Đổi mới phương pháp tiếp cận Lịch sử
Nhớ lại những ngày đầu mới nhận công tác tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, chia sẻ: "Nhiều học sinh nhà trường lớn lên trong cảnh nghèo khó nhưng các em rất chăm học, có thái độ học tập cầu tiến. Với môn Lịch sử, các em rất tích cực học nhưng chỉ học thuộc lòng.
Vì vậy, dù rất vất vả ghi nhớ, các em vẫn gặp phải tình trạng học trước quên sau. Khi đó, mong muốn thay đổi cách học sinh tiếp cận môn Lịch sử, tôi phải tìm kiếm nhiều phương pháp để “thổi hồn” cho môn học này".
Sau một thời gian nghiên cứu, cô Hà khuyến khích học sinh đóng kịch kể lại các câu chuyện lịch sử. Nữ giáo viên nhớ mãi vở kịch đầu tiên học sinh biểu diễn là chủ đề “Anh hùng đất Việt”. Các em lựa chọn hoá thân thành các nhân vật lịch sử như Trần Quốc Toản, vua Quang Trung, chị Võ Thị Sáu…
Theo cô Hà, khi học qua sách giáo khoa, học sinh thường không nhớ hết các nhân vật lịch sử vì những cái tên không gợi lên sự thân thuộc. Tuy nhiên, nếu học sinh tìm hiểu câu chuyện đằng sau các nhân vật, các em sẽ tìm thấy sự hứng khởi, quan tâm, thậm chí là sự kết nối, với các tên tuổi trong lịch sử.
Không chỉ cho học sinh đóng kịch, cô Hà thường lồng ghép các bài thơ để dạy Lịch sử. Phương pháp lấy cảm hứng từ lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Trong khi giảng bài, cô Hà thường dừng lại đọc những đoạn thơ có liên quan đến sự kiện lịch sử mà học sinh đang theo dõi.
Khi dạy về chiến dịch ĐIện Biên Phủ năm 1954, cô Hà trầm giọng đọc đoạn trích trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của tác giả Tố Hữu: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!…”
Rồi khi kết thúc bài học, cô không quên nhắc lại câu thơ nổi tiếng gắn với thiên sử vàng: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.
Sự chung tay của toàn trường
Cô Ngọc Hà nhận định: "Các phương pháp dạy học môn Lịch sử cũng cần trao quyền chủ động cho học sinh để loại bỏ việc học thuộc lòng, học thụ động. Để làm được điều này, dạy học qua sơ đồ tư duy là một thế mạnh. Học sinh có thể ghi nhớ ngắn gọn các sự kiện lịch sử song cũng cần tự tìm hiểu mở rộng để nắm bắt kiến thức".
Tính chủ động trong nhận thức của học sinh cũng là mục tiêu khi cô Hà xây dựng đề thi. Cô Hà cho biết thường xây dựng các bài kiểm tra tự luận, có câu hỏi yêu cầu thí sinh thể hiện quan điểm kèm luận giải. Từ đó, khuyến khích học sinh xây dựng tính phản biện trước một ý kiến, học hiểu vấn đề thay vì thuộc lòng.
Đơn cử, đề thi tự luận có câu hỏi: “Theo em, có đúng không khi khẳng định rằng triều đình nhà Nguyễn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc để nước ta rơi vào tay thực dân Pháp?”. Học sinh trả lời đồng tình hoặc không đồng tình phải luận giải lý do cho sự lựa chọn của mình. Câu hỏi cũng có thể phân hóa học sinh.
Ngoài sự nỗ lực không ngừng của thầy cô giáo, thời gian qua, các nhà trường cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút học sinh với môn Lịch sử.
Nằm trên "địa chỉ đỏ" của huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, nuôi dưỡng tình yêu lịch sử cho học sinh là một trong những mục tiêu quan trọng của Trường THCS Hưng Đạo.
Cô giáo Vũ Thị Hồng Hiếu, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Chúng tôi thường xuyên sáng tạo, tổ chức các hoạt động cho học sinh như tham quan các địa chỉ đỏ là di tích lịch sử trong và ngoài xã; tham gia làm vệ sinh môi trường tại các địa chỉ đỏ; thăm nhà và giúp việc nhà cho các cựu thanh niên xung phong... Các hoạt động không chỉ nằm trong giờ học Lịch sử mà được tổ chức trong các giờ sinh hoạt tập thể, sinh hoạt dưới cờ".
Còn tại Trường THCS và THPT Lômônôxốp, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, học sinh đã tham gia tái hiện một phần chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây gần 70 năm trong lễ bế giảng năm học 2021-2022.
Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: "Học sinh yêu Sử hơn sau mỗi hoạt động như vậy. Việc học qua dự án, hoạt động trải nghiệm đưa học sinh đến gần hơn với Lịch sử - môn học nhiều em còn e ngại".
Thực hiện các hoạt động trên theo quy mô khối, trường, là sự nỗ lực và chung tay góp sức của toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh các nhà trường. Đây cũng là phương pháp giúp đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử để xua tan tâm lý "ngại học" của một bộ phận học sinh.