Giao lưu trực tuyến: Bồi đắp tình yêu với môn Lịch sử

“Bồi đắp tình yêu với môn Lịch sử" là chủ đề Chương trình giao lưu trực tuyến diễn ra trên báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h30 đến 10h30, ngày 12/5/2022. 

Giao lưu trực tuyến: Bồi đắp tình yêu với môn Lịch sử

Tham gia Chương trình có các khách mời:

Thầy Nguyễn Đình Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực, huyện Yên Thành, Nghệ An;

Cô Vũ Thị Anh, giáo viên Lịch sử, Trường  THPT Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Nhiều năm nay, vấn đề đổi mới phương pháp để tăng hứng thú, hiệu quả dạy học, trong đó có dạy học môn Lịch sử đã được đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều học sinh ngại học Lịch sử và môn học này thường được nhắc đến gắn với những con số, sự kiện dài và khó nhớ.

Để đổi mới phương pháp giáo dục, đối với môn Lịch sử cần phải chú ý đến dạy và học lịch sử theo định hướng tiếp cận năng lực; mở rộng không gian dạy học, không chỉ trong lớp học mà còn trên thực địa (di tích lịch sử và văn hoá), bảo tàng, khu triển lãm,...; tổ chức cho học sinh đi tham quan, dã ngoại, kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động trải nghiệm trên thực tế. Kết hợp giữa giáo dục lịch sử trong nhà trường với gia đình và xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học lịch sử, khuyến khích học sinh tự tìm đọc, thu thập tư liệu lịch sử. Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục ở môn Lịch sử…

Làm cho mỗi giờ học lịch sử hấp dẫn, cuốn hút học sinh chính là cách tốt nhất để bồi đắp cho các em tình yêu với môn Lịch sử. Từ trải nghiệm thực tế, các khách mời giao lưu sẽ chia sẻ những cách làm hiệu quả, để mỗi ngày bồi đắp cho học sinh tình yêu với môn học.

Để giao lưu cùng các khách mời, độc giả có thể gửi câu hỏi tới khách mời tại đây, hoặc qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua Fanpage của Báo.

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực, huyện Yên Thành, Nghệ An

Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Giáo viên Lịch sử, Trường THPT Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên

Bạn đọc

Bạn ngoc anh@gmail...:

Mong cô chia sẻ kinh nghiệm nhằm cuốn hút học sinh trong dạy học môn Lịch sử theo hình thức trực tuyến?
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh và đội hình học sinh Trường THPT Ân Thi đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch Sử
Cô Vũ Thị Anh và đội hình học sinh Trường THPT Ân Thi đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch Sử

Đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học để thu hút học sinh bằng sử dụng phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề; sử dụng phương pháp trò chơi nhằm tăng sự tương tác giữa học sinh và giáo viên. Sử dụng trò chơi trong dạy học Lịch sử giúp học sinh thay đổi hình thức, phương pháp học truyền thống trước đây, làm cho giờ học bớt căng thẳng, nặng nề, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu, tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, hứng thú, đồng thời phát triển các phẩm chất, kỹ năng.

Giáo viên có thể thiết kế các mini game, như: Ô chữ, “Ai là triệu phú”, Quay số, Đúng hay sai... Ví dụ, với trò chơi “Đúng hay sai”, giáo viên nêu tên một nhân vật/niên đại và 3 sự kiện cùng với mỗi nhân vật/niên đại đó để học sinh lựa chọn những sự kiện gắn liền với nhân vật lịch sử/niên đại; chỉ cần trả lời đúng hoặc sai…“Các trò chơi bao giờ cũng được tiến hành theo những nguyên tắc nhất định. Giáo viên cần chọn trò chơi phù hợp, xác định được phạm vi, mục đích của trò chơi; tổ chức, biên soạn câu hỏi cho trò chơi phải bám sát “chuẩn kiến thức kĩ năng” của bộ môn. Trò chơi cần động viên, khích lệ học sinh tham gia bằng cách cho điểm hoặc khen ngợi các em có câu trả lời nhanh và đúng nhất.

Bạn đọc

Bạn hienthuc@gmail...:

Chương trình môn học có tính kết nối cao, nhất là kết nối nội dung học tập của môn Lịch sử với các môn học như: Ngữ văn, Đạo đức, Quốc phòng – An ninh, hoạt động trải nghiệm; kết nối giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội… Theo cô, cần làm thế nào để có thể khai thác được hiệu quả nhất tính kết nối này trong dạy học Lịch sử?
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Để khai thác được tính kết nối trong dạy học Lịch sử thì thầy và trò sẽ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc dạy và học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả bài học.

Bạn đọc

Bạn tuankhang@gmail...:

Cô vận dụng tính “mở” của chương trình Lịch sử như thế nào để phát huy cao độ vai trò chủ động, sáng tạo của cả thầy và trò?
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Tôi vận dụng tính “mở” như sau:

- Chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện dạy học của cơ sở mình.

- Tự do, sáng tạo trong dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh. 

- Sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi và tìm kiếm kiến thức một cách hiệu quả. Rút ngắn khoảng cách để kết nối giáo viên với học sinh, học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi.

Bạn đọc

Bạn anhdung@gmail...:

Để đổi mới phương pháp giáo dục, đối với môn Lịch sử cần phải chú ý những vấn đề nào? Mong được cô chia sẻ.
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Để đổi mới phương pháp giáo dục, đối với môn Lịch sử tôi cho rằng giáo viên hãy là người truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử. Thầy cô cần đổi mới phương pháp một cách sáng tạo, phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

Bạn đọc

Bạn thuthuy@gmail....:

Đánh giá năng lực và phẩm chất không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử làm trung tâm của việc đánh giá. Vậy cô triển khai kiểm tra đánh giá kết quả học tập học sinh với môn Lịch sử theo định hướng phát triển năng lực như thế nào?
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh và học sinh trong giờ học Lịch sử.
Cô Vũ Thị Anh và học sinh trong giờ học Lịch sử.

