Nỗi lo thiếu giáo viên tại trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên

GD&TĐ - Nhiều năm qua, bài toán thiếu giáo viên tại trung tâm GDNN-GDTX vẫn là nỗi lo của các nhà quản lý trước thềm năm học mới.

Hiện nhiều trung tâm GDNN-GDTX đang xoay xở với việc thiếu giáo viên
Hiện nhiều trung tâm GDNN-GDTX đang xoay xở với việc thiếu giáo viên

Mong muốn có thêm giáo viên

Để công tác chuẩn bị cho năm học mới tốt hiện nay các trung tâm GD Nghề nghiệp (NN) - GD Thường xuyên (TX) đã bắt tay vào tổ chức tập huấn, nghiên cứu chương trình GDPT 2018 lớp 11 cũng như rà soát giáo viên để chuẩn bị cho năm học mới.

Và một trong những bài thực trạng khiến cho các trung tâm GDNN-GDTX áp lực và "đau đầu" chính là thực trạng thiếu giáo viên giảng dạy cho các bộ môn.

Tại Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Tây (Hà Nội) năm học 2023-2024 có 1200 học viên, với 27 lớp cho ba khối tuy nhiên số lượng giáo viên cơ hữu giảng dạy hiện có không thể đáp ứng đủ.

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Tây: “Hiện tại, chúng tôi có 16 thầy cô cơ hữu giảng dạy (không tính đội ngũ quản lý), trong đó thiếu trầm trọng nhất là môn Ngữ văn. Môn này không có giáo viên biên chế cứng, chúng tôi đang phải tuyển giáo viên về dạy hợp đồng, trong khi đó đây là môn học chính”.

Thầy Toàn cũng cho biết thêm, trung tâm đang thiếu rất nhiều giáo viên, mỗi môn chỉ có 1 đến 2 giáo viên biên chế. “Với số lượng học viên hiện nay, mỗi môn chúng tôi cần 4 đến 5 giáo viên mới đáp ứng đủ. Do đó năm học 2023-2024, những giáo viên giảng dạy hướng nghiệp không còn chức năng đó nữa do đó chúng tôi sắp xếp thầy cô chuyển sang những môn tự chọn trong chương trình GDPT 2018 để lấp khoảng trống thiếu giáo viên hiện tại”, thầy Toàn cho biết.

Được biết năm học 2022- 2023 để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Tây đang phải hợp đồng với 30 giáo viên ở ngoài. Họ là những thầy cô đang giảng dạy ở Trường THPT sang thỉnh giảng, giáo viên mới ra trường.

“Hiện nay chúng tôi không đơn thuần là dạy nghề mà nhiều học viên sau khi nhập trường vẫn muốn đăng ký học theo tổ hợp để xét tuyển đại học, cao đẳng. Chúng tôi phải phân loại học viên giảng dạy các em sao cho hiệu quả.

Những học viên này ngoài học nghề sẽ học chương trình thêm nâng cao nhằm giúp các em nắm chắc kiến thức, để khi tham dự các kỳ thi tốt nghiệp hay đánh giá năng lực giúp học trò có kiến thức vững vàng, hành trang tự tin hơn.

Bên cạnh đó để tạo được lòng tin cho phụ huynh, học viên thì đội ngũ giáo viên cũng phải chất lượng, đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, học tập của học viên. Trước thực tế đó, chúng tôi có đề xuất mỗi môn học có thêm 1 biên chế giáo viên cơ hữu để đảm bảo công tác giảng dạy hiệu quả và tốt hơn”, thầy Toán cho hay.

Một tiết học của Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh NTCC.

Một tiết học của Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh NTCC.

Điều động giáo viên thiếu tiết

Nhiều năm qua nhằm đảm bảo chất lượng cũng như có đủ giáo viên giảng dạy, Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã chủ động dùng nhiều biện pháp huy động giáo viên tham gia giảng dạy.

Năm học 2023-2024, Trung tâm đề xuất UBND thành phố cho thi tuyển giáo viên cho bốn môn Ngữ văn, Vật lý, Hóa học và Lịch sử, hiện số giáo viên trúng tuyển trong đợt này đã về Trung tâm nhận công tác từ ngày 20/7.

Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, Trung tâm vẫn thiếu 13 giáo viên. Theo ông Hà Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Buôn Ma Thuột đề xuất: “13 giáo viên còn thiếu, trung tâm xin chủ trương UBND thành phố cho ký hợp đồng thỉnh giảng giáo viên cơ hữu có kinh nghiệm ở các trường THPT, sinh viên mới ra trường của Trường ĐH Tây Nguyên.

Đồng thời giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho phép trung tâm hợp đồng giáo viên thỉnh giảng còn thiếu nhằm đảm bảo đủ viên giảng dạy cho năm học mới. Hoặc có thể điều động giáo thiếu tiết các trường THPT cùng địa bàn tham gia giảng dạy tại các Trung tâm trong giai đoạn hiện nay khi chưa được tuyển dụng".

“Đối với các Trung tâm GDNN-GDTX nói chung và Trung tâm Trung tâm GDNN-GDTX Thành phố Buôn Ma Thuột, hiện nay gần như tất các các môn đều cần bổ sung 1 giáo viên cơ hữu mới đáp ứng được nhu cầu giảng dạy chương trình GDPT 2018”, ông Hà Ngọc Anh – Giám đốc dạy Trung tâm GDNN-GDTX Thành phố Buôn Ma Thuột.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