Phương pháp dạy học nào phù hợp nhất với môn Lịch sử?
Là giáo viên giỏi, gắn bó nhiều năm với môn Lịch sử, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cho rằng, không có phương pháp dạy học nào là vạn năng. Tùy từng điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị, đối tượng học sinh, năng lực tổ chức của giáo viên mà chọn sử dụng phương pháp dạy học phù hợp nhất.
Môn Lịch sử cũng vậy, phương pháp dạy học phù hợp với môn Lịch sử chính là những phương pháp đặc thù đó; và được chia thành các nhóm phương pháp: Nhóm phương pháp thông tin tái hiện lịch sử (miêu tả, tường thuật, giải thích, trực quan); nhóm phương pháp phát triển khả năng nhận thức cho học sinh (Phương pháp sử dụng sách giáo khoa, phương pháp trao đổi, đàm thoại); nhóm phương pháp tìm tòi nghiên cứu.
Trong những phương pháp này có những phương pháp dạy học truyền thống và những phương pháp dạy học tích cực. Tùy mỗi bài học, thầy cô sử dụng phương pháp dạy học khác nhau, và có khi phải sử dụng nhiều phương pháp dạy học một lúc. Vấn đề mấu chốt, thầy cô phải căn cứ vào mục đích yêu cầu bài học, đối tượng học sinh, cơ sở vật chất của nhà trường để lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp nhất.
Chia sẻ cách làm từ kinh nghiệm thực tiễn để giúp học sinh hào hứng trong giờ học Lịch sử, cô Vũ Thị Anh nhấn mạnh việc kết hợp nội dung kiến thức thông qua các trò chơi lịch sử; xây dựng các video ngắn từ 3-5 phút về các nhân vật, sự kiện lịch sử để thay đổi cách tiếp cận và không khí giờ học.
Giao nhiệm vụ cho học sinh làm các video ngắn theo nhóm về các nhân vật, sự kiện lịch sử với thời lượng dưới 3 phút. Việc làm video giúp các em rèn năng lực hợp tác, tìm hiểu sâu về nhân vật, sự kiện lịch sử và rèn khả năng thuyết trình, kĩ năng công nghệ thông tin;
“Tổng kết mỗi bài học, mỗi chương, tôi thường sử dụng sơ đồ tư duy để khái quát giúp học sinh hiểu được những nội dung cốt lõi. Cùng với đó, tóm tắt kiến thức bằng những từ khóa ngắn gọn. Học sinh luyện tập bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm theo bài và thường xuyên cho học sinh luyện đề theo cấu trúc đề minh họa” - cô Vũ Thị Anh chia sẻ.
Riêng với dạy học Lịch sử theo hình thức trực tuyến, theo cô Vũ Thị Anh, cần đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học để thu hút học sinh bằng sử dụng phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề; sử dụng phương pháp trò chơi nhằm tăng sự tương tác giữa học sinh và giáo viên.
Giáo viên sử dụng trò chơi trong dạy học Lịch sử giúp học sinh thay đổi hình thức, phương pháp học truyền thống trước đây, làm cho giờ học bớt căng thẳng, nặng nề, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu, tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, hứng thú, đồng thời phát triển các phẩm chất, kỹ năng.
Thầy cô có thể thiết kế các mini game, như: Ô chữ, “Ai là triệu phú”, Quay số, Đúng hay sai... Ví dụ, với trò chơi “Đúng hay sai”, giáo viên nêu tên một nhân vật/niên đại và 3 sự kiện cùng với mỗi nhân vật/niên đại đó để học sinh lựa chọn những sự kiện gắn liền với nhân vật lịch sử/niên đại; chỉ cần trả lời đúng hoặc sai…
Các trò chơi bao giờ cũng được tiến hành theo những nguyên tắc nhất định. Giáo viên cần chọn trò chơi phù hợp, xác định được phạm vi, mục đích của trò chơi; tổ chức, biên soạn câu hỏi cho trò chơi phải bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng của bộ môn. Trò chơi cần động viên, khích lệ học sinh tham gia bằng cách cho điểm hoặc khen ngợi các em có câu trả lời nhanh và đúng nhất.
Sử dụng linh hoạt nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá
Nhấn mạnh vai trò của đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy học Lịch sử, cô Vũ Thị Anh cho rằng, cần sử dụng kết hợp linh hoạt nhiều hình thức kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập của học trò để có những điều chỉnh kịp thời, không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra đánh giá định kì.
Cụ thể: Đưa hoạt động kiểm tra đánh giá lồng ghép vào quá trình dạy học, trở thành một yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giờ học. Tập trung kiểm tra đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết các vấn đề thực tiễn của học trò. Việc xây dựng câu hỏi để kiểm tra đánh giá cũng cần được đầu tư một cách thỏa đáng. Tích cực sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá, vừa có độ tin cậy, vừa mang lại cảm giác hưng phấn đối với người học.
CôVũ Thị Anh ví dụ, để có thể lấy được điểm thường xuyên (gồm điểm Miệng, điểm kiểm tra 15) trong 1 giờ dạy, giáo viên có thể lấy được nhiều điểm Miệng cho học sinh thông qua 5 cách như sau:
Cách 1: Hoạt động Khởi động, hoạt động Luyện tập cho học sinh chơi trò chơi trên Quizizz khoảng 5 câu hỏi để ôn lại kiến thức cũ, củng cố nội dung bài học. Trước khi chơi, giáo viên thống nhất với học sinh sẽ cho điểm những học sinh trả lời đúng 5 câu, tốc độ nhanh trong top 5.
Cách 2: Trong hoạt động hình thành kiến thức, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh làm việc cặp đôi/nhóm lớn khoảng 8 học sinh. Sau khi hoàn thành, giáo viên gọi ngẫu nhiên 1-2 cặp hoặc nhóm trình bày. Các cặp/nhóm khác sẽ lắng nghe, nhận xét. Nếu cặp/ nhóm trả lời và nhận xét tốt, giáo viên lấy điểm.
Cách 3: Để thích ứng phù hợp với dạy học trực tuyến, giáo viên sẽ giao nhiệm vụ bài mới trước cho học sinh. Yêu cầu học sinh hoàn thiện và nộp sản phẩm lên Teams, Padlet,... Trước khi tổ chức cho học sinh dạy học trên lớp, giáo viên sẽ vào kiểm tra, đánh dấu vào sổ theo dõi. Nếu học sinh nộp bài đủ, đúng thời gian quy định 5 lần liên tiếp, giáo viên sẽ lấy điểm thường xuyên cho học sinh.
Cách 4: Khi trở lại học trực tiếp, giáo viên có thể kiểm tra vở ghi chép của học sinh để lấy điểm.
Cách 5: Trong quá trình dạy-học, nếu học sinh nào liên tục xung phong, giơ tay phát biểu, hoàn thiện sản phẩm giáo viên giao, giáo viên lấy điểm cho học sinh.