Trước hết cần sử dụng kết hợp linh hoạt nhiều hình thức kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập của học trò để có những điều chỉnh kịp thời, không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra đánh giá định kì. Đưa hoạt động kiểm tra đánh giá lồng ghép vào quá trình dạy học, trở thành một yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giờ học.

Tập trung kiểm tra đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết các vấn đề thực tiễn của học trò. Vì thế mà việc xây dựng câu hỏi để kiểm tra đánh giá cũng cần được đầu tư một cách thỏa đáng. Tích cực sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá, vừa có độ tin cậy, vừa mang lại cảm giác hưng phấn đối với người học.

Ví dụ: Để có thể lấy được điểm thường xuyên (gồm điểm Miệng, điểm kiểm tra 15") trong 1 giờ dạy, tôi có thể lấy được nhiều điểm Miệng cho học sinh thông qua:

Cách 1: Hoạt động Khởi động, hoạt động Luyện tập cho các em chơi trò chơi trên Quizizz khoảng 5 câu hỏi để ôn lại kiến thức cũ, củng cố nội dung bài học. Trước khi chơi tôi thống nhất với học sinh: Ai trả lời đúng 5 câu, tốc độ nhanh trong top 5, cô giáo sẽ lấy điểm.

Cách 2: Trong hoạt động hình thành kiến thức, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh làm việc cặp đôi/nhóm lớn khoảng 8 học sinh. Sau khi hoàn thành, giáo viên gọi ngẫu nhiên 1-2 cặp hoặc nhóm trình bày. Các cặp/nhóm khác sẽ lắng nghe, nhận xét. Nếu học sinh cặp/ nhóm trả lời và nhận xét tốt, giáo viên lấy điểm.

Cách 3: Để thích ứng phù hợp với dạy học trực tuyến, giáo viên sẽ giao nhiệm vụ bài mới trước cho học sinh. Yêu cầu học sinh hoàn thiện và bài lên Teams, Padlet,... Trước khi tổ chức cho học sinh dạy học trên lớp, giáo viên sẽ vào kiểm tra, đánh dấu vào sổ theo dõi. Nếu học sinh nộp bài đủ, đúng thời gian quy định 5 lần liên tiếp, giáo viên sẽ lấy điểm thường xuyên cho học sinh.

Cách 4: Khi trở lại học trực tiếp, giáo viên có thể kiểm tra vở ghi chép của học sinh để lấy điểm.

Cách 5: Trong quá trình dạy-học, nếu học sinh nào liên tục xung phong, giơ tay phát biểu, hoàn thiện bài giáo viên giao, giáo viên lấy điểm cho học sinh.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Hoàng – Nghệ An:

Theo thầy, việc dạy lịch sử địa phương cho học sinh có ý nghĩa gì và hiện nay đã được nhà trường và địa phương triển khai ra sao? Đã thực sự hiệu quả chưa?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Học sinh tìm hiểu lịch sử qua hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa
Học sinh tìm hiểu lịch sử qua hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa

 

Chúng tôi hiểu, xây dựng tình yêu với lịch sử quê hương đất nước phải bắt đầu từ những tình cảm thân yêu trong gia đình, dòng họ, làng xóm… Giáo dục lịch sử địa phương là để các em hiểu hơn về vùng đất mình đang sống, để tự hào và để có trách nhiệm xây dựng, vun đắp. Lịch sử địa phương đã được triển khai trong chương trình nhà trường, đã có tính “địa phương” song chưa thực sự hấp dẫn. Lý do:

Cách viết lịch sử địa phương vẫn còn theo lối mòn, chưa làm rõ tính riêng biệt của địa phương này với địa phương khác, cơ bản vẫn dựa vào đường chỉ dẫn của lịch sử dân tộc để viết. Những nét bản sắc địa phương chưa rõ.

Trong kiểm tra, đánh giá, thi cử gần như không có nội dung phần này, do vậy, ở một góc độ nào đó, học sinh chưa thực sự quan tâm.

Tôi mong muốn việc dạy lịch sử địa phương được phối hợp làm tốt hơn nữa, vì có vai trò ý nghĩa to lớn đối với học sinh. Bởi vì quê hương với truyền thống lịch sử cũng là nguồn cội của mỗi con người, mỗi em học sinh. Khi ý thức được truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, các em sẽ nỗ lực, cố gắng trong học tập, rèn luyện để xứng đáng ở truyền thống đó.

Bạn đọc

Bạn lanthanh@...:

Nhà trường có kế hoạch gì trong bồi dưỡng, tập huấn sinh hoạt chuyên môn tại chỗ cho giáo viên Lịch sử?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Về bồi dưỡng giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn Lịch sử, Trường THPT Phan Thúc Trực thường xuyên tổ chức sinh hoạt tổ, cùng chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hay hoặc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy môn học.

Tạo điều kiện cho giáo viên bộ môn được đi học để nâng cao nghiệp vụ và trình độ. Có kế hoạch, chỉ đạo kịp thời, giúp giáo viên có định hướng rõ ràng trong thực hiện nhiệm vụ.

