quyết cho chuyển; vì hiện nay thành phố vẫn có những lớp 1 dạy theo sách giáo khoa Tiếng Việt hiện hành.
Theo bà Trần Hồng Thắm: Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục là có hiệu quả, mỗi năm học ngành đều có tổ chức đánh giá (cuối năm học 2017 - 2018 vừa qua cũng có tổ chức đánh giá). Kết quả mang lại hiệu quả tốt, giúp HS đọc chữ nhanh và ít sai chính tả. Học hết lớp 1, các em lên lớp 2 học chương trình Tiếng Việt hiện hành thì đọc thông viết thạo.
Về tình hình phản ứng của phụ huynh, bà Trần Hồng Thắm, cho biết: Sau khai giảng, ở một số trường tiểu học có phụ huynh đến thắc mắc về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục. Đơn cử như Trường TH Hưng Phú 2 (quận Cái Răng), sau ngày khai giảng có khoảng 30 người đến trường hỏi về chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục.
Trong số đó có khoảng 10 người là phụ huynh, một số người khi được hỏi con học ở đâu, lớp nào thì không nói. Một trường tiểu học ở huyện Thới Lai sau khai giảng cũng có 3 người tới trường để hỏi về chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, qua xác định trong đó chỉ có 1 người là phụ huynh HS… Một số clip hiện nay lan truyền trên mạng được cắt ghép, gây hoang mang dư luận và phụ huynh.
Cần tăng cường tuyên truyền để phụ huynh, xã hội hiểu
Trao đổi thêm về việc triển khai chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - cho biết: Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục được triển khai tại Cần Thơ từ năm 2015 đến nay, chỉ đạo là theo tinh thần tự nguyện. Đến nay, TP Cần Thơ có 161 trường tiểu học triển khai giảng dạy chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục (tỷ lệ 90%).
Theo ông Hồng, vấn đề xảy ra là khi chỉ đạo chương trình này là tự nguyện (tức là phải có đăng ký của phụ huynh); nhưng khi triển khai thì thấy chưa thể hiện rõ nét vấn đề tự nguyện. Sơ suất của chúng ta là không tổ chức cho phụ huynh đăng ký tự nguyện (bằng đơn, đồng ý hay không đồng ý).
Vì cách làm hiện nay là các Phòng GD&ĐT đăng ký lên Sở, Sở GD&ĐT đăng ký với Bộ về chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục. Qua đó cũng cho thấy, công tác tuyên truyền về chương trình chưa đến nơi đến chốn; tới đây cần phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng cho GV, phụ huynh, HS và cả cán bộ công chức hiểu rõ hơn.
Theo ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã được thực hiện trong nhiều năm qua với sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Cần Thơ đã thực hiện 161/180 trường (tỷ lệ 90% trường TH). Sở dĩ chương trình chưa nhận được sự đồng tình, gây phản ứng là do công tác tuyên truyền chưa tốt, nhất là vấn đề tự nguyện đăng ký của phụ huynh.
Tại Cần Thơ, chúng tôi đề nghị cần phải tăng cường, giải thích tạo sự đồng thuận cho phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh lớp 1. Nhất là những nơi phụ huynh chưa hiểu rõ chương trình. Công tác tuyên truyền không chỉ riêng ngành Giáo dục mà cần kết hợp chặt chẽ với hội phụ huynh, đoàn thể địa phương, nhà trường… để làm sao xã hội, phụ huynh nắm rõ.
Trao đổi về tình hình triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, đồng chí Trần Quốc Trung - Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ đề nghị ngành Giáo dục TP Cần Thơ cùng các ngành liên quan cần tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh. Nơi nào phụ huynh chưa rõ, chưa thông thì nhà trường kết hợp với các đơn vị họp phụ huynh và tuyên truyền, giải thích thật rõ, cụ thể, dễ hiểu. Trong quá trình triển khai chương trình, ngành cũng cần nắm tình hình, những ưu điểm, hạn chế để có những đề xuất, chỉ đạo kịp thời.