"Truyền lửa" tình yêu Lịch sử cho trò

GD&TĐ - Tại Trường THPT Hà Huy Giáp (TP Cần Thơ), bên cạnh đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử, nhà trường còn có nhiều giải pháp giúp trò yêu môn học.

Thầy, trò Trường THPT Hà Huy Giáp (TP Cần Thơ) thăm khu di tích tại tỉnh Đồng Tháp.
Thầy, trò Trường THPT Hà Huy Giáp (TP Cần Thơ) thăm khu di tích tại tỉnh Đồng Tháp.

Tạo hứng thú trong học tập cho học sinh

Theo thầy Đào Xuân Thuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp,  Lịch sử là môn học rất quan trọng đối với mỗi học sinh. Môn học sẽ hình thành ý thức về cội nguồn, lòng tự hào dân tộc, từ đó hình thành nhân cách, lý tưởng tốt đẹp của người công dân.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của học sinh đối với môn học này là nội dung nhiều, nhiều mốc thời gian sự kiện dẫn đến việc học sinh quá tải. Việc giảng dạy môn Lịch sử ở nhà trường hiện nay là vấn đề được quan tâm rất nhiều. Các thầy cô cũng đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học mới để nâng cao hiệu quả, thu hút học sinh học tập.

Thầy Đào Xuân Thuyên nhấn mạnh: Để học sinh yêu thích môn Lịch sử, thứ nhất, không nên gây áp lực môn học lên học sinh như cho ghi bài nhiều, truyền tải nội dung nhiều, nhiều sự kiện mốc thời gian, kiểm tra theo kiểu đọc thuộc lòng… mà phải tạo tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng trong học tập.

Thứ hai là đổi mới phương pháp dạy học, tránh việc giáo viên đọc cho học sinh ghi, nội dung dài… mà phải phát huy tính tự học sáng tạo của học sinh thông qua bài học để các em lĩnh hội những kiến thức cần đạt được .

Đa dạng hóa các hoạt động dạy học như các hoạt động trải nghiệm tại các khu di tích, bảo tàng, các hoạt động sân khấu hóa, hội thi, trò chơi hóa... để tạo không khí thoải mái khi tham gia học tập từ đó tạo sự đam mê, hứng thú đối với môn học.

Thầy Đào Xuân Thuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp (TP Cần Thơ).
Thầy Đào Xuân Thuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp (TP Cần Thơ).

Thứ ba là phải quan tâm đổi mới phương pháp kiểm đánh giá, giảm bớt việc yêu cầu học sinh phải nhớ thuộc lòng nhiều nội dung, hàng loạt sự kiện… Phải tăng cường việc khơi dậy học sinh nhận xét, đánh giá, so sánh…các sự kiện lịch sử để từ đó rút ra những bài học cho bản thân.

Theo thầy Đào Xuân Thuyên, môn Lịch sử rất cần thông qua những xúc động từ bài giảng, những câu chuyện kể, gắn kết những câu chuyện lịch sử trong cuộc sống hiện tại… Tuy nhiên, thời lượng một tiết học thì rất hạn chế (45 phút).

Để thực hiện được hài hòa các hoạt động trong một tiết học thì yêu cầu giáo viên phải khéo léo sắp xếp, phân chia thời gian hợp lý ở các hoạt động để đảm bảo nội dung trọng tâm bài học đồng thời tăng tính thu hút, thoải mái trong tiết học. Để thực hiện được các hoạt động như vậy, người giáo viên không nên “tham kiến thức” giảng quá nhiều khiến học sinh “bội thực kiến thức” dẫn đến  không tập trung học tập.

Một vấn đề  nữa là giáo viên không nên yêu cầu học sinh phải ghi nội dung quá dài, những nội dung đã có sẵn trong sách giáo khoa. Nên hướng dẫn học sinh nắm những nội dung cốt lõi, trọng tâm của bài học. Từ đó giáo viên tiết kiệm được thời gian để dành cho các hoạt động khác như trò chơi, đố vui, kể chuyện… tạo nên tiết học Lịch sử trở nên nhẹ nhàng, thoải mái và hấp dẫn hơn.

Thầy, trò Trường THPT Hà Huy Giáp tham quan Khu di tích lịch sử thành lập Chi bộ An Nam cộng sản Đảng tại Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).
Thầy, trò Trường THPT Hà Huy Giáp tham quan Khu di tích lịch sử thành lập Chi bộ An Nam cộng sản Đảng tại Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).

Giáo viên là người truyền cảm hứng

Theo thầy Đào Xuân Thuyên, tại Trường THPT Hà Huy Giáp cũng như các đơn vị khác, học sinh cũng có một bộ phận còn lười học tập môn Lịch sử, học một cách đối phó, chưa nhận thức đầy đủ về môn học.

Để khắc phục tình trạng này, trong nhiều năm qua, nhà trường mà trực tiếp là Tổ bộ môn Lịch sử đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả giảng dạy, lôi cuốn thu hút học sinh học tập.

Tạo hứng thú đối với học sinh trong học tập môn Lịch sử là một điều trăn trở lớn đối với mỗi giáo viên bộ môn. Với vai trò là một giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, thầy luôn quan niệm rằng người thầy phải thể hiện thái độ vui vẻ, cởi mở, gần gũi, thân thiện trong quá trình lên lớp.

Không được mang bầu không khí u ám để cộng hưởng với sự nặng nề của khối lượng kiến thức môn học, làm cho học sinh cảm thấy tiết học nặng nề. Người giáo viên phải là người truyền cảm hứng đối với học sinh khi tham gia học tập môn Lịch sử.

Giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng các hoạt động dạy học có tính sinh động như thảo luận, nhận xét, so sánh, kể chuyện, làm sản phẩm… Sử dụng đồ dùng dạy học trực quan sinh động, giúp học sinh khám phá và lĩnh hội kiến thức tránh việc truyền thụ kiến thức một chiều, nặng nề. Tổ chức các hoạt động dã ngoại để tạo cảm hứng học tập.

Phải đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, ra đề phù hợp với thời lượng và nội dung bài học, không nặng về học thuộc lòng, không nên “đánh đố” học sinh. Thay thế việc học thuộc lòng bằng việc giúp các em hiểu về vấn đề lịch sử đó để rồi rút ra bài học cho bản thân. Đó là mục tiêu điều quan trọng mà môn Lịch sử cần đạt được.

Bên cạnh đó giáo viên nên tạo những cơ chế động viên, khuyến khích các em thông qua các hoạt động cộng điểm, điểm tích lũy... trong quá trình học tập, để các em có động lực, cảm hứng học tập môn học.

“Lịch sử trở thành môn tự chọn ở cấp THPT không có nghĩa là “khai tử” môn học này. Để môn Lịch sử “sống mãi” và phát triển thì những người tham gia về công tác giảng dạy môn Lịch sử mà trực tiếp là giáo viên phải đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp để xóa mờ đi ý nghĩ Lịch sử là môn học nặng nề, khô khan...”, thầy Đào Xuân Thuyên nhấn mạnh.

Trong dạy học Lịch sử, giáo viên “truyền lửa” cho học sinh là một vấn đề quan trọng góp phần quyết định sự thành bại của môn học. Khi học sinh đã có cảm hứng với giáo viên, với môn học thì việc dạy học môn Lịch sử sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. Đây là một điều kiện tiên quyết để giáo viên thực hiện tốt việc giảng dạy môn Lịch sử. - Thầy Đào Xuân Thuyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.