Chuẩn bị cho chương trình GDPT 2018, nhà trường đã cử giáo viên tham gia các đợt tập huấn của Sở GD&ĐT. Đồng thời, giao giáo viên tham gia tổ nhóm chuyên môn Lịch sử của tỉnh theo cụm để được tập huấn đại trà các mô-đun của chương trình mới. Qua đó, giúp giáo viên tiếp cận, có nhận thức, hiểu biết, thống nhất quan điểm để triển khai chương trình SGK Lịch sử mới sắp tới.

Trong quá trình hoạt động giảng dạy tại trường, giáo viên bộ môn lịch sử, hoặc tổ khoa học xã hội có ý tưởng, kế hoạch, đề xuất chương trình, hoạt động ngoại khóa hoặc trải nghiệm cho học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đều xem xét, và tạo điều kiện tổ chức. Bao gồm huy động các nguồn lực hỗ trợ kinh phí. Góp ý tổ chức chương trình, giao các tổ bộ môn khác và Đoàn trường cùng phối hợp tham gia tổ chức. Qua đó một mặt giúp nâng cao hiệu quả giáo dục, tạo kỷ niệm đẹp cho học sinh, đồng thời giúp cho giáo viên năng động, sáng tạo, linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến khích, khen thưởng kịp thời, phù hợp cho giáo viên không ngừng đổi mới, nỗ lực, có sáng kiến kinh nghiệm hoặc đạt thành tích trong giảng dạy và giáo dục học sinh.

Bạn đọc

Bạn kimngan@gmail...:

Theo cô, phương pháp dạy học nào là phù hợp nhất với môn Lịch sử?
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh và học trò trong giờ học Lịch sử.
Cô Vũ Thị Anh và học trò trong giờ học Lịch sử.

Không có phương pháp nào là vạn năng, tùy từng điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị, đối tượng học sinh, năng lực tổ chức của giáo viên mà nên sử dụng những phương pháp dạy học phù hợp nhất.

Môn Lịch sử cũng vậy, phương pháp dạy học phù hợp với môn Lịch sử chính là những phương pháp đặc thù đó. Nó được chia thành các nhóm phương pháp sau:

Nhóm phương pháp thông tin tái hiện lịch sử: miêu tả, tường thuật, giải thích, trực quan.

Nhóm phương pháp phát triển khả năng nhận thức cho học sinh: Phương pháp sử dụng sách giáo khoa, phương pháp trao đổi, đàm thoại.

Nhóm phương pháp tìm tòi nghiên cứu.

Trong những phương pháp này có những phương pháp dạy học truyền thống và những phương pháp dạy học tích cực. Trong xu thế đổi mới giáo dục hiện nay, việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất năng lực học trò.

Tuy nhiên, tùy với mỗi bài học thầy cô sử dụng những phương pháp dạy học khác nhau và có khi phải sử dụng nhiều phương pháp dạy học một lúc. Vấn đề mấu chốt, thầy cô phải căn cứ vào mục đích yêu cầu bài học, đối tượng học sinh, cơ sở vật chất của nhà trường để lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp nhất.

Bạn đọc

Bạn giangthanh@gmail...:

Năm nay tổ hợp em đăng ký xét tuyển vào đại học có môn Lịch sử. Em mong nhân chương trình này sẽ được các thầy cô đưa ra những lưu ý quan trọng nhất giúp em học, ôn tập và làm bài thi tốt môn này vì thời gian không còn nhiều nữa ạ. Em xin cảm ơn!
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Trước hết, các em hãy chú ý ôn tập hệ thống lại kiến thức bằng sơ đồ tư duy, theo chủ đề của phần Lịch sử Thế giới và Lịch sử Việt Nam, qua các thời kỳ. Cùng với đó, làm bài tập theo các chủ đề, sau đó luyện đề bám sát theo cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi làm bài, học sinh đọc kỹ và nhận diện từ khóa. Câu hỏi liên quan đến vấn đề gì, đáp án sẽ là từ khóa đó. Hãy làm câu dễ trước, câu khó làm sau.

Bạn đọc

Bạn Lê Thu – Thanh Hóa:

Giáo viên Lịch sử cần đổi mới gì về cách thức dạy học, tiếp cận học sinh, tạo hứng thú cho các em đối với môn học này nói riêng và lịch sử đất nước nói chung, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Lịch sử, suy cho cùng cũng là câu chuyện về quá khứ, phải làm cho các em có hứng thú, đam mê tìm hiểu những gì đã qua. Không quá nặng nề về kiến thức sách vở, hãy tìm hiểu những câu chuyện đời thực, những nhân vật lịch sử liên quan đến sự kiện để làm phong phú tư liệu. Thực tế giảng dạy chúng tôi nhận thấy, những câu chuyện tư liệu mà chúng tôi chia sẻ hấp dẫn các em hơn nhiều những con số của SGK.

Nhà trường chỉ đạo tổ bộ môn Lịch sử và giáo viên bộ môn đổi mới dạy học để môn Lịch sử lôi cuốn, thu hút học sinh học tập như tạo tâm lý thoài mái, nhẹ nhàng đối với học sinh khi tham gia học tập môn Lịch sử, hạn chế việc bắt học sinh phải học thuộc lòng, ghi chép quá nhiều nội dung, sự kiện...

Học sinh hứng thú tìm hiểu những hình ảnh tư liệu lịch sử tại Nghệ An
Học sinh hứng thú tìm hiểu những hình ảnh tư liệu lịch sử tại Nghệ An

 

Ứng dụng CNTT vào trong dạy học để ngoài nội dung cơ bản trong SGK có thể giới thiệu cho học sinh những đoạn phim, hình ảnh tư liệu lịch sử. Giới thiệu đường link hoạc trang tài liệu chính thống để học sinh có nhu cầu tìm hiểu thêm các danh nhân, nhân vật lịch sử liên quan đến bài học. Tổ chức thảo luận nhóm hoặc hùng biện để học sinh nói lên suy nghĩ, cảm nhận của mình về các dấu mốc, sự kiện, nhân vật lịch sử.

