Giáo viên GDTX được nghỉ hè: Tạo công bằng trong giáo dục

GD&TĐ - Giáo viên trung tâm GDTX thực hiện những nhiệm vụ tương đương với giáo viên trường phổ thông nên cần có chế độ đãi ngộ công bằng...

Học sinh tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: TG
Học sinh tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: TG

Theo đánh giá, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP đề cập quyền lợi nghỉ hè cho giáo viên các trung tâm GDTX phù hợp với thực tế, tạo sự công bằng trong giáo dục.

Động lực cho nhà giáo

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Theo đó, có quy định mới về việc giáo viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân có thời gian nghỉ hè hằng năm tương tự như giáo viên cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Điểm này được bổ sung do các chính sách đối với giáo viên cơ sở GDTX dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện tương tự như giáo viên phổ thông, tuy nhiên Nghị định 84/2020/NĐ-CP lại chưa quy định việc nghỉ hè đối với trường hợp này.

Đánh giá cao đề xuất của Bộ GD&ĐT trong dự thảo lần này, thầy Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, bổ sung thời gian nghỉ hè hằng năm cho giáo viên GDTX cần thiết và phù hợp với thực tế. Điều này cũng góp phần tạo sự công bằng trong giáo dục, không phân biệt giáo viên các trường mầm non, phổ thông với trung tâm GDTX.

Thầy Dũng thông tin: Trung tâm hiện có 1.024 học sinh nhưng chỉ có 15 giáo viên biên chế, phải hợp đồng thêm 11 giáo viên đóng bảo hiểm và 4 giáo viên thỉnh giảng. Khó khăn chung của các trung tâm GDTX hiện nay là thiếu người dạy so với nhu cầu người học và không có định mức biên chế như các cơ sở giáo dục phổ thông. Nếu giải quyết được bài toán này sẽ góp phần tạo động lực cho nhà giáo.

“Do đó, chúng tôi mong muốn lãnh đạo các cấp cần bổ sung chỉ tiêu biên chế; hoặc xây dựng định mức biên chế chính thức cho trung tâm để làm căn cứ xác định số biên chế bị thiếu. Đồng thời thống nhất đầu mối quản lý các trung tâm GDNN-GDTX là sở GD&ĐT cấp tỉnh để thuận tiện trong công tác chuyên môn”, thầy Nguyễn Tiến Dũng đề xuất.

Theo lãnh đạo của một trung tâm GDTX tại tỉnh Nghệ An, bổ sung thêm quy định nghỉ hè cho đối tượng giáo viên tại các cơ sở GDTX tương đương với giáo viên phổ thông giúp các thầy, cô cảm thấy được quan tâm, yên tâm công tác, từ đó tích cực nghiên cứu, phát triển kiến thức chuyên môn để đóng góp nhiều hơn cho nền giáo dục.

Mặc dù chương trình học tại trung tâm GDTX có phần linh hoạt hơn so với trường phổ thông, nhưng đội ngũ giáo viên cũng phải làm việc không kém phần vất vả với các nhiệm vụ như chuẩn bị bài giảng, kiểm tra, đánh giá, tổ chức hoạt động học tập và hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình học.

Các trung tâm GDTX có vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh, sinh viên và người lao động có cơ hội học tập, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mới nhằm nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp qua các khóa học được tổ chức để bổ túc văn hóa, lớp học nghề, chương trình đào tạo kỹ năng sống, ngoại ngữ, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao năng lực người học ở nhiều độ tuổi khác nhau.

giao-vien-gdtx-duoc-nghi-he-1.jpg
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền. Ảnh: TG.

Bảo đảm công bằng

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) nhìn nhận, dự thảo Bộ GD&ĐT công bố về việc bổ sung quyền lợi nghỉ hè cho giáo viên các trung tâm GDTX là hoàn toàn hợp lý, hợp tình và đảm bảo tính công bằng trong giáo dục.

“Giáo viên trung tâm GDTX cũng cần có thời gian nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe. Họ thực hiện những nhiệm vụ tương đương với giáo viên trường phổ thông nên cần có chế độ đãi ngộ công bằng. Khi thầy cô tự nguyện làm vào dịp nghỉ hè thì có chế độ thù lao phù hợp, xứng đáng công sức bỏ ra sẽ khích lệ họ làm tốt hơn”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nói.

Giáo viên GDTX hằng ngày giảng dạy, tiếp xúc với nhiều học sinh có mục tiêu học tập khác nhau bao gồm cả học sinh và người đi làm nên khá áp lực. Vì thế, theo vị chuyên gia, kỳ nghỉ hè giúp giáo viên GDTX giảm bớt căng thẳng, áp lực và cân bằng giữa công việc với cuộc sống, nâng cao thể lực, tinh thần. Hơn nữa, được nghỉ ngơi, giáo viên có thời gian trau dồi chuyên môn nghiệp vụ cũng như cập nhật kiến thức kỹ năng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần ổn định đội ngũ. Ngoài ra, khoảng thời gian này còn giúp thầy cô được tái tạo năng lượng, gần gũi gia đình.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Viết Cường - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho biết, đơn vị đang áp dụng nghỉ hè từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm cho giáo viên. Thầy cô vẫn được hưởng nguyên lương và các quyền lợi tương tự như giáo viên THPT.

Để trung tâm GDNN-GDTX phát triển thuận lợi cần quy định rõ ràng, cụ thể thời gian nghỉ hè cho giáo viên GDTX tương đương với giáo viên phổ thông, đồng thời giảm bớt công việc phải thực hiện trong kỳ nghỉ.

Đồng thời tăng cường các chế độ phụ cấp đặc thù cho giáo viên GDTX vì họ thường gặp khó khăn và áp lực nhiều hơn trong giảng dạy bởi một số học viên có xuất phát điểm thấp, nhiều em cần quan tâm đặc biệt hoặc hoàn cảnh đa dạng; cải thiện và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy phù hợp đối tượng học tập tại các trung tâm GDTX.

“Bổ sung quyền lợi nghỉ hè cho giáo viên các trung tâm GDTX là vấn đề cấp thiết, cần được các cấp chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục và xã hội quan tâm giải quyết. Đây không chỉ là việc làm đảm bảo quyền lợi chính đáng của đội ngũ giáo viên, mà còn là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng GDTX, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền trao đổi thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