 Tổ chức các hoạt động tham quan dã ngoại, tham các khu di tích lịch sử ở tại địa phương Yên Thành cũng như các địa chỉ đỏ, bảo tàng trong tỉnh để giáo dục trực quan, sinh động cho các em. Bởi không có bài học này tác động vào cảm xúc, suy nghĩ của học sinh như những con người thật, sự kiện thật.

Cùng với đổi mới dạy học thì điều chỉnh phương pháp kiểm tra đánh giá, ra đề phù hợp với thời lượng và nội dung bài học, không nặng về học thuộc lòng có động lực, cảm hứng học tập môn học đối với học sinh. Để các em có động lực, và không e ngại môn Lịch sử.

Bạn đọc

Bạn linhsan@gmail...:

Làm công tác quản lý, tôi rất mong muốn được nghe chia sẻ về những khó khăn, cũng như mong muốn của thầy cô trong dạy học Lịch sử. Nhân chương trình này, hy vọng được nghe chia sẻ từ cô.
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh.
Cô Vũ Thị Anh.

Là giáo viên dạy học Lịch sử, tôi xin chia sẻ về những khó khăn trong dạy học Lịch sử theo góc nhìn cá nhân như sau: Sách giáo khoa hiện hành lượng thông tin kiến thức nhiều, trong khi đó thời lượng tiết học ít. Một số giáo viên vẫn “chưa đổi mới tư duy”, nên vẫn duy trì việc dạy học theo lối truyền thống. Kiểm tra, đánh giá vẫn nặng về kiến thức. Định kiến của cha mẹ học sinh, xã hội hiện nay coi trọng các môn khoa học tự nhiên hơn các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Lịch sử.

Tôi mong rằng, tâm lý “môn chính – môn phụ” sẽ không tồn tại trong các nhà trường phổ thông. Cùng với đó, nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Giáo viên được trang bị các thiết bị hỗ trợ, phần mềm dạy học cần thiết và được tạo môi trường thuận lợi để giáo viên Lịch sử có động lực giảng dạy.

Bạn đọc

Bạn Phúc Khánh – Quảng Bình:

Theo đánh giá của thầy, học sinh có biểu hiện “quay lưng” với môn Lịch sử như nhiều ý kiến đánh giá lâu nay không?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thực tế từ trước đến nay trong học sinh, nhất là bậc THPT đều xác định mục tiêu đối với việc học của mình, dựa trên năng lực, thế mạnh bản thân. Từ đó cũng quyết định đến thái độ, mục tiêu đối với từng môn học. Khi các em định hướng vào đại học,  theo ngành nghề nào đó, thì dĩ nhiên các em sẽ tập trung dành nhiều thời gian để học tập, ôn luyện, nâng cao kiến thức các môn của khối liên quan trong thi và xét tuyển sau này. Không thể đòi hỏi học sinh giỏi toàn bộ môn học trong chương trình phổ thông, mà sẽ có môn học tốt, môn chỉ trung bình.

Vì thế, môn Lịch sử cũng như nhiều môn học khác, nếu không nằm trong định hướng của học sinh, thì các em sẽ không đầu tư nhiều thời gian để học tập, nghiên cứu. Bản thân các em có thể vẫn yêu lịch sử, thích những câu chuyện về quá khứ, say mê tìm tòi khám phá thông tin. Nhưng để đạt điểm cao trong kiểm tra, đánh giá sẽ rất khó. Chưa kể môn Lịch sử trong chương trình hiện hành khá nặng về số liệu ghi nhớ khiến từ đầu các em đã e ngại. Điểm số môn Lịch sử tại các kỳ thi đại trà thấp, khiến nhiều người đánh giá học sinh yếu kém, không yêu thích, quay lưng với Lịch sử thì chưa xác đáng. Bởi điểm số đó chưa đánh giá được tất cả.

Mặt khác, lịch sử là môn đặc thù, không chỉ là kiến thức mà còn góp phần định hình tư tưởng, phẩm chất cho học sinh. Nếu biết cách tiếp cận, thì giáo viên sẽ nhận ra học sinh yêu thích lịch sử theo cách của chính các em mà mình cần tôn trọng, định hướng, bồi đắp, giáo dục.

Bạn đọc

Bạn Khánh Hoan – Thái Bình:

Là người phụ trách chuyên môn môn Lịch sử, thầy nhận xét gì về kiến thức nền môn học này của học sinh nhà trường nói chung sau khi hoàn thành chương trình THCS bước vào lớp 10?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Điều này còn phụ thuộc vào học sinh của từng vùng miền và chất lượng dạy học của các trường THCS tại địa phương đó. Ở Trường THPT Phan Thúc Trực, học sinh đều là con em nông thôn, có đặc điểm còn khá thuần, ngoan, chất phác, ham học.

Khi các em trúng tuyển vào trường, nhà trường sẽ có khảo sát năng lực, phân chia lớp theo đăng ký nguyện vọng của học sinh. Từ đó đánh giá năng lực chung của các em và bố trí giáo viên giảng dạy phù hợp.

Với môn Lịch sử, thực tế ở THCS cũng đã bao quát được kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới. Nhưng độ tuổi này các em chưa trưởng thành, chưa có nhận thức và đánh giá được sâu sắc các vấn đề lịch sử cũng như truyền thống dân tộc. Nên chắc chắc, kiến thức mà các em có được chỉ ở mức cơ bản. Mặt khác, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Nghệ An những năm gần đây là 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, nên phần lớn học sinh sẽ dành thời gian để học 3 môn này mà chưa đầu tư nhiều cho các môn khác, trong đó có môn Lịch sử.

Về vấn đề này, nhà trường sẽ có các nội dung hoạt động để bù đắp kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các em ở lứa tuổi đã bắt đầu trưởng thành về nhận thức.

Bạn đọc

Bạn tragiang.htk@...:

Xin thầy chia sẻ việc giáo dục truyền thống, lịch sử, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho học sinh tại Trường THPT Phan Thúc Trực đã và đang được triển khai như thế nào? (Hoạt động trải nghiệm, về nguồn, chương trình địa phương?)
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Trường THPT Phan Thúc Trực chúng tôi đã có nhiều giải pháp, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, quan tâm thiết thực đến các hoạt động thực tiễn để giáo dục như:

Tìm hiểu về danh nhân trường mang tên ngay tại đền thờ của cụ Phan Thúc Trực (cách trường 1,5km).

Lồng ghép các nội dung của lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương (tỉnh) với chính vùng đất các em đang sinh sống ở những sự kiện có liên quan.

Tổ chức cho các lớp kết nạp Đoàn viên chăm sóc, quét dọn, dâng hương các các khu di tích lịch sử. Hàng năm, nhà trường, Đoàn Thanh niên đều có những hoạt động này tại khu di tích lịch sử quốc gia, xã Mỹ Thành (cách trường 3km), nơi thực dân Pháp xử bắn 72 chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh trong phong trào cách mạng 1930- 1931.

Xây dựng chương trình nhà trường với nội dung lịch sử địa phương một cách thiết thực.

Trường THPT Phan Thúc Trực chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho học sinh. Trong đó đã bồi dưỡng, kết nạp nhiều đảng viên là học sinh.
Trường THPT Phan Thúc Trực chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho học sinh. Trong đó đã bồi dưỡng, kết nạp nhiều đảng viên là học sinh.

 

Bạn đọc

Bạn vinhquang@gmail...:

Cô thường sử dụng những phương tiện dạy học nào để tăng hiệu quả dạy học Lịch sử?
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Những phương tiện dạy học tôi thường sử dụng trong dạy học Lịch sử gồm: Máy tính, máy chiếu; sách giáo khoa, sách tham khảo; các trò chơi học tập; các video trên Youtube hoặc tự thiết kế, phim tư liệu; tranh biếm họa; kết hợp công cụ dạy học trực tuyến với trực tiếp: Padlet, Quizizz…

Bạn đọc

Bạn Phan Lành – Đồng Nai:

Theo thầy, việc bồi đắp tình yêu lịch sử cho học sinh có phải chỉ dựa vào môn Lịch sử hay còn phụ thuộc những yếu tố nào?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Môn lịch sử là môn quan trọng, đặc thù nhằm giáo dục tư tưởng, lòng tự hào về lịch sử dân tộc, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Tuy nhiên, ngoài môn Lịch sử, còn có rất nhiều môn học, hoạt động khác để bồi đắp tình yêu lịch sử cho học sinh như: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…

Vì thế, lên THPT, khi Lịch sử trở thành môn tự chọn, và có những em không chọn học môn này, thì nhiều nội dung về lịch sử vẫn được lồng ghép, dạy học trong các bộ môn và hoạt động khác.

Bồi đắp tình yêu lịch sử cho học sinh qua các hoạt động trải nghiệm
 Bồi đắp tình yêu lịch sử cho học sinh qua các hoạt động trải nghiệm

Thực tế SGK hiện nay được coi là tài liệu học tập. Các thông tin về lịch sử còn có trong nhiều sách, báo, tài liệu trên mạng Internet khác. Thế hệ học sinh hiện nay rất nhanh nhẹn, năng động trong tìm tòi, khám phá kiến thức. Nhưng nếu để các em tự do tìm hiểu, sẽ không có chọn lọc, thiếu định hướng, hoặc tiếp cận nguồn thông tin, tài liệu chưa được kiểm chứng.

Học sinh THPT bước vào độ tuổi bắt đầu định hình phong cách, tư tưởng, giá rị sống. Vì vậy, cấp THPT hiện nay mới được xây dựng thành giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Trong giai đoạn này, giáo viên có vai trò quan trọng trong truyền cảm hứng, tình yêu lịch sử, và phương pháp học tập, tìm hiểu kiến thức cho học sinh.

Các nội dung kiến thức lịch sử được học trong chương trình phổ thông, sau này lớn lên các em có thể quên do ít sử dụng trong lĩnh vực làm việc. Tuy nhiên, nền tảng đạo đức, phẩm chất, lý tưởng và phương pháp tư duy được giáo dục các em sẽ biết tìm kiếm, tìm hiểu đúng kiến thức trong sách báo, nhiều nguồn tài liệu khác. 

Bạn đọc

Bạn Mạnh Hùng – Nam Định:

Về lâu dài, theo thầy những học sinh không đăng ký môn tự chọn là Lịch sử liệu có thiếu hụt hay để lại khoảng trống về lịch sử như nhiều ý kiến hiện đang bày tỏ lo lắng?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Kiến thức lịch sử được dạy trong hệ thống các cấp học ở nhà trường phổ thông là cơ bản, phản ánh được những nội dung cốt lõi của tiến trình lịch sử. Dĩ nhiên, kiến thức lịch sử không chỉ được trang bị, học tập ở nhà trường. Trong thời đại thông tin ngày nay, kiến thức lịch sử được phổ cập, mọi người có thể tìm hiểu ở nhiều nguồn.

Chỉ có điều, những kiến thức lịch sử đó thường được tiếp cận một cách “đứt đoạn”, từng sự kiện riêng lẻ, có khi sự tìm hiểu đó chỉ mang tính “tò mò” nên việc hiểu biết đầy đủ, trọn vẹn thường khó khăn.

Điều này đặt ra vấn đề vai trò, trách nhiệm quan trọng của giáo viên là truyền cảm hứng, định hướng, hình thành phương pháp tư duy khoa học, tự học, tự đọc đúng đắn cho học sinh

Bạn đọc

Bạn ngocmai@gmail...:

Nội dung học Lịch sử vốn có nhiều sự kiện, con số. Đây cũng là điều khiến học sinh sợ học Lịch sử. Cô làm thế nào để có thể vừa giúp học sinh của mình nắm được các nội dung cần thiết, nhưng vẫn khiến các em hào hứng và không ngại học?
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh và học sinh lớp chủ nhiệm trong chuyến trải nghiệm tại Đền Đô, Bắc Ninh.
Cô Vũ Thị Anh và học sinh lớp chủ nhiệm trong chuyến trải nghiệm tại Đền Đô, Bắc Ninh.

Xin chia sẻ cách làm của tôi, từ kinh nghiệm thực tiễn, để giúp học sinh hào hứng trong giờ học Lịch sử như sau:

Kết hợp nội dung kiến thức thông qua các trò chơi lịch sử;

Xây dựng các video ngắn từ 3-5 phút về các nhân vật, sự kiện lịch sử để thay đổi cách tiếp cận và không khí giờ học;

Giao nhiệm vụ cho học sinh làm các video ngắn theo nhóm về các nhân vật, sự kiện lịch sử với thời lượng dưới 3 phút. Việc làm video giúp các em rèn năng lực hợp tác, tìm hiểu sâu về nhân vật, sự kiện lịch sử và rèn khả năng thuyết trình, kĩ năng công nghệ thông tin;

Tổng kết mỗi bài học, mỗi chương, tôi thường sử dụng sơ đồ tư duy để khái quát giúp học sinh hiểu được những nội dung cốt lõi;

Tóm tắt kiến thức bằng những từ khóa ngắn gọn;

Học sinh luyện tập bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm theo bài và thường xuyên cho học sinh luyện đề theo cấu trúc đề minh họa.

Bạn đọc

Bạn thucanh@gmail...:

Theo cô, người giáo viên có trách nhiệm như thế nào đối với việc giữ vị thế môn học này trong nhà trường phổ thông?
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Tôi cho rằng, người giáo viên có trách nhiệm giảng dạy, giáo dục lòng yêu nước cho học sinh. Học sinh học Lịch sử để biết về nguồn cội dân tộc, biết về những giá trị của cha ông để lại, hun đúc lòng tự hào dân tộc; xây dựng đất nước từ những bài học đau thương, mất mát.

Bạn đọc

Bạn thuylinh@gmail...:

Nhiều năm gắn bó với môn Lịch sử, cô có trăn trở gì trong việc dạy học Lịch sử hiện nay ở các nhà trường?
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh và học trò.
Cô Vũ Thị Anh và học trò.

Điều trăn trở nhất từ khi bước chân lên bục giảng cho đến hiện nay tôi thấy là học sinh vẫn xem nhẹ môn Lịch sử, sợ học Lịch sử và học mang tính đối phó. Học sinh coi môn Lịch sử là môn học để qua, ít có mục tiêu sẽ chọn Lịch sử là môn mình tuyển chọn vào ngành nghề, trường nào đó.

Bạn đọc

Bạn tuananh@gmail...:

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất để giữ vững vị thế của môn Lịch sử là làm sao để học sinh yêu môn học này. Nếu học sinh không thích học, sợ học Lịch sử thì dù có bố trí tiết dạy nhiều cũng không có tác dụng. Vậy mấu chốt để học sinh yêu thích lịch sử chính là phải thay đổi cách dạy, cách học và đồng thời phải đổi mới cách kiểm tra, đánh giá theo năng lực. Rất mong được nghe chia sẻ của cô - một người trong cuộc - về vấn đề này?
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Tôi đồng ý với quan điểm đặt vấn đề như trên; đồng thời cho rằng cần tăng cường cơ sở vật chất, tài chính cho dạy học Lịch sử, kiến nghị đưa bài thi môn Lịch sử thành bài thi chung đánh giá học sinh cuối cấp phổ thông.

Bạn đọc

Bạn khoinguyen@gmail...:

Trong thời đại internet phát triển như hiện nay, học sinh chỉ cần 1 thao tác là có thể biết được các kiến thức lịch sử, vậy việc học các sự kiện, con số trong chương trình lịch sử hiện nay có còn cần thiết hay không? Việc tìm kiếm kiến thức không còn khó khăn, vậy nếu giáo viên trên lớp chỉ dạy lại kiến thức trong sách giáo khoa liệu có còn phù hợp không? Tôi cho rằng, giáo viên cần chuyển vai trò, phải là người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập… Nhưng làm được việc này không dễ. Rất mong được nghe chia sẻ kinh nghiệm của cô về điều này.
Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh và học trò.
Cô Vũ Thị Anh và học trò.

Thời đại công nghệ, trong đó Internet trở nên phổ biến với phương châm “cái gì không biết thì hỏi Google”, học sinh sẽ nhanh hơn, nạp nhiều thông tin hơn, hiểu biết hơn. Nhưng theo tôi, người thầy vẫn giữ vị thế quan trọng trong giáo dục. Sách giáo khoa cũng không hẳn sẽ lạc hậu mà trở thành tài liệu cần thiết để thầy - trò định hướng nội dung cần tìm hiểu. Việc có sách giáo khoa không chỉ cung cấp tài liệu chính thống của lịch sử mà còn bồi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh.

Người thầy của thời đại 4.0 nên nhanh nhạy trong công nghệ thông tin, nên “nhanh” hơn học sinh, tìm hiểu trước học sinh để sẵn sàng trò chuyện, thảo luận, cố vấn cho học sinh. Những số liệu có thể không còn quan trọng nhưng khơi gợi được ý nghĩa của những con số đó để đọng lại trong tâm trí các em thì vai trò của thầy, cô là không ai có thể thay thế.

Học sinh thời đại 4.0 có thể nạp nhiều thông tin, hiểu nhiều thứ, nhưng chính vì vậy rất dễ hỗn độn, nên người thầy giờ đây giúp các em định hướng được những nội dung cần ghi nhớ. Tích cực trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học... là những biện pháp hữu hiệu để thầy trở thành "bạn dẫn đường" cho học sinh.

Bạn đọc

Bạn lethucanh@gmail.com:

Với học sinh lớp 10 năm học tới, do học sinh không được học chương trình GDPT 2018 từ đầu, theo thầy đối với những em không chọn môn Lịch sử thì có nên tổ chức các chuyên đề hoặc các hình thức khác cho phân môn này để bổ sung kiến thức cho học sinh hay không?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Đối với các lớp không lựa chọn môn học Lịch sử thì trong xây dựng chương trình nhà trường, các nội dung về Giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm thì nên lồng ghép đưa vào những nội dung cốt lõi, phù hợp với nội dung tích hợp.

Về vấn đề này, nhà trường đã tính đến và trong năm học tới sẽ họp chuyên môn tổ Khoa học xã hội cũng như bộ môn Lịch sử để xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể, chi tiết cho từng năm. Ví dụ nội dung nào đưa vào phần chương trình giáo dục địa phương, kiến thức nào sẽ tích hợp trong các môn học liên quan khác, và những vấn đề gì đưa vào hoạt động trải nghiệm.

Thực tế qua tìm hiểu, chương trình hiện hành đối với bộ môn Lịch sử đến lớp 9, các em cũng đã học các nội dung kiến thức lịch sử cơ bản. Tuy nhiên, lứa tuổi THCS còn “mới lớn”, nhiều vấn đề lịch sử nhận thức chưa sâu sắc, đầy đủ. Vì thế, khi lên THPT, chúng tôi sẽ có giải pháp, hoạt động để giáo dục tăng cường cho các em.

Bạn đọc

Bạn phanhong@yahoo...:

Xin thầy cho biết, Trường THPT Phan Thúc Trực đã chuẩn bị những gì để tổ chức dạy học, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới (như sắp xếp giáo viên, sinh hoạt chuyên môn, cơ sở vật chất… để đáp ứng yêu cầu chương trình SGK mới lớp 10)?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Sắp xếp lại đội ngũ, cân đối số tiết dạy tổng thể của môn học cả 3 khối để bố trí hợp lý, phân công các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán, có năng lực chuyên môn vững vàng dạy khối 10. Mục đích là tiếp cận chương trình mới đảm bảo chất lượng, đồng thời qua quá trình giảng dạy có thể đúc kết kinh nghiệm để tư vấn cho lãnh đạo trường trong tổ chức, bố trí dạy học, trao đổi lại với đồng nghiệp cho quá trình dạy học các năm sau.

Nội dung giáo dục lịch sử được lồng ghép thông qua hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa
Nội dung giáo dục lịch sử được lồng ghép thông qua hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa

 

Trong sinh hoạt chuyên môn cũng cần có những nội dung mới, song song với việc sinh hoạt, trao đổi chương trình 2006 đối với các lớp khối 11, 12 thì nhóm giáo viên dạy chương trình 2018 cho khối lớp 10 phải có sinh hoạt riêng, chuyên đề để một mặt chia sẻ những khó khăn trong thực hiện chương trình, đồng thời chia sẻ thông tin phản hồi từ học sinh, bởi ở cấp THCS, các em được học môn Lịch sử thiết kế theo chương trình 2006, song lên lớp 10, nội dung, phương pháp, cách tiếp cận môn Lịch sử lại có sự đổi mới. Do vậy, năm học đầu tiên thực hiện chương trình, không những môn Lịch sử mà các môn học khác đều phải có những buổi sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm. Việc xây dựng chương trình nhà trường cho từng môn học cũng phải được thực hiện sớm trong tháng 8/2022.

Về cơ sở vật chất, bên cạnh cơ sở vật chất hiện có, cộng với thiết bị được cấp theo chương trình, nhà trường cố gắng bố trí một phần ngân sách để tăng cường các thiết bị dạy học tối thiểu, đồng thời, huy động thêm nguồn hỗ trợ từ các dự án, nguồn tài trợ giáo dục để mua sắm thêm trang thiết bị.

Bạn đọc

Bạn Lưu Khang – Hải Phòng:

Thầy có thể chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi khi tổ chức dạy học môn Lịch sử tại nhà trường trong năm học tới?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Khó khăn lớn nhất chính là việc tiếp cận chương trình mới đảm bảo chất lượng. Như đã nói, điều này yêu cầu giáo viên thay đổi cách dạy học, tiếp cận, định hướng môn học cho học sinh. Tuy nhiên, để giáo viên trong thời gian ngắn có thể đổi mới quan điểm, nhận thức, phương pháp dạy học, triển khai chương trình SGK mới là không dễ dàng. Và hiệu quả dạy học SGK Lịch sử mới như thế nào cần có thời gian đi vào vận hành mới đánh giá được.

Về cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy học chương trình hiện hành, song để triển khai chương trình mới, giúp học sinh tiếp cận nhiều kênh thông tin, tài liệu bao gồm kênh chữ, kênh hình… thì vẫn còn thiếu thốn.

Tuy nhiên giáo viên nhà trường đều đạt chuẩn, trên chuẩn, đào tạo sư phạm bài bản. Các thầy cô cũng rất tâm huyết, trách nhiệm. Lãnh đạo nhà trường có kế hoạch cùng với tập thể giáo viên có kế hoạch chuẩn bị sẽ là thuận lợi để day học Lịch sử theo chương trình mới sắp tới.

Bạn đọc

Bạn Thùy An – Hà Tĩnh:

Năm học 2022-2023 sẽ là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới đối với cấp THPT, và môn Lịch sử là một trong những môn tự chọn. Ngay từ thời điểm này, trường đã có kế hoạch gì để dự báo số học sinh đăng ký môn Lịch sử?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Điều này tương đối khó bởi nguyện vọng của các em chỉ biết chính xác khi các em đăng ký nhập học vào trường và lựa chọn các môn theo nguyện vọng. Tuy nhiên, nhà trường đã gửi kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch dự kiến bố trí môn học các nhóm lớp cho các trường THCS trên địa bàn trường tuyển sinh. Thông qua giáo viên chủ nhiệm các lớp 9, giáo viên dạy Lịch sử khối lớp 9, nhà trường khảo sát sơ bộ nguyện vọng của các em trong việc lựa chọn môn Lịch sử. Số lượng này chỉ là bước đầu để trường có cơ sở xây dựng cơ cấu các lớp học trong việc bố trí các môn học lựa chọn.

Giáo viên, học sinh Trường THPT Phan Thúc Trực thắp hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia (xã Mỹ Thành, Yên Thành), nơi thực dân Pháp xử bắn 72 chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh trong phong trào cách mạng 1930-1931
Giáo viên, học sinh Trường THPT Phan Thúc Trực thắp hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia (xã Mỹ Thành, Yên Thành), nơi thực dân Pháp xử bắn 72 chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh trong phong trào cách mạng 1930-1931

 

Bạn đọc

Bạn quangan.ttls@gmail.com:

Theo thầy, những điểm đổi mới trong SGK Lịch sử mới có tác động thế nào đến quá trình dạy học môn Lịch sử của giáo viên trong thời gian tới (về phương pháp, tổ chức hoạt động dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá người học)?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Những đổi mới trong SGK Lịch sử chắc chắn sẽ làm thay đổi phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Trước hết, nội dung chương trình SGK Lịch sử mới đi sâu vào chủ đề chuyên đề, giáo viên cần phải nghiên cứu sâu mới dạy được.

Mặt khác, theo chương trình GDPT 2018, cấp THPT là giáo dục định hướng, điều này cũng thay đổi nhiệm vụ của học sinh cấp học này. Ngoài môn bắt buộc thì những môn khác các em tự chọn theo định hướng mục tiêu nghề nhiệp sau này. Với môn Lịch sử cũng vậy.

Điều này đòi hỏi giáo viên không thể dạy học truyền thụ kiến thức như truyền thống, mà còn phải đi vào hướng nghiệp cho học sinh. Nội dung môn Lịch sử ở tiểu học là câu chuyện, ở THCS là trải rộng, còn THPT là gói gọn lại, đi vào chuyên sâu, cụ thể, phong phú hơn.

Sách giáo khoa Lịch sử mới theo tôi thấy rất hay, không nặng về tính sự kiện ghi nhớ. Quan trọng là giáo viên có thực hiện được theo mục tiêu “lấy người học làm trung tâm” hay không.

Điều băn khoăn là với việc đổi mới trong sắp xếp nội dung kiến thức, phương pháp dạy học Lịch sử, thì cùng với đó có thay đổi trong cách thức thi cử hay không. Tôi mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh trong tổ chức thi, ra đề môn Lịch sử để phù hợp với cách dạy học theo chương trình mới.

Bạn đọc

Bạn ngockhanh@gmail.com:

Qua tìm hiểu các bộ SGK Lịch sử lớp 10 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, thẩm định, thầy có thể chia sẻ những điểm khác nào so với SGK của chương trình hiện hành?
Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc

Thầy Nguyễn Đình Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực, huyện Yên Thành, Nghệ An
Thầy Nguyễn Đình Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực, huyện Yên Thành, Nghệ An

 

So với SGK theo chương trình hiện hành thì các bộ SGK được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt có một số điểm mới:

- SGK hiện hành được cấu trúc tách riêng 2 phần riêng biệt: phần Lịch sử thế giới (trước) và Lịch sử Việt Nam (sau). SGK mới thì cấu trúc tuần tự từ Lịch sử thế giới đến khu vực, đến Việt Nam và sau cùng là phần địa phương.

- SGK mới kênh hình phong phú (kênh hình là một kênh thông tin chứ không phải chỉ là minh họa).

- Hệ thống các câu hỏi hướng tới việc phát triển năng lực học sinh theo cấp độ từ thấp đến cao, từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng.

- Nội dung kiến thức giảm bớt số liệu, phong phú, sâu sắc và cụ thể hơn, do phục vụ đối tượng học sinh lựa chọn lịch sử để định hướng vào ngành nghề, lĩnh vực liên quan trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.